Thứ Năm, 22.10.2015
Thưa quý thính giả, một trong những linh mục cũng đã và đang bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam giam cầm trong ngục tối hầu muốn bóp nghẹt quyền tự do tín ngưỡng là Linh Mục Phạm Minh Trí. Linh Mục Phạm Minh Trí bị bắt vào năm 1987, với mức án 20 năm tù giam. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết của tác giả Huỳnh Anh Tú với tựa đề "Cha Phạm Minh Trí- Những Năm Tháng Tù Đày", sẽ được Minh Nguyệt trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ngày 29/08/2001, tôi được giải về K3, trại giam Xuân Lộc - Đồng Nai,
sau đó được chuyển vào khu giam riêng dành cho tù nhân chính trị và tôn
giáo. Nơi đây, mọi người đã tận tình giúp đỡ và tạo điều kiện cho tôi
trong sinh hoạt, để tôi sớm thích nghi với môi trường "đọa đày" mới.
Ngay từ ngày đầu tiên tôi đã chú ý tới một người khoảng ngoài 60, ông có những hành động và thái độ rất kỳ lạ.
Dáng người ông hơi gầy, mái tóc bạc phơ, nụ cười rất tươi và gương
mặt phúc hậu. Ông lui cui sắp xếp các vật dùng quanh chỗ của mình, không
màng tiếp chuyện với ai. Thỉnh thoảng ngồi nhìn vào chốn "vô định" và
cười khúc khích thật vô tư. Đặc biệt, trong lúc cười đôi mắt của ông
hiện ra nét ưu tư, buồn bã. Qua tìm hiểu, tôi được biết ông mắc bệnh tâm
thần từ vài năm trở lại đây. Tuy là vậy, nhưng hầu hết mọi người trong
khu giam này đều kính trọng và gọi ông là Cha Trí.
Cha Phạm Minh Trí, linh mục của Dòng Đồng Công, bị bắt cùng một số anh em của Dòng vào năm 1987 và "nhận" mức án 20 năm tù giam.
Tu sĩ Dòng Đồng Công bị đàn áp, giam cầm
Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc tên quen gọi là Dòng Đồng Công được
thành lập theo Giáo Luật vào ngày 2/2/1953 tại Xứ Liên Thủy, Giáo Phận
Bùi Chu, tỉnh Nam Định, nhằm mục đích đào tạo các linh mục, tu sĩ thánh
thiện phục vụ công cuộc truyền giáo và Phúc Âm hoá dân tộc, do linh mục
Đaminh Maria Trần Đình Thủ sáng lập, đồng thời Ngài cũng là bề trên đầu
tiên của Dòng.
Dòng Đồng Công kể từ khi được thành lập đến nay, đã trải qua biết bao thăng trầm khổ nạn.
Năm 1954, trong hoàn cảnh đất nước đang bị chia cắt, Cha bề trên Trần
Đình Thủ đưa Dòng di cư từ Bắc vào Nam và đã tạm trú ở nhiều nơi. Cuối
cùng được sự sắp đặt của Thiên Chúa, vào năm 1956 Dòng tìm được nơi định
cư tại Giáo xứ Châu Bình, Tam Hà, Thủ Đức, Gia Định, thuộc Giáo phận
Sài Gòn.
Ngày 2/6/1975, Cha bề trên Trần Đình Thủ và hơn 50 anh em của Dòng bị
nhà cầm quyền Cộng Sản (CQCS) bắt bỏ tù tại Di Linh, Lâm Đồng.
Ngày 29/04/1977 Cha Thủ được trả tự do, tuy nhiên toàn bộ bất động sản tại tỉnh Lâm Đồng đã bị CQCS chiếm đoạt hết.
Mọi việc không dừng lại ở đó, vào giữa tháng 5/1987 Dòng Đồng Công
phải gánh thêm một biến cố đau thương khác. Rất nhiều tu sĩ của Dòng
cùng Cha bề trên Trần Đình Thủ bị CQCS bắt bỏ tù và qui chụp vào các tội
danh: "Tàng trữ vũ khí trái phép; khủng bố và âm mưu nhằm lật đổ chính
quyền". Đa số đều bị kết án với mức án 20 năm và chung thân. Một lần nữa
hầu hết tài sản của Dòng Đồng Công bị cướp trắng.
