Thứ Ba, 13.10.2015
Thưa quý thính giả, nếu đảng CSVN thực tâm xây dựng dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên trên đất nước, thì đại đoàn kết dân tộc sẽ đương nhiên xảy ra, không cần bất cứ một chiêu bài “hòa hợp hòa giải dân tộc” giả dối nào. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Cần Đấu Tranh Dân Chủ, Không Cần Xin Hòa Hợp Dân Tộc.”sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Trong bức thư "góp ý tâm huyết, thẳng thắn" với "Ban Chấp Hành Ðảng
Bộ" đảng Cộng Sản ở thành phố Saigon; trong đó 20 vị ký tên đã xác nhận
Saigon có địa vị dẫn đầu cả nước là nhờ thành phố này có một đội ngũ trí
thức, chuyên gia, doanh nhân một thời đã sống tương đối tự do trước năm
1975. Nhận định này là một "ý kiến phá rào" trong một chế độ vẫn tự
xưng là "đỉnh cao trí tuệ" vì các tác giả dám nói thẳng rằng "Saigon dẫn
đầu cả nước". Nhưng rất tiếc, ngay trong lúc phá một thứ hàng rào, các
tác giả vẫn tự trói buộc bên trong những hàng rào cũ khác, không tự
thoát ra ngoài. Một rào cản vẫn còn trói buộc cách suy nghĩ của họ là
bám lấy một khẩu hiệu tuyên truyền cũ kỹ, gọi là "hòa hợp dân tộc".
Tiếp tục sử dụng một khẩu hiệu tuyên truyền 50 năm cũ chứng tỏ những
người viết thư vừa thiếu sáng kiến, vừa bám lấy quá khứ của chính họ
không rời ra được. Nhắc lại khẩu hiệu đó, chứng tỏ 20 vị ký bức thư "tâm
huyết" không hiểu tâm trạng của người dân miền Nam. Không những thế, họ
tỏ ra vô tình, tàn nhẫn, không thông cảm nỗi khổ đau của người miền Nam
trong 40 năm qua.
Có lẽ chính các tác giả bức thư cũng cảm thấy lời hô hào của họ là vô
nghĩa, vô duyên. Cho nên tỏ ra lúng túng khi nhắc đến khẩu hiệu đó. Bức
thư viết rằng "...tư tưởng hòa hợp dân tộc (là) một đòi hỏi nóng bỏng
để hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, tạo nguồn động lực cho giai đoạn
mới...". Các tác giả muốn "tạo nguồn động lực cho giai đoạn mới" bằng
cách sử dụng đội ngũ trí thức và chuyên gia miền Nam, kể cả những người
đang sống ở nước ngoài; do đó có hy vọng "thu hút đầu tư". Nhưng người
đọc không thể hiểu tại sao một khẩu hiệu tuyên truyền thời 1970 đến năm
nay lại trở thành một "đòi hỏi nóng bỏng để hội nhập quốc tế"? "Hòa hợp
dân tộc" liên can gì đến hội nhập quốc tế mà nó lại được coi là vấn đề
nóng bỏng?
Chỉ có thể tạm giải thích rằng quý vị soạn bức thư này dùng bốn chữ
"hội nhập quốc tế" chỉ cốt nói đến chiều hướng "kết thân với Mỹ", qua
triển vọng thỏa ước Mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ở Việt Nam
hiện nay TPP là giấc mơ của những người theo dõi thời cuộc, cứ nêu ra là
ý kiến nào nghe cũng lọt tai.
Tất nhiên, "hòa hợp dân tộc" bao giờ cũng là một mục tiêu tốt. Bất cứ
dân tộc nào cũng nên "hòa hợp" với nhau, bất cứ lúc nào. Nhưng đem ghép
nhu cầu "hội nhập quốc tế" với tư tưởng "hòa hợp dân tộc" thì quá gượng
ép, hai ý tưởng, hai phạm vi không liên hệ gì với nhau. Hơn nữa, nêu
khẩu hiệu này lên bây giờ thì không hợp thời nữa.
Lời kêu gọi chấm dứt cảnh đối xử phân biệt này xác nhận một sự thật
mà đảng Cộng Sản vẫn che giấu: Từ năm 1975 đến nay đảng Cộng Sản vẫn kỳ
thị, không những đối với dân Saigon mà với tất cả người miền Nam đã sống
dưới chế độ Cộng Hòa. Nhưng muốn chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử
này thì kêu gọi "hòa hợp dân tộc" không đủ. Trước hết, những người từng
đối nghịch với đảng Cộng Sản, những người mà đảng Cộng Sản từng dụ dỗ
bằng chiêu bài hòa giải hòa hợp, hiện nay phần lớn đã trên dưới 70 tuổi
rồi. Lớp người này, họ không tin bất cứ khẩu hiệu nào do Cộng Sản đưa
ra. Họ cũng không thể trở thành "nguồn động lực cho giai đoạn mới", có
hô hào cũng vô ích!
Chỉ những người dưới 55 tuổi mới hy vọng tạo nên nguồn động lực mới.
Các tác giả bức thư góp ý biết rõ điều này. Họ muốn thúc đẩy đảng Cộng
Sản hãy sử dụng những người dân Saigon thuộc lớp tuổi 25 đến 55, dù đó
là con cháu của các công dân Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Lớp người
đó có thể thành "đội ngũ trí thức và doanh nhân" trong giai đoạn phát
triển sắp tới, nếu họ không bị kỳ thị.
Nhưng chính sách kỳ thị của đảng Cộng Sản không giới hạn trong một
thành phố Saigon hay riêng tại miền Nam Việt Nam. Bản chất chế độ Cộng
Sản là kỳ thị. Tại Nam Phi trước đây chế độ "apartheid" phân biệt mầu da
trắng, đen. Xã hội Cộng Sản cũng phân biệt hai loại công dân: Các đảng
viên Cộng Sản là "da trắng"; tất cả những người ngoài đảng là "da đen". Ở
miền Nam Việt Nam, mức độ kỳ thị nhân lên gấp đôi. Các đảng viên Bắc da
trắng hơn đảng viên gốc miền Nam; dân miền Nam thì đen hơn dân gốc Bắc
vào sau 1975!
Lá thư góp ý kêu gọi nhà cầm quyền thành phố Saigon phải "hòa hợp"
với những công dân còn đang bị đối xử phân biệt: "Làm sao để những công
dân thành phố đó hiểu được rằng, và tin được rằng, họ cũng nằm trong
"thế trận lòng dân", cũng là nền tảng của sự "ổn định chính trị". Lời
kêu gọi này chứng tỏ các tác giả có thiện chí; nhưng chính sách kỳ thị
của đảng Cộng Sản được áp dụng trên cả nước, đảng bộ tại thành phố
Saigon không có quyền thay đổi. Cho nên kêu gọi họ "hòa hợp dân tộc" là
điều vô ích. Ngược lại, nêu lên một khẩu hiệu cũ kỹ đó trong lúc này chỉ
che lấp các vấn đề quan trọng khác.
Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là trả lại các quyền tự do cho người
dân Việt Nam được tham dự vào việc điều hành đất nước. Ðảng Cộng Sản đã
cướp quyền, tiếm vị từ hơn nửa thế kỷ nay, dùng bộ máy công an tước đoạt
hết mọi quyền tự do của người dân từ Bắc vào Nam.
Khi nào tất cả mọi người dân Việt được hưởng các quyền tự do hội họp,
tự do phát biểu, tự do bầu cử và tranh cử, thì chính các nạn nhân của
chính sách kỳ thị ở Saigon sẽ biết cách tranh đấu để họ không còn bị đối
xử phân biệt nữa. Những người đang bị đối xử phân biệt phải đấu tranh
đòi tự do dân chủ cho toàn dân, chứ không cần lo cho quyền lợi riêng của
họ. Nhất là họ không cần "năn nỉ, cầu xin" ai ban ơn ngưng chính sách
kỳ thị.
Nếu người dân Việt được tự do phát biểu, tự do hội họp và tự do bỏ
phiếu, thì mọi nhà cầm quyền chủ trương kỳ thị sẽ bị người dân gạt bỏ
bằng lá phiếu. Chủ trương đối xử phân biệt là hậu quả của chế độ độc tài
đảng trị. Khi chế độ độc tài chấm dứt, người dân Việt Nam được phục hồi
quyền sống làm người sẽ biết cách cư xử hòa hợp với nhau mà không cần
chờ chủ trương, mệnh lệnh của một nhóm tiếm vị độc quyền nào cả.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment