Thứ Hai, 26.10.2015
Luật hóa sự khai sinh và hiện hữu của các công đoàn độc lập, bảo vệ quyền lợi chân chính của người lao động Việt Nam, thay vì ăn bánh vẽ xã hội chủ nghĩa, qua sự dối gạt của đảng CSVN, là điều kiện tiên quyết cho Hà Nội gia nhập Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phạm Chí Dũng với tựa đề: "Việt Nam hậu đàm phán TPP: Công đoàn độc lập và 'hãy tự cứu mình' " sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Rất có thể, lịch sử nhân quyền Việt Nam sẽ bước sang một trang mới
sau kết quả đàm phán TPP, nhưng không chỉ bằng động tác thuần túy trả tự
do nhỏ giọt tù nhân chính trị như trước đây, mà với một cái tên to lớn
và ý nghĩa hơn nhiều: "Luật lập hội và Công đoàn độc lập".
Cuối cùng thì "Bao giờ cho đến tháng Mười" - như tên một bộ phim điện
ảnh nổi tiếng của Việt Nam - công cuộc đàm phán TPP cũng đã kết thúc
vào ngày 5/10/2015 sau hơn 5 năm khốn khổ, mà một trong những khốn khổ
nhất lại là chủ đề "nhân quyền Việt Nam".
Việt Nam, quốc gia được coi là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP và cũng
có một chính thể luôn bị giằng xé triền miên giữa lợi ích nhóm với lý
cớ "bảo vệ an ninh quốc gia" - đang tràn trề cơ hội để thực thi dân chủ
hóa và quyền làm người cho công dân một cách thực chất gắn kèm cơ chế
giám sát quốc tế, thay cho cái ghế hết sức hình thức kéo dài một cách
bất nhẫn gần hai năm qua trong Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Bất chấp việc Trung cộng và một số quan chức Việt Nam không những
không mặn mòi mà còn tìm cách phá đám TPP, nhiều tín hiệu bộc phát từ
đầu tháng 7/2015 đến nay đã cho thấy hiệp định này vẫn được Việt Nam xem
là ưu tiên số 1 về lợi ích kinh tế và cả về chính trị, ngoại giao lẫn
vị thế cá nhân trong chính trường trước Đại hội đảng 12. Tâm thế này đã
dẫn đến triển vọng nhanh hơn cho nền dân chủ và nhân quyền còn phôi thai
ở VN sau khi TPP hoàn thành sứ mạng đàm phán gian nan giữa 12 nước
thành viên.
Ngay trước chuyến công du Washington của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú
Trọng, Bộ Chính trị Đảng CSVN đã "họp nghe về TPP". Sau hàng loạt động
tác lên - xuống giữa Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện Mỹ để thông qua
cho được Quyền đàm phán nhanh (TPA, một cơ chế dành cho tổng thống Mỹ
quyền quyết định để thông qua kết quả đàm phán TPP), chẳng cần phải nói,
giới quan chức VN có thể thấm hiểu rằng cái bánh TPP không còn dễ nuốt
như bữa tiệc WTO 8 năm về trước. Bởi thế TPP lại càng có giá hơn.
Cuộc họp lịch sử ở Atlanta (từ 30 tháng Chín đến 1 tháng Mười 2015)
đã chính thức xếp tên VN như một ứng cử viên cho chiếc ghế TPP. Thế
nhưng bằng vào "thành tích nhân quyền" mà không có nước thành viên nào
trong TPP có thể so sánh, nhà nước VN vẫn có thể bị loại khỏi bàn ăn
trong lúc những vị khách khác ung dung dự tiệc.
Khác hẳn với năm 2007, Nhà nước VN đang phải đối diện với nguy cơ bị
"tái hội nhập" danh sách CPC lần thứ hai vào năm 2015 hoặc năm 2016. Từ
nhiều tháng qua, một cuộc vận động rộng rãi đã được tiến hành bởi Ủy hội
Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ và các nước Tây Âu, dẫn đến kết quả là vấn đề
đưa VN vào lại CPC có thể được đặt ra trước Quốc hội Mỹ vào năm 2015.
