Sunday, December 22, 2019

Tin Tức: Chủ Nhật 22.12.2019

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Bảo Trân và Nguyên Khải

Tin Tức: Chủ Nhật 22.12.2019
1/ NHÀ HOẠT ĐỘNG NGUYỄN NĂNG TĨNH KHÁNG CÁO
Nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh, người mới bị kết án 11 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” trong phiên toà sơ thẩm ngày 15/11, đã quyết định kháng cáo bản án này.
Toà án Nhân dân Tối cao đã thông báo việc kháng cáo này cho luật sư của ông Tĩnh, và phiên toà phúc thẩm sẽ được tổ chức trong thời gian tới đây bởi Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Năng Tĩnh, sinh năm 1976 và là giáo viên dạy nhạc của trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Ông bị cho là đã sử dụng trang Facebook mang tên mình để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung vi phạm pháp luật.
Ba luật sư của ông trong phiên tòa sơ thẩm cho rằng những giám định được đưa ra để kết án ông Tĩnh là không có căn cứ, việc thu thập chứng cứ tài liệu trong vụ án không đúng với trình tự pháp luật. Tuy nhiên, dường như ông Tĩnh sẽ không có cơ hội được giảm án trong phiên phúc thẩm, như đa số các vụ án chính trị khác.
2/ TÀU TÁC CHIẾN USS GABRIELLE GIFFORDS CỦA HOA KỲ THĂM CẢNG CAM RANH
Tàu USS Gabrielle Giffords (LSCS-10) mang hỏa tiễn hành trình đối hải (NSM) của Hải quân Hoa Kỳ đến thăm cảng Cam Ranh vào thứ Năm ngày 19/12. Trên tàu lần này có một người Mỹ gốc Việt, thuộc thế hệ người nhập cư đầu tiên là kỹ thuật viên Ryan Can.
Trong dịp này, tàu USS Gabrielle Giffords đã đi qua vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn, một đảo nhân tạo mà Trung Cộng đã cho xây lấp, thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với các nước. 
Hoạt động của tàu USS Gabrielle Giffords này được cho biết là để thực hiện cam kết của Mỹ trong việc bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Cảng quốc tế Cam Ranh trước kia đã từng là căn cứ quân sự của Hải quân Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, sau đó được cho Liên Xô và Nga thuê cho đến năm 2002. Từ đó, Việt Nam đã tiếp quản và biến cảng này thành cảng Quốc tế Cam Ranh, tiếp đón tàu chiến từ nhiều quốc gia đến thăm.
3/ NGOẠI TRƯỞNG MALAYSIA NÓI YÊU SÁCH CỦA TRUNG CỘNG Ở BIỂN ĐÔNG LÀ LỐ BỊCH
Ngoại trưởng Malaysia, ông Saifuddin Abdullah công khai phát biểu rằng việc Trung cộng đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông là một yêu sách “lố bịch.”
Ông Saifuddin Abdullah  phát biểu như trên trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí hôm thứ Sáu ngày 20/12 để đáp trả lời tố cáo của Bắc Kinh ngày 16/12 rằng Kuala Lumpur đã vi phạm chủ quyền “lịch sử” của Trung cộng ở Biển Đông khi nộp đơn lên Liên Hiệp quốc xin công nhận thềm lục địa mở rộng.
Như vậy, Việt Nam, Malaysia và Philippines đều phản đối yêu sách của Trung Cộng ở Biển Đông. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực La Haye đã ra phán quyết rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Cộng trên Biển Đông nằm bên trong đường chín đoạn hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
4/ NGƯỜI TRUNG CỘNG TRÀN SANG VIỆT NAM
Trong 10 ngày gần đây, nhiều đoàn người Trung Cộng sang Việt Nam và tổ chức các hoạt động văn hóa của riêng họ khiến nhiều người Việt ngỡ ngàng và bất an trong khi nhà cầm quyền chỉ có biện pháp khi sự việc dường như đã rồi.
Vụ việc đầu tiên diễn ra hôm 10/12 khi hơn 600 người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam theo hình thức “tour 0 đồng” qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) sau đó tập trung về thành phố Hạ Long, tụ tập tại Cung Quy hoạch-Hội chợ và Triển lãm tỉnh (Cung Cá heo), để biểu diễn trang phục, ca hát…
