Thưa quý thính giả, dân tộc Việt không cần đảng CSVN “đổi mới” hay
“đổi cũ” gì cả! Chỉ cần Đảng chui vào thùng phân thối của lịch sử thì
đất nước sẽ đi lên. Qua tiết mục Chuyện Nước Non Mình, mời quý thính giả nghe bài viết của Trần Mai Trung với tựa đề: Lấy cái cũ làm “đổi mới” sẽ được Hoàng Ân trình bày để tiếp nối chương trình.
Đảng CSVN hay nói đến “sự nghiệp đổi mới”, làm như nó là
một phát minh của đảng. Tại sao phải đổi mới? Có lẽ Hồ Chí
Minh và Lê Duẩn đã lãnh đạo sai lầm, làm cho nhân dân không có
đủ lương thực để ăn, văn hóa thì đơn điệu vì đảng độc quyền
tuyên truyền, nên phải đổi mới. Ai là tác giả của chương trình
“đổi mới” mà đảng khen nhiều như vậy? Hãy tìm hiểu một lĩnh
vực của đổi mới: nông nghiệp.
Người Việt Nam làm ruộng đã hàng ngàn năm, họ biết làm
ruộng lâu rồi chứ không phải nhờ các cán bộ Hợp tác xã dạy.
Việc trồng trọt các loại cây khác và chăn nuôi gia cầm cũng vậy,
loài người đã làm mấy ngàn năm trước khi có chủ nghĩa cộng
sản.
Năm 1953 đến 1956, đảng CS tiến hành Cải cách ruộng đất, hơn 100
ngàn người bị giết và bị tù, chia đất cho nông dân cày cấy. Đó
là một chính sách giai đoạn để đảng không bị mang tiếng cướp
đất và được tiếng chia đất cho người nghèo. Hai năm sau, tháng 11
năm 1958, đảng ra quyết định xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất tư nhân và
thay vào đó quyền sở hữu tập thể, nông dân bị ép buộc nộp lại đất
cho các Hợp tác xã (HTX) do đảng CS lập ra và điều hành.
Đảng nói HTX sẽ sản xuất nhiều lương thực hơn, đời sống nông
dân sẽ được nâng cao. Trên thực tế, HTX sản xuất ít lương thực
hơn, không đủ để cung cấp cho người dân, đời sống nông dân đi
xuống. Lý do thất bại là đảng CS áp đặt mô hình sở hữu tập
thể trái với ý muốn của nông dân. Cán bộ điều hành HTX được
chọn theo tiêu chuẩn là đảng viên CS mà không có khả năng chuyên
môn về nông nghiệp, quản lý. Nông dân phải làm theo các quyết
định của ban lãnh đạo HTX có khả năng kém. Cán bộ HTX tham
nhũng, tính công điểm không công bằng, nông dân không muốn làm việc
cực nhọc cho cán bộ hưởng.
Người nông dân làm việc trên cánh đồng, muốn có đủ gạo cho gia
đình, HTX không chia đủ gạo thì nông dân phải xoay sở làm thêm
những cái khác, không lẽ ngồi nhìn các con bị đói. Đảng viên
CS làm việc trong văn phòng cũng được tính công điểm, họ còn
lợi dụng quyền chức đưa bà con, dâu rể vào làm các việc nhẹ
nhàng và có lợi trong HTX, số người không sản xuất tăng lên thì
số gạo chia cho nông dân bị giảm xuống. Nông dân trồng thêm một
chút gì thì bị hăm dọa là làm sai chính sách, còn cán bộ đem
tư liệu sản xuất của HTX về làm việc riêng của gia đình họ thì
không ai dám nói gì.
Đảng CS thường đổ lỗi rằng chính sách HTX bị thất bại là vì
người nông dân còn đầu óc tư hữu, lo cho gia đình nhiều hơn HTX.
Nhìn kỹ thì thấy là các cán bộ, đảng viên CS có đầu óc tư hữu
nhiều hơn nông dân.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có chương trình “Người cày có
ruộng” năm 1970, chính quyền mua đất của những người có trên 15
ha, cấp phát miễn phí cho nông dân, 3 ha ở Nam phần và 1 ha ở Trung
phần, mảnh đất này thuộc quyền sở hữu của nông dân. Xuất thân từ một
gia đình nông dân, ngày ban hành luật Người cày có ruộng, ông Thiệu
nói: Hôm nay là ngày vui sướng nhất của đời tôi.
