“ … Ngày 10 tháng 6 năm 2018, trước âm mưu bán nước quá lộ
liễu của tập đoàn lãnh đạo CSVN qua “Dự luật Đặc Khu”, hàng trăm nghìn
người dân tại Sài Gòn và tại nhiều tỉnh thị khác đã xuống đường biểu
tình phản đối. Sự kiện này đã trở thành biến cố quan trọng trong lịch sử
đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại sự thống trị của tập đoàn
“phản dân hại nước” CSVN …” Mời quý thính giả theo dõi Quan Điểm của
LLCQ về biến cố: “Mười Tháng Sáu”, sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết
thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Thưa quý thính giả,
Mặc dù đã thai nghén từ nhiều năm trước, cái gọi là “Dự luật Đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc” -gọi tắt là “Dự luật Đặc khu”- chỉ được đảng CSVN chỉ thị cơ quan tay sai Quốc Hội đem ra thảo luận ngày 13 tháng 5, với dự tính sẽ thông qua ngày 15 tháng 6. Thế nhưng sự mờ ám này đã bị những người dân quan tâm đến tình hình đất nước nhanh chóng phát hiện. Mặc dù được che đạy bằng chiêu bài phát triển kinh tế và tân tiến hoá nền công nghệ, nhưng điều khoản cho giới đầu tư được toàn quyền khai thác các đặc khu này trong 99 năm đã làm lộ rõ âm mưu tạo điều kiện cho Trung Cộng công khai xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam.
Nhìn rõ được nguy cơ mất nước, đông đảo dân chúng, qua các mạng xã hội, đã vạch trần âm mưu bán nước của đảng CSVN và mạnh mẽ phản đối dự luật đặc khu. Cao trào chống đối đã nở rộ qua cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật 10 tháng 6 với hàng trăm ngàn người xuống đường phản đối nhà cầm quyền tại Sài Gòn và tại nhiều thành phố, thị xã, đặc biệt ở nửa nước phía Nam.
Trước làn sóng căm phẫn của người dân, lực lượng công an tại nhiều nơi đã phải thức thủ. Tại Phan Rí, chẳng những thúc đẩy vì lòng yêu nước chống “dự luật Đặc khu”, mà còn vì sự uất ức tích luỹ từ nhiều năm qua trước việc tàn phá môi trường do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tần 2 gây ra, dân chúng đã đập phá trụ sở UBND và đốt cháy một số xe công an. Lực lượng công an bảo vệ đã vất bỏ cả sắc phục để thoát thân.
Cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6 đã khác xa so với các đợt biểu tình xẩy ra trước đây, như đợt biểu tình chống dàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, hoặc các cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016. Khác không chỉ về số lượng dân chúng tham gia đông đảo hơn thập bội, mà còn khác cả về đối tượng và diễn biến của cuộc biểu tình.
Trong 2 đợt biểu tình trước, đối tượng trực tiếp là Trung Cộng, chủ nhân của dàn khoan, cũng như là nguồn tài trợ chính yếu tập đoàn Formosa. Còn cuộc biểu tình 10 tháng 6 có đối tượng chính là đảng CSVN, tác giả của dự luật đặc khu. Việc chỉ đích danh “thủ phạm” có ý nghĩa quan trọng, nói lên tính cách đối đầu trực diện của người dân với tập đoàn cầm quyền thống trị, không còn né tránh, e dè!
Về diễn biến, khác với các đợt biểu tình trước đều do một số các nhà bất đồng chính kiến khởi xướng, đi đầu, cuộc biểu tình 10 tháng 6 không do một cá nhân hoặc nhóm phái nào chủ động tổ chức. Tính cách “tự phát” này được thấy rất rõ qua sự kiện hầu hết những nhân vật đấu tranh lộ diện đều bị lực lượng công an bao vây, cô lập không cho ra khỏi nhà trong suốt nhiều ngày qua, kể từ khi cao trào đấu tranh chống “dự luật Đặc khu” khởi phát. Và cuộc biểu tình này cũng kéo dài lien tục từ sang đến tối, thay vì chỉ vài giờ như các lần trước.
Một sắc thái đặc biệt khác của cuộc biểu tình 10 tháng 5 là tính cách đa dạng của thành phần tham dự. Có rất nhiều học sinh nhỏ tuổi, cả nam lẫn nữ, đồng hành cùng những người bằng tuổi anh chị, cha, me, ông bà. Và cũng bao gồm những công nhân, ngươi lao động, bên cạnh thành phần trí thức như các chuyên gia, giáo sư đại học… Họ là thường dân, là công chức, và cả những tu sĩ các tôn giáo….
Với các đặc điểm vừa kể, cuộc biểu tình 10 tháng 6 cần được xem là một biến cố quan trọng trong công cuộc đấu tranh của người dân chống lại tập đoàn thống trị CSVN. Quan trọng vì biến cố này đã cho thấy người dân không “vô cảm” trước những thảm hoạ mà đất nước đang phải đối mặt. Tương tự, sự kiện “10 tháng 6” cũng cho thấy tuổi trẻ Việt Nam không phải chỉ biết học hành, vui chơi, đua đòi, hưởng thụ, như nhiều người thường nghĩ. Trái lại, lòng yêu nước của tầng lớp tuổi trẻ vẫn tiềm tàng và sẵn sàng bột phát khi tình thế đòi hỏi.
Quan trọng hơn nữa, biến cố này đã chứng minh đông đảo người dân đã vượt qua nỗi sợ để sẵn sàng tham gia tranh đấu cho sự tồn vong của đất nước. Cũng vậy, họ tự nguyện tham gia mà không cần phải có ai, có tập thể nào dẫn dắt, lãnh đạo!
Đối với đảng CSVN, biến cố 10 tháng 6 cũng đã làm họ “mở mắt” để nhìn rõ được tinh thần và sự phản kháng của người dân đối đầu với đảng. Tuy nhiên, thay vì nhìn rõ được quyết tâm của người dân để mà phản tỉnh, trở về với đất nước và dân tộc, tập đoàn này vẫn cố bám víu vào ngôi vị lãnh đạo độc tôn bằng những thủ thuật thông thường. Một mặt, đảng tạm hoãn thảo luận dự luật đặc khu, nhưng mặt khác lại nhất quyết ngăn chận việc sử dụng các mạng xã hội qua cái gọi là “Luật An Ninh Mạng 2018” được Quốc Hội bù nhìn thông qua ngày 12 tháng 6. Đồng thời đảng cũng đã bố ráp, khủng bố dân chúng Phan Rí, như là một biện pháp để đe doạ những người dân chống đối các nơi khác.
Thế nhưng các chiêu trò trên của đảng CSVN quả đã lỗi thời đối với dân chúng VN. Như đã trình bày biến cố “10 tháng 6” đã mở ra một kỷ nguyên mới cho công cuộc đấu tranh của dân tộc Việt. Dĩ nhiên, con đường trước mặt vẫn còn lắm chông gai, và còn đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và hy sinh mới đạt đến đích. Nhưng cỗ xe “Dân Chủ” của Việt Nam, qua biến cố “10 tháng 6”, rõ ràng là đã vượt qua được con đốc đầu, để có thể lăn bánh nhanh hơn và vững chãi hơn trên đoạn đường trước mặt./.
No comments:
Post a Comment