Được biết, sau khi bị kết án Cha bề trên Trần Đình Thủ và anh em của
Dòng Đồng Công bị tách ra và chuyển đến nhiều trại tù khác nhau.
Cha Trí qua lời kể của Hòa Thượng Thích Thiện Minh
Hòa Thượng Thích Thiện Minh, người bị CQCS kết án chung thân, đã từng
bị giam cầm và gần gũi với Cha Trí cùng một số tu sĩ của Dòng Đồng
Công, qua hai trại tù, trại A20, Xuân Phước - Phú Yên (1987-1990) và
trại Z30A, Xuân Lộc - Đồng Nai (1990-2005).
Hòa Thượng cho biết, trại tù A20, Xuân Phước - Phú Yên, được mệnh
danh là trại thung lũng tử thần, nơi đây đã cướp đi nhiều sinh mạng của
tù nhân chính trị và tôn giáo.
Chính sách được áp dụng cho tù nhân chính trị và tôn giáo vô cùng dã man.
Mỗi tù nhân bị "trừng phạt" bằng hình thức lao động khổ sai. Không
phân biệt già hay trẻ, sức khỏe tốt hay xấu đều "lãnh nhận" công việc
nặng nhọc với mức khoán như nhau: Vào rừng đốn củi; vác đá, vác đất; đào
ao nuôi cá...
Cha Trí được phân công vào tổ đào ao nuôi cá, và làm bên khâu vận chuyển đất được đào từ dưới trủng mang lên bờ.
Có lần trời đang nắng gắt mà cai ngục liên tục thúc ép tù nhân làm
việc cho kịp "tiến độ". Do sức khỏe của Cha Trí đã cạn kiệt, lại bị ép
làm việc thêm nên Ngài đã ngất xỉu ngay trên hiện trường. Sau đó nhờ anh
em tù tạm gác mọi công việc lại để sơ cứu, linh mục mới tỉnh lại. Điều
đáng nói, sự việc tương tự như thế diễn ra rất nhiều lần. Ngất xỉu rồi
lại sơ cứu...
Hòa Thượng Thích Thiện Minh nói: "Họ (cai ngục) căm thù các tôn giáo
đến thế sao?!. Một tu sĩ tuổi tác đã cao, sức lực không còn vậy mà họ
vẫn không tha, thật tàn nhẫn. Không lẽ họ (cai ngục) muốn "tiêu diệt"
hết những tu sĩ có tư tưởng đối nghịch với Đảng Cộng Sản họ mới hài lòng
hay sao?!"
Trong công việc là thế, Cha Trí bao giờ cũng sẵn sàng đồng cam cộng khổ cùng với anh em, không hề ca thán.
Trong sinh hoạt, Cha Trí cũng như các anh em Dòng Đồng Công luôn quan
tâm, giúp đỡ mọi người bằng hết khả năng của mình. Ngài và anh em của
Dòng thường xuyên chia sẻ phần ăn của mình đến những anh em kém may mắn.
HT Thích Thiện Minh tự bạch: "chính bản thân tôi cũng từng có những
buổi cơm chay ăn lót dạ khi đói là nhờ Cha Trí mang đến".
Mỗi khi đến đợt thăm nuôi, Cha Trí thường được về buồng giam sớm,
Ngài luôn tranh thủ thời gian rảnh của mình để lau dọn buồng giam, thậm
chí còn chà rửa từng đôi dép cho mọi người.
Hòa Thượng Thích Thiện Minh đã viết những vần thơ để bày tỏ lòng tri
ân cũng như sự cảm phục đức hy sinh của các anh em Dòng Đồng Công.
"Ngày Lễ Noel Chúa giáng Sinh.
Nơi nơi mừng đón phút thanh bình.
Nhiều người tôi Chúa còn lao lý.
Lắm kẻ chăn chiên chốn nhục hình.
Tâm niệm trầm tư hồi quán tưởng.
Tỏ lòng cung kính nguyện cầu kinh.
Thánh Ngôn lời đọc còn răn dạy.
Kính Chúa yêu người trọn đức tin."
Huỳnh Anh Tú
No comments:
Post a Comment