Thứ Ba, ngày 20.08.2013
Thưa quý thính giả, kết quả phiên
tòa phúc thẩm dành cho 2 sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh
Nguyên Kha đã tạo ra một tiền lệ mà giới quan sát cho rằng chưa từng xảy
ra đối với những phiên xử các tù nhân chính trị tại Việt Nam. Để tìm
hiểu thêm về phiên tòa này, chúng tôi tiếp tục (phần 2) buổi tiếp xúc
với luật sư Lê Thị Công Nhân, người đã từng bị nhà cầm quyền kết án
trước đây cũng chỉ vì dám cất lên tiếng nói đấu tranh cho tự do dân chủ.
Từ Hà Nội, Luật sư Lê Thị Công Nhân đưa ra những nhận định của mình như
sau.
QN: Kính chào luật sư Lê thị Công Nhân. Thưa luật
sư, trước hết cho hỏi thăm tình hình sức khỏe của Má Lệ - mẹ luật sư
Công Nhân hiện ra sao?
LTCN: Cám ơn đài Đáp lời Sông Núi đã quan tâm tới
gia đình tôi. Mẹ tôi bị tai biến mạch máu não từ tháng 3 giờ đã 5 tháng.
Chân bên phải bị liệt của mẹ tôi giờ đã nhúc nhích được nhưng cánh tay
bên phải bị liệt thì ngày càng liệt, giờ đã bị co rút và cứng ngắc, và
buồn nhất là trí óc mẹ tôi bị giảm sút khá nhiều, thậm chí bây giờ còn
quên nhiều hơn và phản ứng chậm hơn hồi còn ở trong bệnh viện.
QN: Thưa luật sư, như luật sư đã rõ vụ án Phương Uyên có một kết thúc bất ngờ. Xin luật sư cho biết cảm nghĩ của mình?
LTCN: Cũng như tất cả mọi người, tôi rất vui mừng và
cũng rất bất ngờ trước bản án. Đây là một tiền lệ chưa từng có đối với
những người lên tiếng vì đất nước trong lĩnh vực đấu tranh dân chủ và
bảo vệ đất nước chống Trung Quốc xâm lược. Bất ngờ vì ai cũng rõ là hiện
nay đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam đang tăng cường một cách mạnh mẽ
và nhanh chóng đến mức khác thường mối quan hệ thân thiết với Trung
Quốc, đến độ nhiều chuyên gia, học giả tẩy chay Việt Nam vì đã trở thành
"chư hầu" của Trung Quốc và trong mối quan hệ với Trung Quốc Việt Nam
chỉ là thân phận "lệ thuộc". Mà vụ án của Phương Uyên thì thái độ của
sinh viên trẻ này là cực kỳ khẳng khái và mạnh mẽ trong việc phản đối
Trung Quốc xâm lược lãnh thổ Việt Nam.
QN: Theo luật sư, những lý do nào để cộng sản Việt
Nam có một bản án chưa hề có tiền lệ? Bản án dành cho Phương Uyên có
giúp gì cho các Anh em đang bị tù vì chống Trung Quốc và bất đồng ý kiến
với cộng sản Việt Nam?
LTCN: Ồh! Đây là một câu hỏi rất hay. Theo suy nghĩ
của riêng tôi thì án tuyên này chỉ dành riêng cho Phương Uyên mà thôi.
Dù Nguyên Kha cũng được tuyên giảm 1/2 thời hạn tù so với bản án sơ thẩm
thì tôi vẫn cho rằng án tuyên cho Phương Uyên là một trường hợp đơn lẻ.
Có nhiều lý do để họ làm việc này. Chúng ta chỉ đoán thôi, nhưng đoán
cũng có lý lẽ và bằng cớ của nó. Có thể là: áp lực của quốc tế đủ lớn;
tự chính quyền cộng sản Việt Nam thấy rằng bản án 6 năm tù của phiên tòa
sơ thẩm là quá nặng đến mức ghê tởm; thái độ coi thường và tẩy chay ra
mặt của Hoa Kỳ, châu Âu và ngay cả những nước Asean sau chuyến thăm
Trung Quốc của ông Sang (với hàng loạt những thỏa thuận và hiệp ước được
ký kết nhưng không hề được công báo chi tiết) mà kết quả là Việt Nam đã
chính thức vào quỹ đạo Trung Quốc và trở thành vệ tinh tai mắt của
Trung Quốc, nên chính quyền cộng sản Việt Nam muốn làm cái gì đó để vớt
vát lại chăng; và cuối cùng theo tôi là vì bức thư mà gia đình Phương
Uyên đã gửi đích danh ông Sang với những ngôn từ có thể nói là rất là
xúc động và có phần đề cao ông Sang nên có thể đã khơi gợi lòng sỹ diện ở
họ - là điều mà tôi thấu hiểu rất rõ là họ thích thú và mong chờ như
thế nào ở những người đấu tranh dân chủ và gia đình của họ sẽ gửi đến
chính quyền, vì thế mà tôi gọi những vụ án chính trị ở Việt Nam là án
thái độ.
QN: Cộng sản Việt Nam nổi tiếng về danh hiệu một nhà
buôn không cần vốn. Vốn của họ là các "công dân yêu nước" đang bị họ
cầm tù. Mỗi lần cần trao đổi với xa hội tự do bên ngoài, họ dùng tù nhân
yêu nước để trả giá. Phương Uyên có nằm trong trường hợp này không?
LTCN: Quả thật chính quyền cộng sản Việt Nam có biệt
tài đem người dân của mình ra làm con tin và xảo quyệt đến mức rất nổi
tiếng về buôn người, buôn người làm nô lệ lao động cũng như buôn bán sự
tự do của công dân đất nước mình. Liệu bản án phúc thẩm của Phương Uyên
có nằm trong một cuộc đổi chác chính trị hay chính trị kinh tế nào không
giữa chính quyền Hà Nội và bên ngoài thì quả thật tôi không dám chắc.
Vì nếu có thì nó cũng được diễn ra một cách rất mềm, không hiển thị
trong trên văn bản kết quả các cuộc đàm phán làm việc chính thức cho dù
bên yêu cầu có thẳng thắn đưa ra tên tuổi cụ thể trong yêu cầu của mình
hay không.
QN: Về phương diện luật pháp của cộng sản Việt Nam
Vấn đề án treo và thời gian tạm giam, cũng như thời gian thi hành án sơ
thẩm sẽ tính như thế nào và Phương Uyên và gia đình có nên kiện đòi bồi
thường?
LTCN: Theo pháp luật hình sự hiện hành tại Việt Nam
thì phạt tù treo áp dụng cho tù có thời hạn không quá 3 năm. Vậy, trường
hợp của Phương Uyên là mức tối đa.Có một thực tế là tù treo với "tù
ngồi" tức tù có thời hạn thì khác nhau một trời một vực. Nhưng đó là đối
với các vụ án hình sự thông thường. Còn trong những vụ án/vụ việc chính
trị thì lại rất khác. Thậm chí những người đấu tranh dân chủ bị dù
không/chưa bị kết án, bị phạt tù hay quản chế thì cuộc sống của họ cũng
vô cùng khốn đốn, khổ sở không khác gì đã bị kết án tù/án quản chế một
cách chính thức. Ví dụ như tôi, về bản án thì đã hết hạn quản chế 3 năm
vào ngày 06.03.2013 kể từ ngày ra tù (2010) thì bất kỳ lúc nào thích
chính quyền lại cho mật vụ, công an, dân quân tự vệ, dân phòng các kiểu
các loại đến lập chốt ngay tại chiếu nghỉ cầu thang tầng 3 khu chung cư
để nhốt tôi trong nhà như ngày 5.5 vừa qua. Vì vậy, Phương Uyên và gia
đình nên chuẩn bị tinh thần cho điều này nhất là khi tên tuổi và tinh
thần của Phương Uyên được rất nhiều người biết đến và inspire họ về lòng
yêu nước và thái độ tức giận trước cái ác cái sai - cũng là một nhân
phẩm cao quý của con người. Chắc chắn cộng sản sẽ sợ ảnh hưởng của
Phương Uyên mà tìm mọi cách hạn chế và theo dõi rất sát sao, đồng thời
chính quyền cũng tự tạo cho mình một lý cớ (có vẻ) chính đáng - "như án
đã tuyên là phạt 3 năm tù cho hưởng án treo..." để bắt tù lại Phương
Uyên bất kỳ lúc nào họ muốn.
Về cách quy đổi thì theo điều 33 Bộ luật Hình sự thì "Thời gian tạm
giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày
tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù.". Ví dụ Phương Uyên đã bị bắt tạm
giam từ ngày nào thì thời gian tính thời hạn tù treo cũng là tính từ
thời điểm bắt đầu bị bắt tạm giam đó. Vì vậy, Phương Uyên còn hơn 2 năm
án tù treo, nhưng sau đó lại là thời gian chịu án quản chế. Mà quản chế
thì như tôi đã nói ở trên, có án quản chế hay không có án quản chế cũng
không quan trọng. Án quản chế với những người như chúng tôi sẽ còn mãi
cho đến khi nào: chúng tôi đầu hàng, chúng tôi từ bỏ hoặc họ sụp đổ. Mà
những trường hợp này với tôi thì đều khó xảy ra như nhau.
Về việc Phương Uyên và gia đình có nên đòi bồi thường hay không, theo
tôi đương nhiên là hoàn toàn nên. Chỉ có điều tôi mạn phép xin tư vấn
cho Phương Uyên và gia đình là nên viết một đơn kiện kêu oan toàn diện -
tức là "Tôi vô tội" và gửi đi khắp nơi có thể, các cá nhân và tổ chức,
chính quyền các nước dân chủ quan tâm tới Việt Nam và báo giới, trong và
ngoài nước. Bởi vì câu chuyện của chúng ta là đánh động lương tri con
người và kêu gọi sự quan tâm tới nền chính trị độc tài chà đạp nhân
quyền ở Việt Nam hiện nay chứ chúng ta không trong mong gì ở sự quay đầu
ăn năn sám hối của cộng sản như họ vẫn chưa từng bao giờ như vậy. Tất
nhiên trong lá đơn đó ta nêu rõ nội dung yêu cầu nhà nước Việt Nam bồi
thường danh dự và bồi thường khoảng thời gian ở tù và những tổn hại do
quảng thời gian ở tù đó gây ra, bằng những lời xin lỗi minh oan và cả
bằng vật chất.
Trên đây là một vài ý kiến của cá nhân tôi về bản án phúc thẩm của
Phương Uyên. Tôi gửi những lời thăm hỏi tốt đẹp nhất tới Phương Uyên và
gia đình. Kính chúc Phương Uyên và gia đình mọi sự tốt lành và bình an!
Tôi hoàn toàn đồng cảm và đồng ý với Phương Uyên về việc đi tù ta lại
càng mạnh mẽ và "khôn ra". Chúng ta cũng sẽ tiếp tục lên tiếng cho hai
anh em Nguyên Kha còn đang chịu cảnh tù đày. Cám ơn đài Đáp lời Sông Núi
đã dành cho tôi thời gian chia sẻ cảm nghĩ và quan điểm của mình.
No comments:
Post a Comment