Thursday, December 19, 2019

Khi đến cuối chu kỳ thành công Trung Quốc sẽ trở nên nguy hiểm

Bình Luận

Một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính là điều kiện tiên quyết cho sự “hóa rồng” của một quốc gia đang phát triển. Đảng CSTQ, cũng như đàn em CSVN vô cùng bảo thủ và tham quyền cố vị. Kết quả là cả 2 quốc gia sẽ gặp khủng hoảng kinh tế đưa đến bất ổn chính trị trầm trọng. 
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Đỗ Ngà với tựa đề: “Khi đến cuối chu kỳ thành công Trung Quốc sẽ trở nên nguy hiểm” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

KHI ĐẾN CUỐI CHU KỲ THÀNH CÔNG, TRUNG QUỐC SẼ TRỞ NÊN NGUY HIỂM
Hiện nay mức thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc là 10.099 USD, trong khi mức trung bình thế giới 11.464 USD. Với thu nhập đó, Trung Quốc đang tiệm cận rất gần bẫy thu nhập trung bình, tức mức thu nhập khoảng từ 12.000 đến 15.000 USD.
Trước đây khi Brasil đạt đến 13.245 USD vào năm 2011 thì sau đó thu nhập tụt dần và đến năm 2018 chỉ còn 8.920 USD. Nam Phi cũng gặp hiện tượng tương tự, đạt 8.007 USD năm 2011 và đến nay chỉ còn 6.374 USD.
Người ta nói bẫy thu nhập trung bình là mức thu nhập khoảng chừng 12.000 đô, nhưng Nam Phi dính bẫy này ở mức thu nhập thấp hơn. Thực tế có rất ít quốc gia vượt qua được mức thu nhập này để bức phá lên nhóm thu nhập cao hơn. Một trong những quốc gia vượt qua được, có thể kể ra như Hàn- Đài –Sing. Lý do vì sao?
Thực tế các quốc gia có mức thu nhập dưới 12.000 USD hầu hết là các quốc gia phát triển dựa trên sự khai thác tiềm năng sẵn có. Những tiềm năng sẵn có có thể kể ra như: tài nguyên thiên nhiên, nhân công giá rẻ, v.v… Hầu hết các quốc gia khi đạt đến mức thu nhập tầm 12.000 USD thì lợi thế nhân công giá rẻ không còn nữa, và lúc đó tài nguyên thiên nhiên có sẵn cũng đã khai thác cạn.
Chính vì thế những quốc gia nào không chuyển hướng phát triển từ việc khai thác tiềm năng sẵn có sang khai thác chất xám thì sẽ bị mắc kẹt trong cái bẫy này không thể nào vượt qua được.
Nếu một quốc gia muốn phát triển dựa trên sự khai thác chất xám như Nhật-Hàn ngày nay, thì trước tiên hệ thống chính trị quốc gia đó phải có chính sách nuôi trồng chất xám cho đất nước sử dụng vào lúc đất nước mất hết lợi thế sẵn có. Hay nói đúng hơn, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì những nhà hoạch định chính sách phải chuẩn bị cải cách giáo dục theo hướng tiến bộ trước đó khoảng 20 năm để đến khi gặp bẫy, đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển nền kinh tế dựa trên nền tảng tri thức một cách vững chắc.
Lại nói về giáo dục, thông thường để có được nguồn chất xám tốt thì quốc gia đó dựa vào 2 nguồn cung cấp, nguồn thứ nhất là cho một lớp người tinh túy đi du học, nguồn thứ nhì là chất xám được đào tạo trong nước. Để có nguồn chất xám dồi dào thì không thể cậy mãi vào lớp tinh túy đi du học về, mà phải dựa trên chân trụ giáo dục nước nhà. Thế nhưng với Trung Quốc, lớp tinh túy du học nước ngoài hầu hết sẽ từ chối trở về vì lớp này thường không dung nạp được với môi trường chính trị độc tài. Và lớp giỏi trong nước cũng tìm đường ra đi để thụ hưởng xã hội phồn vinh và bình yên tại các nước tiến bộ. Nói chi đâu xa, con cái của quan chức và các người giàu có Trung Quốc cũng đang tìm cách ra đi chứ nói gì đến người dân. Như vậy chất xám của Trung Quốc không những không đủ để giúp Trung Quốc vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà nó còn bị chảy máu. Điều này hoàn toàn khác với với Hàn – Đài – Sing khi những quốc gia này bước qua bẫy thu nhập trung bình.
Hiện nay Trung Quốc đang vướng vào cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ làm cho hàng loạt công ty Mỹ đang rút dần ra khỏi Đại Lục. Lợi thế nhân công giá rẻ không còn nên các doanh nghiệp của các cường quốc khác cũng đang tính bài rút. Ngày 28/08/2019 trên báo Zing có bài “Công ty nước ngoài chạy khỏi Trung Quốc, hàng loạt nhà máy tê liệt” đã mô tả tình trạng rút lui này. Thêm vào đó lo ngại tình hình bất ổn chính trị từ Hồng Kông lan sang đại lục, nhiều nhà đầu tư mới cũng e ngại việc đầu tư vào Trung Quốc.
Kết quả của thương chiến với Mỹ tác động ngay tức thì đến nền kinh tế của Trung Quốc. Ngày 02/12/2019, trên báo CafeF có bài viết “Các doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân liên tiếp vỡ nợ, Trung Quốc nhấp nháy báo động đỏ”, trước đó, ngày 26/11/2019 báo này cũng có bài viết “Trung Quốc đối mặt vụ vỡ nợ doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong 20 năm” đã mô tả rất rõ sự tác động của thương chiến Mỹ -Trung và giai đoạn Trung Quốc sắp vướng vào bẫy thu nhập trung bình. Chưa có tín hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ vượt qua bẫy thu nhập trung bình để gia nhập nhóm các nước phát triển.
Khi con hổ dữ Trung Cộng đứng trước miệng bẫy, thì tổng thống Donald Trump sẽ khó mà bỏ qua cơ hội để ghìm cương con mãnh thú này. Với hành động khiêu chiến đúng vào lúc này, điều đó cho chúng ta thấy thấy rằng, tổng thống Trump đã tính trước thời điểm thuận tiện nhất để đẩy cho con hổ Trung Cộng sập bẫy luôn và kết thúc chu kì thành công của nó. Với những khó khăn cả kinh tế lẫn chính trị đang hội tụ như thế, thì có thể nói Trung Quốc khó có cơ hội nào để vượt qua bẫy thu nhập trung bình đang giăng ra trước mặt.
Thời kỳ thoái trào của Trung Quốc sẽ không còn xa nữa và không biết khi khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị gặp nhau cùng thời điểm thì kết quả sẽ ra sao? Điều đó thật khó đoán. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, ĐCS Trung Quốc sẽ không chịu cải tổ chính trị để vượt bẫy. Chính vì thế Trung quốc sẽ càng rơi vào khủng hoảng, và khi khủng hoảng thì nó sẽ càng trở nên hung dữ gây hấn với các nước láng giềng để hướng sự chú ý dân chúng vào các cuộc gây gỗ đó. Và điều đó, dự báo chẳng có tương lai tốt đẹp nào cho Việt Nam.
Đỗ Ngà

No comments:

Post a Comment