Sau đó, sản lượng nông phẩm ở miền Nam tăng lên do nông dân
được làm chủ mảnh đất của mình. Mặc dù đang có chiến tranh,
nhiều vùng đất không canh tác được vì lý do an ninh, nhiều thanh
niên rời đồng ruộng để vào quân đội, miền Nam đã sản xuất hơn
7 triệu tấn gạo trong năm 1974.
Sau năm 1975, nông nghiệp và việc mua bán nông phẩm ở miền Nam
bị đặt dưới sự lãnh đạo của đảng CS giống như ở miền Bắc.
Sản lượng nông phẩm và chăn nuôi gia súc đi xuống, không có đủ
gạo và thịt cho người dân, nhân dân VN phải ăn độn với bo bo,
khoai mì trong nhiều năm.
Năm 1985, Mikhail Gorbachev lên làm Tổng bí thư ĐCS Liên Xô. Ông
đưa ra chương trình Perestroika và Glasnost (tái cấu trúc nền kinh tế
và cởi mở về chính trị), các đảng CS đàn em được lệnh phải
học tập hai chương trình này. Tháng 2 năm 1986, đại hội 27 đảng
Cộng sản Liên Xô thông qua chương trình Perestroika và Glasnost, các
đảng CS đàn em được lệnh phải làm theo. Tháng 12 năm 1986, đại
hội 6 đảng CSVN thông qua một chương trình tương tự gọi là Đổi
mới với sự hướng dẫn của các cố vấn Liên Xô.
Trong lĩnh vực “đổi mới” nông nghiệp, đảng CS bày ra những
chữ mới như khoán hộ, khoán sản phẩm, thật ra là dần dần trả lại
quyền tự chủ của nông dân. Người nông dân biết phải làm gì trên
mảnh đất của mình, trồng cây gì, chăn nuôi con gì, làm việc như
thế nào, và cuối năm đóng thuế cho nhà nước. Trả lại quyền tự
chủ của nông dân không phải là một phát minh mới của đảng, nó
chỉ trở lại cách sống trên đất nước VN trước khi đảng phá bỏ
nó và bắt nông dân làm việc dưới sự kiểm soát của HTX.
Sau khi xóa bỏ các HTX của đảng, cũng người nông dân đó,
ruộng đất đó, phương tiện đó, chỉ vài năm sau sản lượng nông
phẩm tăng lên hẳn, cung cấp đủ gạo cho người dân, có dư gạo để
xuất khẩu. Thật dễ dàng để thấy là nông dân VN làm nông nghiệp
giỏi hơn đảng viên CS. Vậy mà đảng cứ nhảy vào đòi lãnh đạo,
quản lý tất cả, làm cho nhân dân bị thiếu ăn hơn 30 năm.
Chương trình Tập thể hóa nông nghiệp của Stalin và đảng CS Liên
Xô vào năm 1932 đã làm hơn 7 triệu người bị chết đói. Chương
trình Công xã và Đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông và đảng CS
Trung Quốc vào năm 1958 đã làm hơn 35 triệu người bị chết đói.
Hồ Chí Minh và đảng CS biết những chuyện đó nhưng vẫn làm theo
lệnh của ông thầy Liên Xô và Trung Quốc, bắt buộc nông dân phải
làm việc trong các HTX. Đảng CSVN không có khả năng nghĩ đến
đổi mới, họ cũng không đổi mới vì thương người dân, họ chỉ
làm theo lệnh của ông thầy Gorbachev ở bên Nga, Mao Trạch Đông bên
Tàu.
Nhìn cái gọi là “đổi mới” nông nghiệp, chúng ta thấy, nếu
đảng CS không nhảy vào lãnh đạo các lĩnh vực khác như công
nghiệp, văn hóa, giáo dục, chính trị, mà để người dân tự do
phát triển thì xã hội sẽ tốt hơn nhiều. Đảng CS đụng vào nông
nghiệp thì nhân dân đói, đảng để nông dân tự do sản xuất thì có
dư lương thực xuất khẩu. Đảng đụng vào cái gì thì hư cái đó,
đảng nên rút lui không đụng vào cái gì hết, thì nhân dân vui
mừng.
No comments:
Post a Comment