Kính thưa quý thính giả, như đã thưa ở phần mở đầu chương trình, chúng tôi trân trọng gửi đến quý vị chuyên mục mới mang tên “Chân Dung Người Tù Lương Tâm” do Thúc Lân
biên soạn. Chuyên mục này sẽ lần lượt giới thiệu về chân dung những
người yêu nước đang bị giam cầm trong ngục tù cộng sản. Đây không phải
là một bản tiểu sử đầy đủ hay các câu chuyện được phóng đại về những
người yêu nước đương thời, nhưng bằng sự cố gắng và trung thực đến từng
chi tiết, chúng tôi sẽ giúp quý thính giả thấy được một cách khái quát
về những con người đáng trân quý này. Để thấy rằng họ cũng là những
người bình dị như chúng ta nhưng đã dám đối mặt, thách thức mọi hiểm
nguy, chấp nhận tù đày, hy sinh mọi lợi ích cá nhân để chọn lựa con
đường vinh quang đầy máu và nước mắt – Con Đường Tự Do Cho Việt Nam.
Cũng qua chân dung những người tù yêu nước này, quý thính giả sẽ thấy
rõ hơn bộ mặt của chế độ CSVN khi bỏ tù những người dám cất lên tiếng
nói của lẽ phải, của lương tri. Từ đó, chúng ta cần bày tỏ thái độ của
mình một cách rõ ràng hơn, dứt khoát hơn trước vận mệnh đất nước.
Người đầu tiên, chúng tôi xin gửi tới quý thính giả chân dung của chị Trần Thị Nga, một trong những phụ nữ can đảm nổi tiếng của phong trào dân chủ trong nước, do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân, mời quý thính giả cùng theo dõi sau đây.
Người đầu tiên, chúng tôi xin gửi tới quý thính giả chân dung của chị Trần Thị Nga, một trong những phụ nữ can đảm nổi tiếng của phong trào dân chủ trong nước, do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân, mời quý thính giả cùng theo dõi sau đây.
TNLT Trần Thị Nga
Bà Trần Thị Nga, thường được biết đến với cái tên quen thuộc Trần
Thúy Nga- sinh năm 1977 tại Hà Nam. Bà bị bắt ngày 21 tháng giêng năm
2017, tại nhà riêng ở Phủ Lý- Hà Nam, bỏ lại 2 con nhỏ khi chỉ còn 6
ngày nữa là đến Tết cổ truyền. Ngày 25/7/2017, bà Nga bị tòa án Hà Nam
tuyên 9 năm tù giam, 5 năm quản chế cho cái gọi là “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”–
điều 88 BLHS năm 1999. Phiên phúc thẩm ngày 22/12/2017 đã giữ nguyên
bản án này vì bà không những không nhận tội mà còn bày tỏ ý chí mạnh mẽ
tại tòa. Hầu hết các phiên xét xử những người bất đồng chính kiến đều
được xử kín với bản án “bỏ túi” dù được Việt cộng loan báo là “xử công
khai”. Phiên tòa kết án bà Nga cũng không ngoại lệ. Chồng bà và hai đứa
con trai 7 và 5 tuổi đều không được vào.
Hình ảnh bà Nga đầu ngẩng cao, tay bị còng sau lưng với gương mặt
kiêu ngạo đầy vẻ thách thức và vây quanh bà là hàng chục tên công an mặc
sắc phục đã nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ
chóng mặt. Không cần phải tới lúc bị bắt, Thúy Nga mới được biết đến như
một trong những gương mặt can đảm nhất phong trào đấu tranh trong nước,
nhưng mãi tới lúc này, người ta mới biết đến hoàn cảnh và nghị lực phi
thường của bà.
Bà Nga từng có thời gian ở Đài Loan theo diện xuất khẩu lao động. Đây
chính là “cơ hội bất đắc dĩ” để bà chứng kiến những bất công, cuộc sống
khổ sở, bấp bênh của người Việt trên đất khách. Rằng “xuất khẩu lao
động” thực chất chỉ là một hình thức buôn người để thu lợi bất chính cho
bọn chóp bu cộng sản. Bản thân bà cũng là nạn nhân. Bà từng bị tai nạn
lao động nhưng không nhận được giúp đỡ nào từ phía công ty môi giới và
chủ lao động. Cơ may khiến Nga được một vị linh mục ở xứ Đài giúp đỡ. Từ
đây, bà bắt đầu con đường tranh đấu bằng cách giúp đỡ những người cơ
nhỡ như mình. Trở về nước, Thúy Nga tiếp tục công khai tố cáo những hành
vi sai trái vô trách nhiệm của các công ty môi giới. Hơn thế, bà đã hòa
mình vào phong trào tranh đấu như một lẽ tự nhiên, rất bình dị nhưng
gần gũi và đầy ấn tượng.
