Thứ Bảy, ngày 31.08.2013
Tiếp theo đây, như thường lệ vào
mỗi tối Thứ Bảy, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA
CHÚNG TA do đặc phái viên HẢI NGUYÊN phụ trách điều hợp, và đây là (phần
1) liên quan đến nền giáo dục tại Việt Nam hậu cộng sản.
Hải Nguyên: Trong hai kỳ phỏng vấn trước chúng
ta đã thảo luận vệ hiện trạng của nền giáo dục Việt Nam dưới chế độ Cộng
Sản. Trong buổi phỏng vấn ngày hôm nay, chúng tôi muốn gửi tới Giáo Sư
câu hỏi về một nền giáo dục hậu Cộng Sản. Giáo Sư có nghĩ gì về vấn đề
này hay không? Và nếu có, xin Giáo Sư cho biết đại khái theo Giáo Sư nó
sẽ như thế nào và cần phải như thế nào?
Phạm Cao Dương: Có, đương nhiên là có vì một khi
chúng ta nhận định về một vấn đề gì và khi nêu lên những nhược điểm của
nó, đương nhiên ít nhiều người ta phải nghĩ tới những sửa đổi cần phải
làm để cho nó tốt hơn. Có điều ở đây, nền giáo dục của ta dưới chế độ
Cộng Sản đã hoàn toàn không còn làm trọn được vai trò của nó nữa. Người
ta không phải là không tìm cách cải thiện nó nhưng rõ ràng càng sửa lại
càng sai vì tất cả chỉ là vá víu đến độ nhiều người đã phải dùng đến hai
chữ "phá sản" nghĩa là chỉ còn cách phải dẹp nó đi để làm một cái gì
mới xuyên qua ba chữ "hậu Cộng Sản" mà ông vừa dùng. Vậy "hậu Cộng Sản"
là gì, nếu không phải là dân chủ, là tự do, là tôn trọng quyền làm người
trong đó có quyền được hưởng và được lựa chọn một nền giáo dục cho mình
và cho con cháu mình, một cái gì hết sức bình thường. Nói cách khác
ngay ba chữ "hậu Cộng Sản" này đã hàm chứa ý nghĩa về nền giáo dục ấy
rồi. Nó là một nền giáo dục hướng vào con người với tất cả ý nghĩa về
con người, một nền giáo dục tự do, không bao cấp từ quan niệm đến tổ
chức, điều hành, từ giảng dạy đến học hỏi .. tất cả phải đến từ người
dân và hướng về người dân như là những con người trong một nước tự do,
dân chủ.
Hải Nguyên: Giáo Sư có thể nói rõ hơn một chút
được không? chẳng hạn như những tôn chỉ mà người ta thường hay nói tới
là dân tộc, nhân bản và khai phóng hay nhân bản, dân tộc và khoa học là
những tôn chỉ của nền giáo dục ở miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng
Hòa chẳng hạn?
Phạm Cao Dương: Ba nguyên tắc dân tộc, nhân bản và
khai phóng, sau này người ta thay hai chữ khai phóng bằng hai chữ khoa
học đều là những giá trị mà bất cứ một nền giáo dục của một quốc gia
tiến bộ phải hướng tới. Có điều những từ ngữ này có tính cách cô đọng
như những khẩu hiệu và mang màu sắc của triết học và lại là của Việt Nam
Cộng Hoà cũ nên có nhiều nguời dè dặt, luôn cả bác bỏ ngay từ đầu. Thực
sự thì nó chỉ là một nền giáo dục nhằm đào tạo những công tốt cho một
nước, những con người với đầy đủ tư cách của một con người, biết sống
như một con người biết hành sử như một con người, biết tôn trọng mình và
tôn trọng người khác, coi người khác y hệt như mình. Cuối cùng thì nền
giáo dục này phải nhằm giải phóng con người hay giúp con người tự giải
phóng mình ra khỏi mọi tối tăm , dốt nát, mọi nô lệ, kìm kẹp. Nói cách
khác, đó là tạo nên một con người tự do, nhân bản, tự do và nhân bản đối
với chính bản thân mình và đối với người khác. Một nền giáo dục như thế
chỉ có thể có trong một nước tự do, dân chủ mà thôi. Cũng nên biết
trong Đề Cương Văn Hóa năm 1943 của Đảng Cộng Sản, người ta cũng đề ra
ba nguyên tắc nhưng thay vì khai phóng họ dùng chữ đại chúng. Lý do là
trong một chế độ độc tài, nguyên tắc khai phóng là không thể được. Tất
cả theo họ là phải đặt trước, theo một khuôn khổ định trước, để phục vụ
một chế độ có trước. Hai chữ đại chúng rất mơ hồ và được hiểu một cách
tùy tiện, theo ý của các nhà lãnh đạo giống y hệt như hai chữ nhân dân
về sau này. Cái gì cũng là nhân dân nhưng chẳng có gì là nhân dân cả.
Nói một cách khác, những từ ngữ dùng để diễn ta ba tôn chỉ, ba nguyên
tắc cơ bản của một nền giáo dục này mới thoạt nghe người ta thấy nó mang
nặng tính cách triết học và triết học của Tây Phương, nhưng thực sự thì
nó không xa quan niệm xưa của người Việt bình thường ngày xưa là mấy:
đó là học và dạy để làm người, để nên người, con người xứng đáng với tên
gọi của nó như lời của người bán thịt ở một tỉnh nào đó ở Miền Trung mà
tôi đã nhắc tới trong buổi phỏng vần kỳ trước.
Hải Nguyên: Đấy là những nguyên tắc căn bản. Rõ
hơn nũa và thực tế hơn nữa, nền giáo dục mới đối với Việt Nam hậu Cộng
Sản phải như thế nào, thưa Giáo Sư?
Phạm Cao Dương: Tôi xin được nói ngay, đó là một nền
giáo dục toàn diện nhằm tạo dựng lại con người cho một nuớc Việt Nam bị
lệ thuộc quá nhiều vào ngoại bang trong quá khứ, bị chiến tranh tàn phá
trong suốt ba chục năm mà hậu quả kéo dài cho đến tận ngày nay, chưa
nói tới chiến tranh biên giới Tàu và xâm lấn, đô hộ Căm Bốt, bị đủ thứ
gọi là cách mạng làm xáo trộn cuộc sống, nặng nề nhất là cách mạng vô
sản trá hình do những người Cộng Sản gây ra và sau đó là một chế độ được
tạo nên và duy trì bằng tuyên truyền, dối trá, bạo lực và kìm kẹp.
Chúng ta cần tạo dựng lại những con người bình thuờng cho một xã hội
bình thường, biết quý trọng sự sống và sự sống của người khác và tất cả
những gì liên hệ tới sự sống, tới môi trường sống, trong đó có tự do, có
tình thương của gia đình, của đồng bào và rộng ra là của đồng loại, có
quê hương đất nuớc...
Con người thứ hai mà giáo dục phải nhắm tới là con người hiểu biết,
hiểu biết về mình, hiểu biết về môi truờng mình đang sống, môi trường
thiên nhiên cũng như môi trường nhân và xã hội, hiểu biết về quá khứ
cũng như hiểu biết về hiện tại và tương lai. Từ hiểu biết con người sẽ
trở thành có ý thức và trách nhiệm, trách nhiệm đối với bản thân, trách
nhiệm đối gia đình, với xã hội và rộng ra là với đồng loại. Từ hiểu biết
con người sẽ tự nhận ra những giá trị cần phải đề cao và bảo tồn, những
gì không phải là giá trị hay những gì không còn là giá trị nữa cần phải
loại bỏ.
No comments:
Post a Comment