Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân và Hướng Dương trình bày sau đây:
1) CÔNG AN NGĂN CẢN BUỔI TRAO QUÀ CHO THƯƠNG PHẾ BINH VNCH.
Linh mục Lê Ngọc Thanh vào hôm qua đã cáo buộc công an và các nhóm
côn đồ tay sai cản trở buổi trao quà cho các thương phế binh VNCH ở
hai tỉnh Tiền Giang và Long An vào hôm thứ Hai ngày 2/12 vừa qua.
Tường thuật về sự việc nói trên, Linh mục Thanh, quản xứ nhà thờ Sáu
Bọng ở Cần Thơ, cho biết chương trình trao quà là do một nhóm thiện
nguyện viên cộng tác với Dòng Chúa Cứu Thế Cần Giờ tổ chức, nhằm tri ân
những chiến binh VNCH ở 13 tỉnh thành miền Tây. Vào mấy tuần trước,
chương trình đã diễn ra rất thuận lợi ở các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu
và Cà Mau. Nhưng khi ban tổ chức đến Mỹ Tho, lực lượng công an, mật vụ
và côn đồ bắt đầu tìm cách ngăn chặn và phá hoại. Các thương phế binh
bị xua đuổi khỏi nhà thờ chánh tòa Mỹ Tho, thậm chí vài người ngồi trên
xe lăn cũng bị công an và côn đồ hành hung.
Những hành động tàn bạo này đã chứng minh rõ ràng thái độ thù nghịch
của chế độ cộng sản đối với những quân dân cán chính VNCH suốt 45 năm
qua, bất chấp những lời kêu gọi “xóa bỏ hận thù” của giới lãnh đạo cs
VN.
2) CÔNG AN- AN NINH THÀNH HỒ LẠI PHONG TỎA VƯỜN RAU LỘC HƯNG.
Giới dân oan vườn rau Lộc Hưng vào hôm qua cho biết là nhà cầm quyền
quận Tân Bình đã huy động hàng trăm quan chức đến để san bằng và dựng
rào xung quanh khu đất này.
Như tin đã loan, khu vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế vào tháng Giêng
năm nay, khiến hơn 500 căn nhà bị bạo quyền mạnh tay trục xuất khỏi khu
đất mà nhiều gia đình đã sinh sống kể từ khi di cư từ Bắc vào Nam năm
1954. Theo giải thích của bạo quyền thành Hồ thì việc cưỡng đoạt vườn
rau Lộc Hưng là để xây trường học.
Theo lời kể của ông Cao Hà Trực, một trong các dân oan bị cướp đất
nói trên, gần 500 công an và quan chức đã kéo đến vào lúc 6 giờ sáng thứ
Ba ngày 3/12, với lời giải thích là đến dọn cỏ để thực hiện dự án mới
nhưng không nói rõ chi tiết. Trong vòng 10 tháng qua, nhà cầm quyền quận
Tân Bình đã 5 lần thay đổi dự án trên khu đất này.
3) THÊM MỘT CHI TIẾT MỚI VỀ VỤ BẮT CÓC ÔNG TRỊNH XUÂN THANH.
Vụ án bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh một lần nữa lại được dư luận Âu
châu chú ý tới sau khi nhân viên điều tra tìm thấy một tài liệu trong hồ
sơ lưu trữ của bộ Nội vụ Slovakia.
Tài liệu này là một hóa đơn thanh toán phí tổn cho chuyến bay của Bộ
trưởng Công an Tô Lâm từ Slovakia sang Nga, chỉ vài ngày sau khi ông
Thanh bị bắt cóc ở Đức khi đang xin tỵ nạn tại nước này. Hóa đơn ghi rõ
số tiền 17 ngàn Âu kim chi trả cho chuyến bay chở phái đoàn công an
Việt Nam tới Moscow vào ngày 26/7/2017, tức 3 ngày sau khi ông Thanh bị
mật vụ Việt Nam bắt cóc tại một công viên ở thủ đô Berlin.
Như những tin tức liên quan đã loan, vào tháng 5 năm ngoái, giới
chức của Đức khẳng định là ông Thanh có mặt trên chuyến bay do chính phủ
Slovakia cung cấp cho phái đoàn Việt Nam do ông Tô Lâm cầm đầu và một
số nghi phạm bắt giữ ông Thanh có thể đã có mặt ở Bratislava, thủ đô
của Slovakia, khi bộ trưởng công an Việt Nam đến thành phố này.
4) TỬ TÙ HỒ DUY HẢI ĐƯỢC ĐÌNH CHỈ HÀNH QUYẾT ĐỂ CHỜ XÉT XỬ LẠI.
Sau 10 năm gian khổ kêu oan, gia đình tử tù Hồ Duy Hải đã nhận được
thông báo từ viện Kiểm sát tối cao về việc ngưng hành quyết để chờ xét
xử lại vụ án này.
Bà Nguyễn Thị Loan, thân mẫu của ông Hồ Duy Hải, cho biết là nhận
được thông báo này vào sáng thứ Hai 2/12 sau nhiều năm lặn lội cầu cứu
khắp nơi, từ các cơ quan hữu trách trong nước cho đến các chính phủ và
tổ chức Nhân quyền quốc tế.
Như tin đã loan, anh Hồ Duy Hải bị tòa án Long An tuyên án tử hình
vào năm 2008 với cáo buộc giết 2 nữ nhân viên Bưu Điện, huyện Thủ
Thừa, tỉnh Long an để cướp của. Năm 2015, quốc hội cs VN đề nghị xem
xét lại vụ án này sau khi phát giác có sai lầm trong thủ tục tố tụng.
Trước đó, ông Trương Tấn Sang, đương kim chủ tịch nước, cũng đề nghị tạm
ngưng thi hành bản án để điều tra lại.
5) THỤY ĐIỂN SẴN SÀNG CHO VAY 1 TỶ MỸ KIM ĐỂ XÂY PHI TRƯỜNG LONG THÀNH.
Một tập đoàn tài chính Thụy Điển sẵn sàng cho Việt Nam vay mượn 1
tỷ Mỹ kim để xây phi trường quốc tế Long Thành, với điều kiện là phải
mua khoảng 30% số dụng cụ và máy móc của Thụy Điển.
Đề nghị nói trên của Thụy Điển được ông Vũ Đại Thắng, thứ trưởng Bộ
Kế hoạch- Đầu tư Việt Nam, tiết lộ vào tuần trước và nói thêm là phía
Việt Nam đang cân nhắc đến đề nghị này. Theo một số nguồn tin khác,
khoản cho vay này sẽ có lãi suất là 4.2% một năm nhưng không nói rõ về
thời hạn trả nợ.
Dự án Long Thành được Hà Nội đề ra như là một “chủ trương lớn của
đảng” từ 10 năm trước. Sau nhiều năm tranh cãi, nhà nước cs VN quyết
định đẩy mạnh dự án này với tổng phí tổn dự trù là 16 tỷ Mỹ kim nhưng
chỉ có hai phi đạo, trong khi so với phi trường Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ
vừa hoàn tất gồm 6 phi đạo nhưng tổng phí tổn chỉ là 12 tỷ Mỹ kim.
6) NHẬT BẮT GIỮ MỘT PHỤ NỮ VIỆT VỀ TỘI HỐI LỘ QUAN CHỨC VN TẠI NHẬT.
Cảnh sát Nhật vừa bắt quả tang một phụ nữ Việt đã hối lộ một nhân
viên của tòa lãnh sự cs VN tại tỉnh Fukuoka để làm thủ tục thường trú
tại Nhật cho một số người Việt.
Báo chí Nhật cho biết phụ nữ này họ Dương, 34 tuổi, đang cư trú tại
quận Nagata của thành phố Kobe. Người này bị bắt vào hôm thứ Hai ngày
2/12. Theo lời khai ban đầu thì suốt hai năm qua, trong vai trò môi
giới, bà Dương đã nộp cho viên quan chức lãnh sự này hơn 4 triệu yen,
tức khoảng 40 ngàn Mỹ kim, để lo hồ sơ thường trú cho 5 người.
Cảnh sát Nhật không tiết lộ danh tính của viên quan chức lãnh sự cs
VN, 38 tuổi nhưng cho biết là người này đã quay về Việt Nam.
7) ẤN ĐỘ XUA ĐUỔI TÀU KHẢO SÁT TRUNG CỘNG XÂM NHẬP HẢI PHẬN.
Vào hôm qua, thứ Ba ngày 03/12, hải quân Ấn Độ đã xua đuổi một chiếc
tàu khảo sát Trung Cộng đang xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Ấn
Độ tại một vị trí gần hải cảng Port Blair.
Báo chí Ấn Độ, tờ Times of India, cho biết chiếc tàu Trung Cộng có
tên là Thực Nghiệm 1, đã tiến sâu vào quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn
Độ để khảo sát. Sau khi phát giác, các chiến hạm Ấn Độ lập tức tiến
đến, yêu cầu chiếc tàu khảo sát phải rút khỏi ngay lập tức nếu không sẽ
bị bắt giữ.
Trong thời gian qua, các phi đội tuần thám Ấn Độ liên tục phát giác
các chiến hạm và tàu ngầm Trung Cộng đang hoạt động sát hải phận Ấn Độ.
Bắc Kinh nói rằng tàu Trung Quốc đi vào Ấn Độ Dương nhằm tuần tra
chống hải tặc. Tuy nhiên, chính phủ New Delhi phản bác lập luận của
Trung Cộng và nhấn mạnh rằng việc sử dụng các chiến hạm với các tàu
ngầm nguyên tử hộ tống để chống hải tặc là vô lý.
No comments:
Post a Comment