Thursday, August 29, 2013

Đa đảng và ổn định chính trị

Thứ Tư, ngày 28.08.2013    
Các chỉ dẫn khách quan cho thấy, độc tài luôn đưa đến sự bất ổn chính trị vì nhiều thành phần dân tộc bị gạt ra ngoài chính trường và mất cơ hội đóng góp. Trong khi đó, một môi trường dân chủ đa nguyên sinh động, sáng tạo và sự cạnh tranh chân chính mới thật sự đem đến tình trạng ổn định chính trị lâu dài cho dân tộc. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Quan Điểm của LLDTCNTQ với tựa đề: "Đa đảng và ổn định chính trị " qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Để chống chế lại đòi hỏi phải có đa đảng do chính các đảng viên kỳ cựu nêu ra, Đảng CSVN, qua bài "Đôi điều với tác giả 'Viết trên giường bịnh'" đăng trên báo QĐND ngày 18 tháng 8, ký tên Trọng Đức, đã dọa rằng đa đảng có thể sẽ "diễn ra cảnh hỗn loạn, mất ổn định, đổ vỡ nền kinh tế như đã từng xảy ra ở một số nước mà người gánh chịu những hậu quả ấy, không ai khác chính là nhân dân".
Cũng trong lối lý luận này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vinh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng CSVN, trong buổi phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ về tình hinh Biển Đông đầu năm nay, đã cho rằng các cuộc biểu tình phản đối Trung Cộng "sẽ gây mất ổn định. Trong khi đó đất nước ta đang hơn bao giờ hết cần ổn định, cần sự đồng thuận để phát triển, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ."

Có đúng là biểu tình cũng như có nhiều đảng phái chính trị thì sẽ "diễn ra cảnh hỗn loạn, mất ổn định, đổ vỡ nền kinh tế" không?
Để trả lời câu hỏi này, hãy đối chiếu tình hình của Việt Nam với tình hình Thái lan, một quốc gia có địa lý và dân số khá tương đồng.
Tại Việt Nam, trong 38 năm qua, từ 1975 đến nay, đảng CSVN là tập đoàn duy nhất cai trị đất nước. Đây là sự thống trị tuyệt đối và toàn diện, vừa trong thực tế, vừa trên văn bản như điều 4 của hiến pháp Việt Nam quy định. Vì vậy tại Việt Nam hoàn toàn không đa đảng! Tương tự tại Việt Nam cũng không có biểu tình. Mãi cho đến năm 2007, trước việc Trung Công xâm lấn trắng trợn biển, đảo của Việt Nam, một vài cuộc biểu tình mới diễn ra ở Hà Nội và Sài Gòn, với số người tham dự rất khiêm nhường.
Trong khi đó, Thái Lan có rất nhiều đảng chính trị họat động công khai và bình đẳng. Vào năm 2011, Thái có 7 đảng trong liên minh cầm quyền, 5 đảng thuộc thành phần đối lập có đại biểu trong Quốc Hội và 6 đảng không có đại biểu. Còn về biểu tình, mỗi năm Thái Lan có hàng trăm cuộc biểu tình lớn nhỏ, có cuộc quy tụ trên một trăm nghìn người. Dân chúng Thái biểu tình vì nhiều lý do, hoặc đòi hỏi các quyền dân sinh, như chống tăng thuế, đòi giảm học phí, hoặc để biểu tỏ lập trường chính trị, như ủng hộ đảng phái này, phản đối chủ trương nọ.
Thế nhưng, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, lợi tức tính theo đầu người, thường gọi tắt là GDP, của Thái đã tăng từ 200 mỹ kim trong thập niên 1970 lên 5318 mỹ kim năm 2011. Còn tại Việt Nam, GDP trong những năm 1970 xấp xỉ Thái Lan, khoảng 180 mỹ kim, nhưng năm 2012 chỉ ở mức 1372 mỹ kim. Nếu dùng mức GDP làm chỉ số do mức phát triển thì Thái Lan phát triển gấp 4 lần Việt Nam, dù rằng có thể nói Thái là quốc gia đứng đầu về số lượng các cuộc biểu tình ở Đông Nam Á.
Nếu so sánh Việt Nam với Nam Hàn và Đài Loan, những quốc gia có đặc tính văn hóa tương tự Việt Nam, nhưng theo thể chế dân chủ đa đảng, thì mức phát triển của Việt Nam lại càng thua kém một trời một vực!
Sai lầm căn bản là Đảng CS đã khư khư cho rằng "ổn định" là tình trạng trong đó dân chúng răm rắp tuân theo mênh lệnh của kẻ cầm quyền, không ai có quyền biểu tỏ sự khác biệt ý kiến. Đảng cho đây là sự "đồng thuận" giữa nhân dân và nhà nước. Vì hiểu sai -- hay cố tình hiểu sai -- như vậy, đảng CS chủ trương phải làm mọi cách để bắt buộc dân chúng phục tùng Đảng. Nào là áp đặt điều 4 vào hiếp pháp để hiến định hoá ngôi vị lãnh đạo độc tôn của Đảng. Nào là thi hành những biện pháp trấn áp man rợ để đe dọa, làm nhụt chí những người có hành vi chống đối. Thậm chí dùng họng súng và nhà tù để triệt hạ những con người khí phách, kiên cường giám đứng lên phản kháng lại sự thống trị của Đảng.
Đảng CSVN đã cố tình quên rằng, trong thế kỷ 21 này, sự "ổn định" thật sự không thể duy trì bằng các biện pháp khống chế, bằng nhà tù, họng súng. Nói khác đi, ngày nay, người dân không phải tuân phục kẻ cầm quyền, mà ngược lại thành phần lãnh đạo đất nước, thể hiện bằng một đảng chính trị hay sự liên minh của nhiều đảng, do dân chúng chọn lựa qua bầu cử tự do. Nếu thành phần lãnh đạo này kém cỏi, không thực hiện được những mục tiêu đề ra, sẽ bị dân chúng thay thế bằng thành phần lãnh đạo mới theo những quy định của luật pháp. Đó là thể chế dân chủ, một thể chế vừa phù hợp với các giá trị nhân bản, vừa tạo điều kiện cho sự phát triển mọi mặt của con người.
Nói cụ thể hơn, chỉ có sự ổn định phát xuất từ thể chế dân chủ đa đảng mới giúp tạo được sự đồng thuận dân tộc, để từ đó giúp cho đất nước phát triển. Và cũng chỉ trong điều kiện này thì mới huy động được sức mạnh của toàn dân để bảo vệ hữu hiệu bờ cõi, như lịch sử dân tộc Việt đã nhiều lần minh chứng.
Vì vậy, lập luận cho rằng đa đảng sẽ dẫn đến bạo lọan như trong bài báo của tờ Quân Đội Nhân Dân chỉ là cách nói để chống chế cho sự tham quyền cố vị của Đảng CSVN. Tương tự lập luận của Ông Nguyễn Chí Vinh cho rằng biểu tình chống Trung cộng gây trở ngại cho công cuộc phát triển đất nước và không tốt cho việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chỉ là lối lý luận để chống chế cho thái độ yếu hèn của nhà cầm quyền trước sự lấn lướt của Bắc triều.
Các lập luận này một lần nữa đã chứng minh thành phần lãnh đạo Đảng CSVN chỉ là một tập đoàn tham quyền cố vị, vừa hèn với giặc mà lại ác với dân"
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment