Thứ Sáu, 30.10.2015
Để chứng tỏ quyết tâm của mình, HK đã phái tàu chiến đi vào gần các đảo nhân tạo do TC bồi đắp ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Phản ứng của các bên khác nhau. Kính mời quí thính giả theo dõi quan điểm của LLCQ trước thái đô không dứt khoát của nhà cầm quyền CSVN theo sự mong đợi của người dân Việt Nam, qua lời trình bày của Hải Nguyên
Thưa quí thính giả,
Sau nhiều tháng chuẩn bị dư luận, tính toán hơn thiệt, và cũng để
thăm dò phản ứng của những quốc gia liên hệ. Ngày 27 tháng 10 vừa qua,
chiếc khu trục hạm USS Lassen của hải quân Hoa Kỳ, được lệnh của Tổng
thống Barack Obama, đã đi vào vùng biển bên trong 12 hải lý ở rạng Subi
và đá Vành Khăn, là hai nơi Trung Cộng đã bồi đắp thành đảo nhân tạo
trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thực hiện cuộc tuần tra này, HK đã minh định lập trường mà nhiều lần
đã nói rõ rằng việc TC bồi đắp những đảo nhân tạo là vi phạm Công Ước
Quốc Tế về Luật Biển năm 1982, mà chính TC đã ký kết. Vì vậy HK phủ nhận
sự hiện hữu của các đảo nhân tạo do TC bồi đắp này, nên hải phận 12 hải
lý quanh các đảo ấy là hoàn toàn vô nghĩa. Ngoài ra HK cũng cho biết sẽ
tuần tra trên vùng biển và không gian tại Biển Đông, trong những nơi
thuộc hải phận quốc tế mà luật pháp cho phép, để thực thi quyền tự do
lưu thông trên biển, và bảo đảm an toàn cho hải lộ gắn liền với quyền
lợi kinh tế của HK và các nước đồng minh của HK.
Quyết định của HK đã được Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ lên tiếng tán
dương. Đặc biệt từ Úc Châu, có nguồn tin cho biết, bà bộ trưởng Quốc
Phòng nước này đã lên kế hoạch đưa tàu chiến và máy bay vào Biển Đông,
để bảo đảm an toàn cho tuyến đường mà hơn 60% hàng hóa xuất nhập của Úc
phải đi qua hải lộ này. Ngay cả Indonesia và Malaysia trước đây vẫn tỏ
ra dè dặt trong vấn đề căng thẳng ở Biển Đông, nhưng trước thái độ quyết
đoán hung hãn của TC, thì nay cũng ngả theo khuynh hướng của HK.
Về phía TC, sau những phản ứng hết sức giận dữ, thì ngay hôm sau tức
ngày 28/10/2015, tại diễn đàn Hương Sơn, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương
TC là tướng Phạm Trường Long đã tuyên bố rằng nước ông sẽ không dùng vũ
lực để giải quyết những căng thẳng ở Biên Đông. Lời tuyên bố này nhằm
làm giảm bớt căng thẳng và trấn an các nước có tranh chấp biển đảo với
TC trong khu vực, mà thực tế là TC chẳng dại gì đối đầu quân sự với HK,
hơn nữa HK và TC vừa đạt được một thỏa thuận về những qui ước chung giữa
quân đội hai nước, để tránh những va chạm có thể dẫn đến thảm họa cho
cả hai bên.
Chính Tập Cận Bình cũng đã nói rằng TC không chủ trương quân sự hóa
Biển Đông; nhưng TC lại đang cố mua chuộc, lôi kéo bộ trưởng quốc phòng
của 10 nước thuộc Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á về phía mình, qua
cuộc họp không chính thức và trong diễn đàn Hương Sơn mới tuần trước đây
tại Bắc Kinh, bằng những lời phủ dụ rất bùi tai, và đưa ra những hứa
hẹn rất hấp dẫn.
Đứng trước những động thái tích cực của HK khi thực hiện chính sách
chuyển trục sức mạnh quân sự sang Á Châu, mà Biển Đông giữ vị trí quan
trọng trong chính sách này, nên đối với Việt Nam cần phải đưa ra một
sách lược thịch hợp, vừa để bảo đảm được chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải
của nước nhà, vừa gia tăng ưu thế trong khu vực. Bởi người Việt Nam ai
cũng biết rằng chúng ta là một nước nhỏ nằm sát cạnh một anh láng giềng
khổng lồ tham lam, thâm độc và luôn có âm mưu thôn tính nước ta, thì ta
phải liên minh với các quốc gia có đủ sức mạnh để bảo vệ mình, đó là
chuyện bình thường và hợp lý trong mối tương quan sức mạnh trên thế giới
này.
Nhưng liên tiếp trong bao nhiêu năm qua, chính phủ Việt Nam do đảng
CS độc quyền cai trị và quyết đoán, đã không hề có một chính sách dứt
khoát, cụ thể để chứng tỏ họ đặt quyền lợi của tổ quốc, của dân tộc lên
trên quyền lợi của đảng, khiến cho đất nước ngày hôm nay, cho dù chưa
thật sự rơi vào tay TC, thì cũng bị TC khống chế về kinh tế, chính trị,
văn hóa trong âm mưu tằm ăn dâu rất tinh vi hiểm độc của TC rồi.
Cho dù những đồn đoán về các thỏa thuận ngầm giữa hai đảng CS
Tàu-Việt thật hay hự; hoặc những nhượng bộ, những cam kết thế nào trong
mật nghị Thành Đô tháng 9, 1990 ra sao, người dân không được biết. Nhưng
cứ nhìn vào sự bất nhất của CSVN trong chính sách đối với vấn đề chủ
quyền Biển Đông thì đủ thấy mối nguy mất chủ quyền đã lộ rõ.
TC luôn chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông giữa hai quốc gia,
và chống lại chủ trương quốc tế hóa, và đàm phán đa phương. Đây là điều
rất bất lợi cho Việt Nam, ấy thế mà trong Bản Tuyên Bố Chung giữa
Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào ký ngày 15 tháng 10 năm 2011 lại viết
rằng vấn đề tranh chấp Biển Động: "Lãnh đạo hai đảng, hai nước sẽ duy
trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển giữa nước
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa".
Hai bên "Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề
trên biển". Cũng một quan điểm ấy trong hội nghị Shanggri-La 2013 tại
Singapore, Phùng Quang Thanh đã phát biểu rằng: "Những vấn đề có liên
quan đến hai nước thì cần giải quyết song phương .... "
Từ những sự kiện trên, cho dù HK và các nước khác có đưa tàu chiến
vào tuần tra quanh các hải đảo nhân tạo do TC bồi đắp, trong khi quốc
gia đang bị TC khống chế nặng nề nhất vẫn không có thái độ dứt khoát,
thì cũng không giải quyết được vấn đề cơ bản là chủ quyền thật sự trong
vùng biển đảo này.
Đảng CSVN vẫn phớt lờ nguyện vọng của đa số người dân, bỏ ngoài tai
tiếng nói của những người yêu nước, kể cả những đảng viên CS có lòng với
đất nước. Rõ rang đảng CSVN vẫn muốn dựa vào TC để duy trì quyền lực và
quyền lợi cho một thiểu số, bỏ mặc cho đất nước rơi vào vòng nô lệ của
Bắc Phương.
Vì vậy, đây là lúc mỗi người dân Việt Nam phải cùng chung sức để tìm
ra sinh lộ cho chính mình và cho con cháu của chúng ta. Không thể để cho
đảng CSVN chôn vùi cả dân tộc này.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Cứu Quốc.
No comments:
Post a Comment