Thứ Tư, 28.10.2015
Trong thế tương tranh giữa các siêu cường và trong lúc biên thùy nguy biến trước giặc Bắc Phương, thì đảng CSVN tiếp tục theo đuổi sách lược bịt mắt, bịt tai, triệt để hèn với giặc và ác với dân hầu duy trì quyền lực độc tôn. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Tàu, Mỹ vờn nhau, Việt Nam làm gì" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Chính phủ Mỹ đã trình bày với các đồng minh trong vùng Á Ðông kế
hoạch đưa tàu tuần thám hải quân vào sâu hơn 12 hải lý quanh các đảo
nhân tạo Trung cộng xây đắp bất hợp pháp trên 5 nhóm tảng đá ngầm ở vùng
Trường Sa. Nhật Bản, Philippines là những nước đồng minh lâu đời, với
Singapore là một đồng minh mới chắc chắn phải được báo tin. Việt Nam,
Malaysia, Indonesia, Brunei có thể được báo tin vì tất cả đều có quyền
lợi liên can đến các đảo nhân tạo trên. Chính phủ Mỹ cần hành động sớm,
vì càng trì hoãn không đối phó ngay thì sau này vấn đề càng phức tạp và
có thể nguy hiểm hơn.
Tại sao chính phủ Mỹ cần phản đối việc Trung cộng xâm lấn vùng biển
Ðông Nam Á? Vì quyền lợi của chính nước Mỹ. Thế giới không thể để yên
cho Trung cộng trấn ngự con đường biển này, như các tay lục lâm thảo
khấu từng chiếm những con đường đèo, thâu "tiền mãi lộ!" Vì Biển Ðông là
một vùng yết hầu, 40% thương mại quốc tế đi qua đó.
Nhưng việc Trung cộng dựng lên các hòn đảo nhân tạo có gì nguy hiểm
cho thương mại thế giới? Tại sao chính phủ Mỹ cần xác định ngay rằng họ
không chấp nhận các bãi đá ngầm đó thuộc chủ quyền Trung cộng? Vì Bắc
Kinh đang theo chiến thuật được đằng chân lấn đằng đầu, mỗi tháng mỗi
năm lấn thêm một chút; phải ngăn chặn càng sớm càng tốt.
Cuộc đối đầu ở vùng biển Ðông Nam Á đang diễn ra như một cuộc cờ, mỗi
bên đi một nước rồi chờ xem đối thủ đáp lại ra sao. Cuộc cờ trong vùng
biển Nhật Bản trong mấy năm qua cũng giống như vậy. Trong các cuộc chơi
địa dư chính trị này, mọi người biết mục tiêu lâu dài của Trung cộng là
bành trướng ảnh hưởng. Tham vọng bành trướng đó có thể rộng hay hẹp, tùy
theo cán cân lực lượng. Cho nên những nước khác cần phải cho Bắc Kinh
biết đâu là giới hạn không được phép bước qua. Cần phải gửi những "thông
điệp," những "tín hiệu" rõ rệt, không thể nào hiểu lầm. Và cần hỗ trợ
thông điệp của mình bằng hành động. Ở Ðiếu Ngư Ðài, Senkaku, Nhật Bản đã
cho Trung cộng biết họ sẵn sàng đương đầu, với sức mạnh quân sự của họ.
Philippines cũng báo tin cho Trung cộng biết họ biết sử dụng luật pháp
quốc tế, họ có đồng minh là nước Mỹ và quân dân nước họ đoàn kết nhất
tâm bảo vệ lãnh thổ, dù phải hy sinh. Một quốc gia nhỏ, quân lực yếu,
vẫn có thể tự vệ được.
Chính phủ Mỹ cần báo tin cho Bắc Kinh biết họ đang đứng trước một lằn
ranh, không nên bước qua. Bộ Ngoại Giao Mỹ đã công khai bày tỏ ý kiến
rằng việc đắp các hòn đảo nhân tạo gần đây là sai luật biển quốc tế,
không thể coi đó là vùng thuộc chủ quyền Trung cộng. Ông Obama nói rõ:
"Cuối cùng, dù Trung cộng có đem bao nhiêu cát đổ lên các bãi đá ngầm
cũng không biến các vùng đó thành ra thuộc về họ. Chủ quyền không thể
dựng lên theo lối đó!" Các lời tuyên bố này không ảnh hưởng gì tới hành
vi của Bắc Kinh. Tổng Thống Obama đang bị thách thức.