Hai ngày sau, một đoàn khác hơn 700 người , chủ yếu là khách nữ, đến Cung Cá heo ở Hạ Long để tụ tập chụp ảnh, gây ồn ào cả khu phố.
Vụ thứ 3 xảy ra vào sáng 20 tháng 12, hơn 2.000 người Trung Quốc di chuyển trên 60 xe khách từ tỉnh Quảng Ninh đến thành phố Hải Phòng để dự tiệc mà dư luận cho rằng họ dự định tổ chức hội thảo tại Trung tâm tiệc cưới Hải Đăng.
Người dân Việt Nam cảm thấy bất an qua các sự việc trên vì người Trung Quốc gây ồn ào, mất vệ sinh, và hung dữ. Họ còn tuyên truyền những điều không được phép như đường lưỡi bò, rằng Việt Nam vốn là từ Trung Quốc tách ra, hay tuyên truyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng.”
5/ HÀNG TRĂM CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG BAO VÂY BỆNH VIỆN Ở ĐỒNG NAI
Nhà cầm quyền Việt Nam đã điều hơn một trăm cảnh sát cơ động của Bộ Công an và công an tỉnh Đồng Nai bao vây bệnh viện tư nhân Đa khoa Tâm Hồng Phước ở thành phố Biên Hoà để giải cứu bệnh viện trước sự gây rối của dân anh chị ở địa phương.
Theo báo chí lề đảng, vào khoảng 18 giờ thứ Bảy ngày 21/12, một số người được cho là dân “anh chị”, đến bệnh viện trên để đòi tiền chủ bệnh viện và khống chế một số người bên trong. Nhận tin báo, hơn 100 cảnh sát trang bị súng  và áo giáp bao vây bệnh viện nhiều lớp. Hàng chục người mặc áo sắc phục cảnh sát vào bên trong bệnh viện làm việc.
6/ NGÀNH GIAO THÔNG CÔNG CỘNG PHÁP TIẾP TỤC ĐÌNH CÔNG
Cuộc đình công trong ngành giao thông công cộng tại Pháp nhằm phản đối dự luật cải cách hưu bổng bắt đầu từ ngày 05/12 và vẫn tiếp tục, làm cho cuộc sống của người dân, đặc biệt ở Paris và các vùng phụ cận cũng như tại nhiều thành phố lớn khác bị xáo trộn nghiêm trọng.
Sau nhiều ngày thương lượng căng thẳng, một số nghiệp đoàn cấp tiến như CFDT hay UNSA thông báo “tạm hưu chiến” và nối lại các tuyến tầu để người dân được về nhà đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, do nghiệp đoàn CGT vẫn kiên quyết đình công, nên chỉ có 41% số chuyến tầu là được bảo đảm hoạt động.
Một hệ quả khác của cuộc đình công là số tai nạn giao thông tăng lên trong hai tuần qua. Do nhiều đường tầu metro bị đóng cửa, rất nhiều người dân vùng Ile-de-France đổ xô dùng xe trượt và xe đạp thuê tự do. Tuy nhiên, do lượng xe và các phương tiện di chuyển cá nhân tăng đột biến, rủi ro xảy ra tai nạn cao hơn những ngày bình thường.
Các trung tâm thương mại cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đình công vì du khách ít hẳn khi không có metro, nhưng các công ty bán hàng online lại được lợi.
7/ LỰC LƯỢNG KHÔNG GIAN CỦA HOA KỲ CHÍNH THỨC HOẠT ĐỘNG
Hoa Kỳ chính thức đưa Lực lượng Không gian, một quân chủng mới được thành lập, vào hoạt động và được đặt dưới sự chỉ huy của Không quân Hoa Kỳ. Lực lượng mới này tập trung vào chiến tranh trong không gian.
Phát biểu từ một căn cứ quân sự gần Washington, Tổng thống Donald Trump đã mô tả không gian là “lãnh địa chiến tranh mới nhất của thế giới” và “Lực lượng Không gian sẽ giúp chúng ta ngăn chặn sự xâm lược và kiểm soát địa hạt cao nhất.”
Lực lượng Không gian có ngân sách hoạt động năm đầu tiên là 40 triệu Mỹ kim. Lực lượng này không có ý định đưa quân đội vào quỹ đạo, nhưng sẽ bảo vệ các tài sản của Mỹ, chẳng hạn như hàng trăm vệ tinh được sử dụng để liên lạc và giám sát. Lực lượng Không gian sẽ được xây dựng dựa trên cơ sở của Bộ chỉ huy Không gian Hoa Kỳ (SpaceCom), được thành lập vào tháng 8/2019 để điều hành các hoạt động không gian của quân đội Hoa Kỳ. Lực lượng mới sẽ được chỉ huy bởi tướng Không quân John Jay Raymond, người hiện đang điều hành SpaceCom.

No comments:

Post a Comment