Có lẽ, không có một hoạt động đường phố nào thiếu vắng Thúy Nga. Hình
ảnh bà với hai đứa con nhỏ, một đứa ẵm trên tay, một đứa dắt bộ hòa vào
các cuộc biểu tình chống Tàu, bảo vệ môi trường hay đi đòi người, đi
ủng hộ tinh thần cho các TNLT tại các phiên tòa, đã quá quen thuộc. Ngay
thẳng, nhiệt thành và ý chí không bao giờ thoái lui trước bạo quyền đã
giúp Thúy Nga có được sự yêu mến, tin cậy từ đồng đội. Vì lẽ đó, nhà cầm
quyền càng căm ghét, tức tối với nhà tranh đấu này.
Thúy Nga nhiều lần bị bắt, câu lưu, thẩm vấn, bị đánh đập chỉ vì đi
biểu tình hoặc tham gia các hoạt động cổ xướng cho nhân quyền. Đòn thù
nặng nhất mà Nga gánh chịu xảy ra vào ngày 20/5/2014. Một nhóm thanh
niên bịt mặt cầm gậy sắt đã xông vào hành hung khi trên tay Nga đang bế
hai con nhỏ. Nga ngã quỵ xuống, tên cầm gậy sắt lao đến, nhằm đúng đôi
chân người phụ nữ này mà đập. Đau đớn tột bậc nhưng vòng tay người mẹ
vẫn ôm chặt hai con nhỏ khi chúng đang la khóc vì sợ hãi. Đòn thù này
khiến Nga bị gãy xương bánh chè. Công luận và cả Thúy Nga đều tin rằng
thủ phạm gây ra tội ác trên chính là công an. Nỗi ám ảnh bị đánh đập, bị
truy sát ngay trên đường phố và biến cố mẹ bị bắt đi tù khiến hai bé
Phú và Tài trở thành những đứa trẻ khá đặc biệt. Chúng “trưởng thành”
hơn bạn cùng lứa và tuổi thơ vắng mẹ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống
của chúng.
Hình ảnh Thúy Nga hiên ngang trước tòa án cộng sản đã khiến nhiều người cảm phục đến rơi nước mắt.
Hiện Trần Thị Nga đang bị giam giữ tại nhà tù Gia Trung, tỉnh Gia
Lai. Nhà tù nhiều lần từ chối, không cho gia đình vào thăm gặp Thúy Nga
với lý do bà “đang bị kỷ luật” vì không chịu nhận tội. Thậm chí còn cho
tù thường phạm đánh đập và dọa giết bà. Cuối năm 2018, sau những nỗ lực
của công luận và các tổ chức nhân quyền quốc tế, gia đình mới được vào
gặp bà.
Không chỉ là người can đảm, Thúy Nga còn là một người phụ nữ rộng
lượng và nhân ái. Bà đã dành 2/3 số tiền từ “Giải thưởng Nhân quyền
2018” do mạng Lưới Nhân Quyền trao để tặng lại cho bà con dân oan và
những người tranh đấu khác có hoàn cảnh khó khăn.
Cựu TNLT Bùi Thị Minh Hằng trần tình: “Xét về lòng can đảm, Thúy
Nga vượt trội hơn rất nhiều người. Xét về những đóng góp cho phong trào
tranh đấu, Thúy Nga không kém ai. Tôi quan sát rằng Nga không có trong
tay một giải thưởng quốc tế nào về nhân quyền dù cô hoàn toàn xứng đáng
hơn rất nhiều người. Tôi biết là Nga không quan tâm đến những “thành
tích” hoặc ham hố những giải thưởng. Cô và nhiều người nữa đấu tranh vì
lương tâm thôi thúc. Nhưng là một người chị, một người đồng đội của Nga,
tôi cũng thấy chạnh lòng”.
Tưởng cũng xin nhắc lại một chi tiết quan trọng trong quá trình hoạt
động của Trần Thị Nga. Bà chính là người đầu tiên trong giới tranh đấu
tiếp cận và giúp đỡ gia đình Hồ Duy Hải để kêu oan cho tử tù này. Mở đầu
cho một phong trào rộng khắp đòi công lý cho Hồ Duy Hải và nhiều người
tù oan khác trong mấy năm vừa qua. Thành quả dành cho những nỗ lực này
là ngày 30/11/2019, Viện KSND tối cao đã phải ban hành quyết định kháng
nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND tối cao hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của
TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao
trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải để xét xử lại. Có nghĩa rằng Hồ Duy Hải đã
có cơ hội được cứu sống và có thể sẽ được minh oan và trả tự do sau 12
năm ngồi tù oan.
Tính đến thời điểm này, nhà hoạt động Trần Thị Nga còn 7 năm tù nữa mới mãn án.
Thúc Lân
No comments:
Post a Comment