Tuesday, June 26, 2018

Các điều khoản bán nước của Dự luật Đặc Khu

Bình Luận

Thưa quý thính giả, dự Luật Đặc Khu CSVN đưa ra là một âm mưu cố tình và minh thị bán nước cho quan thầy Trung Quốc.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Nguyễn Tường Tâm với tựa đề: “Các điều khoản bán nước trong dự luật đặc khu” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
 
.
Dự Luật Đặc Khu đã khiến người dân trong nước với lo ngại mất nước đã biểu tình phản đối mãnh liệt tại nhiều địa phương từ Nam chí Bắc. Bài phân tích này nhằm giúp người dân cũng như những đại biểu quốc hội có tâm hiểu rõ những điều khoản bán nước trong dự luật.

3 địa giới Vân Đồn ở Quảng Ninh, phía bắc VN, giáp ranh với Tàu cộng, Bắc Vân Phong ở biển Nha Trang và Đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang ở cuối nước VN, có tầm quan trọng như thế nào trong việc bảo vệ an ninh quốc gia chống ngoại xâm theo lịch sử và theo quan điểm chiến lược hiện tại trước nguy cơ xâm lấn của Tàu cộng là điều mà người dân thường hiện nay ai cũng nhận biết. Nguy cơ mất nước ngày nay lại thể hiện rõ trong những điều khoản qui định của Dự Luật Đặc Khu sắp được đưa ra Quốc hội chấp thuận.
Trong các điều khoản của Dự Luật Đặc Khu có các điều khoản bán nước cần quan tâm như sau:
I. Các điều khoản bán đất
Khoản 1 điều 32 qui định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu có quyền cho thuê đất tới 70 năm; và Thủ tướng Chính phủ có quyền cho thuê đất tới 99 năm.
Sau 70 hay 99 năm, vùng đất đặc khu sẽ thay đổi với rất nhiều khác biệt với phần đất còn lại của đất nước. Kinh nghiệm đặc khu Hong Kong, đặc khu Macau, đặc khu Boten của Lào giáp ranh Tàu cộng, và đặc khu kinh tế Sihanoukville của Campuchia đã cho thấy rõ điều đó.
Khoản 1 và 2 điều 37 qui định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu…”
Chỉ một viên chức cấp quận mà có quyền đơn phương chọn nhà thầu không qua thủ tục đấu thầu sẽ tạo nguy cơ các nhà thầu Tàu cộng ồ ạt xâm nhập chiếm đất qua hành vi mua chuộc các viên chức như đang diễn ra khắp cả nước.
Thêm nữa, khoản 5 và 6 điều 32 qui định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu và Hội đồng nhân dân đặc khu quyết định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội…”
Như vậy khi một đại gia đỏ hay bọn Tàu chỉ cần mua chuộc lãnh đạo cấp quận là có thể chiếm đất của vô số người dân trong khu vực. Nguy cơ mất đất vào tay Tàu cộng là đây.
II. Điều khoản cho phép dân Tàu nhập cư vô hạn định.
Khoản 4 điều 46 qui định: “Chủ tịch ủy ban nhân dân đặc khu qui định việc sử dụng lao động là người nước ngoài của nhà thầu nước ngoài tại đặc khu.”
Với qui định này, cá nhân chủ tịch ủy ban nhân dân đặc khu với sự thúc đẩy của nhà thầu nước ngoài, có thể cho nhập cư số lao động vô hạn định là người nước ngoài, mà chủ yếu là dân Tàu, như đang diễn ra tại nhiều vùng trong nước, làm thiệt hại cho người lao động Việt Nam cũng như gây nguy cơ tràn ngập người Tàu, trên lãnh thổ Việt Nam, một nguy cơ Hán hóa cận kề.
III. Các điều khoản bán chủ quyền tư pháp:
Cho phép tòa án nước ngoài áp dụng luật nước ngoài đối với các tranh chấp dân sự liên quan tới người, công ty Việt Nam trong các hợp đồng ký kết trên đất Việt Nam.
Theo khoản 1 điều 6, nếu một bên kết ước là cá nhân hay tổ chức nước ngoài có trụ sở chính hay nơi cư trú tại đặc khu thì hai bên có quyền thỏa thuận trong hợp đồng việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế. Qui định cho phép áp dụng luật pháp nước ngoài đối với các hợp đồng tại đất Việt Nam, có một bên kết ước là người Việt Nam là một qui định không thấy quốc gia nào áp dụng tương tự, bởi vì qui định này là một nhượng bộ không thể chấp nhận về chủ quyền tư pháp của quốc gia.
Một điều khoản nữa cũng từ bỏ chủ quyền tư pháp quốc gia, mà không quốc gia nào áp dụng vì không thể chấp nhận được đó là khoản 3 điều 7 của dự luật đặc khu.
Khoản 3 điều 7 qui định: “…tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài còn có thể được giải quyết tại Tòa án nước ngoài”.
Một hợp đồng ký kết tại Việt Nam, trong đó có một bên kết ước là người Việt Nam thì luôn luôn phải do tòa án Việt Nam giải quyết và áp dụng luật Việt Nam. Quốc gia nào cũng bảo vệ chủ quyền tư pháp của họ như vậy. Trong bản tin ngày 27-6-2017 của BBC tiếng Việt, Google bị EU phạt khoản khổng lồ 2.7 tỷ euro trong khi Google là một công ty của Mỹ.
IV. Điều khoản bán chủ quyền tài chánh:
Theo luật pháp của mọi quốc gia, luật của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 cũng vậy, thì mọi hợp đồng ký kết trên đất nước Việt Nam phải qui định giải quyết bằng tiền Việt Nam. Lý do của qui định này là vì “tiền của quốc gia có tính cách bắt buộc sử dụng” nếu không áp dụng qui định này thì đồng tiền của nhà nước mất tính cách bắt buộc. Nhưng khoản 2 điều 50 Dự Luật Đặc Khu đã đánh mất chủ quyền tài chánh của Việt nam khi qui định: “Trong phạm vi đặc khu, các hợp đồng, kể cả giữa người Việt Nam với nhau cũng có thể qui định giải quyết bằng ngoại tệ.”
V. Điều khoản của dự luật Đặc khu bác bỏ chủ quyền ngôn ngữ quốc gia:
Tất cả các quốc gia đều có qui định hợp đồng ký kết trên lãnh thổ quốc gia muốn có hiệu lực phải sử dụng ngôn ngữ quốc gia, điều này là truyền thống rồi. Nhưng khoản 1d của điều 29 đã bỏ chủ quyền ngôn ngữ khi sử dụng từ logistics là tiếng Anh trong văn bản khi qui định: “Khu thương mại tự do tại đặc khu thực hiện các hoạt động kinh doanh, dịch vụ sau đây: Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics”.
VI. 70 năm hay 99 năm…
So sánh việc cho thuê đất 70 năm hay 99 năm của CSVN với việc bán đất của người Palestine cho người Do Thái cuối thế kỷ 19 & đầu thế kỷ 20, ta dễ dàng nhận thấy sự tương đồng đưa tới mất nước. Vào năm 1886 người Do Thái mới chỉ mua đất và thành lập được một khu định cư (settlement) Petah Kitva trên lãnh thổ của người Palestine. Thế mà tới năm 1948, tức chưa tới 70 năm, nhà nước Do Thái đã được thành lập và người Palestine chỉ vì khờ dại đã hoàn toàn mất đất, mất tổ quốc và trở thành dân lưu vong như hiện nay./.
Nguyễn Tường Tâm

No comments:

Post a Comment