Cũng khác hẳn với quá khứ gia nhập WTO năm 2007, vào lần này mọi
chuyện không chỉ có được mà luôn phải là bánh ít đi bánh quy lại. TPP
phụ thuộc mật thiết vào cơ chế đàm phán nhanh (TPA) mà Quốc hội Hoa Kỳ
đã dành cho chính quyền Obama. Nhưng cũng là lần đầu tiên, giới lập pháp
Hoa Kỳ thống nhất cao về việc cài đặt điều kiện tự do tôn giáo vào TPA.
Điều đó có nghĩa là tổng thống Mỹ không có toàn quyền để quyết định
TPP cho VN, nếu như Quốc hội Mỹ biết được Nhà nước VN tiếp tục có những
hành vi bách hại và đàn áp nặng nề đối với các tôn giáo ở quốc gia này.
Khi đó, cái ghế TPP cho VN sẽ bị Quốc hội Mỹ thẳng tay bác bỏ, cho dù đã
được Chính phủ Mỹ thông qua.
Nếu được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua sớm nhất vào đầu năm 2016, giới
lãnh đạo Hà Nội còn đang ngổn ngang chuyện chức quyền trong Đại hội đảng
12 sẽ chỉ còn 3 tháng nữa để thu xếp cơ chế "cải thiện nhân quyền". Ba
ẩn số cần được giải đáp là: Tù nhân chính trị, Luật lập hội và Công đoàn
độc lập.
Và nếu Tổng thống Barack Obama thực sự muốn đặt chân đến Hà Nội vào
tháng 11 tới, lại càng có lý do để phía VN nén thể diện mà phóng thích
những tù nhân lương tâm đã được phía Mỹ yêu cầu đích danh.
Thời gian không còn nhiều đối với giới quan chức Việt Nam vẫn chưa bỏ được thói quen chỉ muốn nhận mà không muốn cho.
Nhưng điều có vẻ kỳ lạ là chính người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng lại đi tiên phong trong việc tự cứu mình.
Mặc dù chuyến đi Mỹ của TBT Trọng đã được hai nước chuẩn bị từ đầu
năm 2015, nhưng mãi tới tháng 9/2015 trong dư luận VN mới bắt đầu rộ lên
thông tin về việc nhà nước này đã phải chấp nhận định chế Công đoàn độc
lập - một điều kiện bắt buộc của TPP.
Lầu đầu tiên, những tin tức được tiết lộ trên mạng cho thấy một thỏa
thuận bí mật đã được tiến hành. Theo đó, VN đã đồng ý với Hoa Kỳ trong
một kế hoạch triển khai khả thi để vấn đề lao động được thực thi đúng
theo đòi hỏi của Hiến Chương Lao Động TPP, trong đó, phía Hoa Kỳ được
toàn quyền hợp tác không giới hạn với các nghiệp đoàn độc lập ở VN. Các
nghiệp đoàn độc lập địa phương của những xí nghiệp nhất định có toàn
quyền hợp tác với nhau và thành lập các hiệp hội ở tầm quốc gia với sự
tham gia của các nghiệp đoàn ở mỗi phân vùng...
Với những quy định chế tài khắt khe của TPP, nhà nước VN sẽ phải
thành lập Công Đoàn Độc Lập chỉ 24 giờ sau khi hiệp định này được chính
thức ký kết. Nhưng muốn thành lập Công Đoàn Độc Lập lại cần đến khung
pháp lý tối cần thiết là Luật Lập Hội. Sau 23 năm kể từ Hiến pháp VN
1992, quyền tự do lập hội được hiến định của người dân không thể bị cố
tình trì hoãn thêm nữa.
Rất có thể, lịch sử nhân quyền VN sẽ bước sang một trang mới sau kết
quả đàm phán TPP, nhưng không chỉ bằng động tác thuần túy trả tự do nhỏ
giọt tù nhân chính trị như trước đây, mà với một cái tên to lớn và ý
nghĩa hơn nhiều: Luật Lập Hội và Công Đoàn Độc Lập./.
No comments:
Post a Comment