Thứ Bảy, ngày 03.08.2013
Kính thưa quý thính giả,
Từ một phụ nữ bình thường đã trở
thành một danh tướng được đời sau kính trọng, một anh thư nước Việt đã
yêu nước thương dân, kiên cường chiến đấu, bất khuất khi bại trận và
hiên ngang trước khi bị hành hình. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt"
tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Nữ tướng Bùi Thị Xuân"
của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để tưởng nhớ đến công đức của
Bà trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, dựng lại ngọn cờ tự chủ cho
dân tộc.
Nữ tướng Bùi Thị Xuân là vợ của Thái phó Trần Quang Diệu. Bà đứng đầu
trong Tây Sơn Ngũ Phụng gồm: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan,
Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc.
Bùi Thị Xuân là người ở thôn Xuân Hòa, thuộc tổng Phú Phong, huyện
Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Bà là con gái của ông Bùi Đắc Chí. Sinh trưởng
trong một gia đình khá giả, Bùi Thị Xuân sớm được học cả văn lẫn võ.
Tương truyền, bà là người có nhan sắc, khéo tay, viết chữ đẹp, giỏi về
cưỡi ngựa bắn cung và luyện voi.
Đến khi theo học võ với Đô thống Ngô Mạnh, võ nghệ của bà thăng tiến
rất nhanh. Nhờ vậy về sau, bà giải nguy cho Trần Quang Diệu lúc ông kiệt
sức vì đấu với hổ dữ.
Từ lần gặp gỡ này, hai người trở thành vợ chồng, cùng chiến đấu dưới
ngọn cờ khởi nghĩa của đoàn quân Tây Sơn. Nhờ tinh thông văn võ, cộng
với lòng dũng cảm, Bùi Thị Xuân cùng chồng nhanh chóng trở thành những
tướng lãnh trụ cột, góp công lớn trong cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn
ngay từ buổi đầu.
Trong trận đại phá quân Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789), bà chỉ
huy đội tượng binh trong đạo Trung quân do vua Quang Trung chỉ huy.
Trong những năm tiếp theo, bà và chồng mỗi người đều cầm quân đi dẹp
loạn, trong số đó có cánh quân của hoàng thân nhà Lê là Lê Duy Chỉ cấu
kết với Tù trưởng Bảo Lạc.v.v.
Giữa lúc nhà Tây Sơn đang từng bước ổn định tình hình trong nước,
ngày 29 tháng 7 năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Kể từ đó,
vương triều Tây Sơn bắt đầu suy yếu vì vua Cảnh Thịnh còn nhỏ, lại bị
người cậu ruột là Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền.
Thời gian này, Bùi Thị Xuân được cử vào trấn thủ Quảng Nam. Đến khi
nghe tin cha con Bùi Đắc Tuyên bị tướng Võ Văn Dũng bắt giết, thì bà
cũng nhận được lệnh hồi triều.
Nghe tin nội bộ nhà Tây Sơn đang lủng củng, Nguyễn Phúc Ánh liền tung
quân tấn công Quảng Nam. Nhưng khi quân Nguyễn Phúc Ánh vừa tiến vào
thành Quảng Nam, thì bị Bùi Thị Xuân phục kích đánh bại.
Mùa xuân năm 1802, vua Cảnh Thịnh cầm quân đi chiếm lại Phú Xuân.
Trong chiến dịch này, Bùi Thị Xuân chỉ huy 5.000 quân sĩ theo hộ giá.
Thấy thế trận ngày càng bất lợi, Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh
vào lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Phúc Ánh đang cố thủ. Nguyễn Phúc Ánh cùng
tướng sĩ đã hốt hoảng chia quân vượt sông Linh Giang đánh bọc hậu mở
đường máu thoát thân. Nào ngờ vua Cảnh Thịnh thấy quân Nguyễn tràn qua
nhiều, tưởng nguy khốn liền cho lui binh. Bùi Thị Xuân khuyên vua Cảnh
Thịnh tiến quân. Nhưng khi nghe tin tướng Nguyễn Văn Trương phá tan thủy
binh Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ, tướng giữ thành đã đầu hàng, thì tinh
thần quân sĩ của bà sa sút, hốt hoảng rã ngũ... Bà phải rút lui.
Được tin đại quân Tây Sơn thua to ở Trấn Ninh, Tư đồ Vũ Văn Dũng và
Thái phó Trần Quang Diệu biết không thể giữ thành Quy Nhơn nên đã rời
thành, đem binh tượng đi đường thượng đạo qua Lào ra Nghệ An, để họp
quân với vua Cảnh Thịnh cùng lo chống giữ. Nhưng khi tới châu Quỳ Hợp,
vào đến đất Hương Sơn thì tin nghe thành Nghệ An thất thủ, Trần Quang
Diệu rút về huyện Thanh Chương. Mấy hôm sau, Trần Quang Diệu và Bùi Thị
Xuân đều bị quân nhà Nguyễn bắt sống.
Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long ra lệnh chém đầu
Trần Quang Diệu và hành hình Bùi Thị Xuân bằng cách cho voi dầy.
Công luận bình phẩm, hầu hết đều khen ngợi uy danh và tiết tháo của
nữ tướng Bùi Thị Xuân. Theo sử liệu, sở dĩ được như vậy là vì bà rất
thương dân, kiên cường chiến đấu, bất khuất khi bại trận và hiên ngang
khi bị hành hình.
*Giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần, viết:
Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử Việt Nam nói
chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và
hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh ba
chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một
dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị
Xuân đã trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng...
Cảm phục bà, một văn nhân đã làm bài thơ sau:
Vận nước đang xoay chuyển,
Quần thoa cũng vẫy vùng.
Liều thân lo cứu chúa,
Công trận quyết thay chồng.
Khảng khái khi lâm nạn,
Kiên trinh lúc khốn cùng.
Ngàn thu gương nữ liệt,
Gương sáng hãy soi chung.
Tấm lòng yêu nước thương dân của bà Bùi Thị Xuân được truyền tụng
suốt hai trăm năm qua, cho thấy thời nào, dân tộc Việt cũng có các bậc
anh thư kiệt xuất như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, các nữ tướng Hoàng Thiệu
Hoa, Phùng Thị Chính, Lê Chân, đã lừng danh trong sử sách.
Việt Thái
Và hiện nay, dưới chế độ độc tài Cộng Sản, thì hàng loạt phụ nữ đã
noi theo gương các Bà, dấn thân tranh đấu quyết đòi lại nhân quyền,
"xuống đường" biểu tình chống giặc Tàu để Việt Nam thoát khỏi hiểm họa
diệt vong. Điễn hình như Mai Thị Dung, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh
Hạnh, Tạ Phong Tần, Phạm Thanh Nghiên, Bùi Thị Minh Hằng... Và mới đây
là Nguyễn Phương Uyên với những lời tuyên bố can trường ngay trong phiên
tòa phi dân chủ của bạo quyền Cộng Sản.
Bạo quyền Cộng Sản có thể bỏ tù những phụ nữ can trường này, nhưng sẽ
không bao giờ dập tắt được ngọn lửa đấu tranh đã được họ thắp lên trong
giai đoạn đen tối của đất nước. Họ muốn đòi lại chủ quyền ở Biển Đông,
giải trừ chế độ độc tài Cộng Sản và chống ngoại xâm vì không thể để nước
Việt Nam trở thành quận huyện của Tàu Cộng!
No comments:
Post a Comment