Tiếp theo lời cảnh báo đó, Bộ Quốc Phòng Mỹ mới công bố kế hoạch đưa
thêm các chiến đấu cơ và chiến hạm qua vùng 12 hải lý quanh các hòn đảo
nhân tạo mới xây. Ðại sứ Trung cộng ở Washington, Thôi Thiên Khải (Cui
Tiankai) phản ứng ngay, nói một cách văn hoa rằng "nhiều vấn đề căng
thẳng trên thế giới không thể giải quyết bằng cách phô trương vũ lực".
Cần nhắc nhở ông Thôi Thiên Khải rằng chính Bắc Kinh đã và đang phô
trương vũ lực đe dọa các nước Ðông Nam Á, nhắm thẳng vào Việt Nam và
Philippines.
Trong vụ Senkaku, chính phủ hai nước Nhật và Tàu không muốn gây chiến
tranh nên cuối cùng đều trở lại tình trạng bình thường, không nước nào
tiến thêm một bước gây hấn mới. Cũng giống như vậy, những cuộc tranh
chấp trong vùng Biển Ðông nước ta sẽ kéo dài. Giữa hai nước lớn nhất là
Tàu với Mỹ, lâu lâu lại có một biến cố gây sôi nổi, rồi lại trở về cảnh
bình thường. Bởi vì Trung cộng không dám gây chiến, với Nhật Bản cũng
như với Mỹ - ít nhất trong nửa thế kỷ nữa.
Nhưng điều đáng buồn là trên sân khấu tranh hùng đó, Việt Nam lại
đứng ngoài chứng kiến mà không dám có một phản ứng, một thái độ hay hành
động nào để ảnh hưởng tới chính số phận nước mình, trong khi chính nước
mình là nạn nhân của cuộc bành trướng của Trung cộng! Chính phủ
Philippines đã chứng tỏ dân tộc họ không hèn nhát, khăng khăng đối đầu
với Trung cộng, trên các mặt trận pháp lý và ngoại giao. Malaysia và
Indonesia trước đây gần như đứng ngoài tranh chấp, nhưng sau khi Trung
cộng trở thành hung hăng họ cũng thay đổi. Bộ Quốc Phòng Malaysia đang
yêu cầu dự các cuộc tập trận chung với Mỹ trên biển và xin Washington
giúp phát triển lực lượng hải cảnh dựa trên kiểu Mỹ.
Malaysia và Việt Nam đều là thành viên của Hiệp định Hợp tác Kinh tế
xuyên Thái Bình Dương (TPP), Philippines và Việt Nam đều là nạn nhân
trực tiếp của quân Trung cộng xâm lược. Ba nước này không thể đóng vai
bàng quan trước cuộc tranh hùng giữa Trung cộng và Mỹ. Nhân dịp chính
quyền Obama chứng tỏ họ có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung cộng trong
vụ làm các hòn đảo nhân tạo, ba nước Philippines, Malaysia và Việt Nam
cần kêu gọi các nước Ðông Nam Á khác chính thức phản đối hành động của
Bắc Kinh và bác bỏ các lời tuyên bố về chủ quyền của Trung cộng trong
vùng lưỡi bò. Chính quyền Obama đang đưa một tín hiệu cho Bắc Kinh thấy
họ đang tiến gần đến một lằn ranh không thể bước qua. Các nước Việt Nam,
Malaysia và Philippines cần phải xác định chung một lằn ranh làm giới
hạn cho các hành vi tương lai của Cộng Sản Trung Quốc. Phải cảnh cáo
rằng nếu Bắc Kinh xâm phạm lằn ranh đó, các nước nhỏ phải tự về bằng vũ
khí.
Việt Nam không thể đóng vai khán giả, đứng ngoài vỗ tay khi Mỹ tỏ ra
cứng rắn hơn với Trung cộng. Cần phải cho giới lãnh đạo Mỹ cũng như
Trung cộng biết rằng nếu có xung đột lớn trong vùng Biển Ðông nước ta
thì kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn tất cả các nước Ðông
Nam Á. Cần nhắc nhở Bắc Kinh biết trong lịch sử dân Việt Nam xưa nay vẫn
có truyền thống thà chết chứ không chịu nhục./.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment