Saturday, December 28, 2019

TIN TỨC: Thứ Bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Minh Nguyệt & Hướng Dương trình bày sau đây.
TIN TỨC: Thứ Bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2019
CỘNG SẢN VIỆT NAM GÁN GHÉP TỘI DANH HÌNH SỰ CHO MỘT SỐ NHÀ HOẠT ĐỘNG
Bộ Công an cộng sản Việt Nam đã tùy tiện chuyển từ cáo buộc chính trị thành tội danh hình sự đối với một số nhà hoạt động đang bị truy nã , nhằm mục đích hạ thấp hình ảnh của bị cáo, hay tìm cách gây khó khăn cho việc tỵ nạn, thậm chí tìm cách dẫn độ về nước để trừng phạt.
Trong trang thông tin điện tử của bộ Công An, 3 thành viên của Hội Anh em Dân chủ là Mai Văn Tám, Phạm Thị Lan và Nguyễn Văn Tráng bị đổi tội danh từ “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” sang “môi giới mại dâm” hay “sử dụng trái phép vũ khí thô sơ.”
Hai ông Trần Minh Nhật và Lê Văn Sơn bị chuyển tội danh từ “không chấp hành án” sang tội danh “nhận hối lộ” hoặc “xúi giục hoặc giúp người khác tự sát.”
Hội Anh em Dân chủ đã có văn bản phản đối việc làm bất hợp pháp này của công an Việt Nam.
GIA ĐÌNH NGUYỄN BẮC SON NỘP 66 TỶ ĐỒNG TRƯỚC NGÀY TUYÊN ÁN
Vào thứ Sáu ngày 27/12, luật sư của cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã xác nhận rằng gia đình đương sự  đã giao nộp tổng cộng 66 tỷ đồng cho hành vi nhận hối lộ.
Số tiền trên gần bằng 3 triệu Mỹ kim mà ông Son đã nhận từ Phạm Nhật Vũ sau thương vụ AVG mà Mobifone của Bộ Thông tin và Truyền thông đã trả cho ông Vũ để mua 95% số cổ phần AVG. Trong thương vụ này, trị giá của AVG đã được thổi lên từ 1.960 tỷ lên hơn 9.000 tỷ đồng, làm thất thoát khoảng 6,000 tỷ đồng của ngân sách nhà nước.
Ông Son còn thừa nhận đã nhận thêm 200.000 Mỹ kim từ Chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà.
Vụ án AVG, với 14 bị cáo, bao gồm ông Son và người kế nhiệm Trương Minh Tuấn, dự kiến được kết thúc vào ngày 28/12. Với việc nộp tiền khắc phục hậu quả, ông Son có thể không bị kết án tử hình như bên công tố đề nghị.
VIỆT NAM ĐÓN HƠN 18 TRIỆU DU KHÁCH QUỐC TẾ NĂM 2019
Theo Tổng cục thống kê, Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, tăng 18% so với năm trước, và trở thành kỷ lục của ngành du lịch.
Trong đó, lượng khách đến từ châu Á chiếm gần 80% tổng du khách quốc tế và tăng 19,1% so với năm trước, khách đến từ châu Âu, châu Mỹ và châu Phi tăng từ 6,4% lên đến 12,2%.
Theo Tổng cục Du lịch, ngành Du lịch Việt Nam trong năm 2019 đã phục vụ 85 triệu du khách nội địa với tổng mức thu về đạt hơn 720.000 tỷ đồng, tăng 16%.
Việt Nam đặt mục tiêu cho năm 2020 sẽ có 20 triệu du khách quốc tế và 90 triệu khách du lịch nội địa, với tổng doanh thu từ du lịch đạt 830.000 tỷ đồng.
TỈNH KHÁNH HOÀ CẤM BÁN DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà vừa ra văn bản yêu cầu các chủ đầu tư không được bán bất động sản cho người nước ngoài sau khi Uỷ ban tỉnh đề nghị thủ tướng chính phủ tạm dừng lập quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong.
Theo đó, bất động sản nhằm phục vụ cho ngành du lịch như nhà cửa, biệt thự không phải là nhà ở nên không được bán cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài, trừ trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua loại bất động sản này để làm cơ sở kinh doanh, dịch vụ theo công năng sử dụng, như quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản.
Khánh Hoà có 129 dự án bất động sản nghỉ dưỡng được yêu cầu không bán cho người nước ngoài, trong đó có những dự án lớn như The Costa, Khu du lịch và dịch vụ Du thuyền Đệ Nhất, Cam Ranh Citygate, Khu nghỉ dưỡng Ocean Village…
Khánh Hoà hiện đang là tỉnh đứng đầu của Việt Nam về số lượng khách du lịch từ Trung Cộng. Trong 3 quý đầu năm nay, Khánh Hoà đã đón gần 2 triệu lượt khách Trung Cộng, chiếm gần 3/4 tổng số khách nước ngoài đến đây.
MALAYSIA ÁP THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ LÊN THÉP VIỆT NAM
Malaysia vừa áp đặt mức thuế chống bán phá giá trên 20% đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam sau khi kết thúc điều tra. Sản phẩm bị áp thuế là thép cuộn cán nguội hay thép không hợp kim.
Chỉ có sản phẩm thép của POSCO-Vietnam chịu mức thuế 7,7%, còn lại các sản phẩm từ các doanh nghiệp thép Việt Nam khác đều phải chịu mức thuế trên 20%.
Malaysia tiến hành cuộc điều tra từ cuối tháng 3, theo đơn kiện của Tập đoàn Mycron Steel CRC. Doanh nghiệp này cáo buộc các sản phẩm thép từ Việt Nam, Trung Cộng, Nhật Bản, và Nam Hàn đã được nhập khẩu vào Malaysia với giá rẻ hơn giá bán tại thị trường nội địa, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp địa phương.
Ngoài Malaysia, các sản phẩm thép của Việt Nam trong năm qua đã phải hứng chịu trên 47 cuộc điều tra chống bán phá giá từ nhiều nước như Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Nam Hàn, Indonesia…, 
Ngày 16/12, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp mức thuế tới 456,23% đối với sản phẩm thép cán nguội và chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập từ Nam Hàn và Đài Loan.
THẾ GIỚI THIỆT HẠI HÀNG TRĂM TỶ MỸ KIM NĂM 2019 VÌ THẢM HOẠ THIÊN NHIÊN 
Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Christian Aid của Anh Quốc công bố vào thứ Sáu ngày 27/12, thảm hoạ thiên nhiên năm 2019 đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ Mỹ kim trên toàn thế giới.
Trong năm 2019, có ít nhất 15 thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại trên 1 tỉ Mỹ kim/vụ, và 7 vụ thiên tai gây thiệt hại ít nhất 10 tỉ Mỹ kim/vụ. 
Những vụ gây thiệt hại lớn nhất là đợt cháy rừng ở California hồi tháng 11-12 làm Hoa Kỳ mất tới 25 tỉ Mỹ kim; cơn bão Hagibis ở Nhật- 15 tỉ; đợt lũ lụt ở Midwest và miền nam nước Mỹ- 12,5 tỉ; trận lũ hồi tháng 08 ở Trung Quốc-12 tỉ; và cơn bão Dorian ở Nam Mỹ- 11,4 tỉ.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tất cả các vụ thiên tai nói trên đều có liên quan đến biến đổi khí hậu và cho rằng mặc dù các con số thiệt hại vật chất rất cao, nhưng chưa thể hiện hết những hậu quả mà người dân phải chịu đựng.
Christian Aid cũng cho biết 2 thảm họa khiến nhiều người chết nhất là đợt lũ lụt ở miền bắc Ấn Độ lấy đi sinh mạng của 1.900 người và trận lũ Idai ở Mozambique khiến 1.300 người chết.
NHẬT BẢN ĐƯA CHIẾN HẠM VÀ PHI CƠ ĐẾN VÙNG BIỂN TRUNG ĐÔNG ĐỂ TUẦN TRA
Vào thứ Sáu ngày 27/12, Tokyo loan tin đã phái một khu trục hạm cùng hai phi cơ qua vùng Trung Cận Đông để tuần tra nhằm góp phần bảo vệ các tuyến hàng hải trong khu vực.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản cho phép quân đội tham gia chiến dịch quân sự ở nước ngoài kể từ khi quốc hội nước này thông qua đạo luật mới về quốc phòng vào năm 2016.
Quyết định của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh một số tàu chở dầu của nhiều quốc gia, trong số đó có một tàu Nhật Bản, bị tấn công ở vùng Vịnh, trong lúc một vài tàu khác đi qua vùng eo biển Ormuz bị Iran chận giữ. Bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã khẳng định lực lượng trên chỉ tuần tra ngoài khơi trên Vịnh Oman, ở vùng phía bắc Biển Ả Rập và trên Vịnh Aden. 
Tuy nhiên, Nhật Bản không tham gia liên minh lập ra bởi Hoa Kỳ, một liên minh nhằm bảo đảm an toàn hàng hải ở eo biển Ormuz.

No comments:

Post a Comment