Thứ Năm, ngày 29.08.2013
Điều mà người dân hiện nay cần phải
biết rõ, là quyền tự do thành lập hội hay tổ chức, đảng phái của người
dân đều không bị cấm, nhưng CSVN dùng bạo lực cách mạng để tước đoạt,
cấm đoán. Giờ đây có lẽ gió đã đổi chiều. Qua tiết mục Người Dân Tự
Quyết tuần này, mời quý thính giả theo dõi bài viết: NGƯỜI DÂN LẬP ĐẢNG
PHÁI CHÍNH TRỊ - MỘT BƯỚC ĐẤU TRANH TIẾP NỐI của Lý Trần Công sẽ được
Hải Nguyên trình bày để tiếp nối chương trình tối nay
Điều 69 Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện hành quy định như sau:
"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được
thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp
luật."
Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản
và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính
quyền. Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, nó thể hiện ý
chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng tồn tại ở trong hoặc
ngoài nhà nước đó, nhưng vẫn là dân thuộc nhà nước đó. Gía trị pháp lý
cao nhất của một bản Hiến pháp mang tính dân chủ, có lẽ là kết quả của
việc trưng cầu dân ý với sự tham gia của các tầng lớp xã hội, và quyền
sửa đổi hiến pháp cũng thuộc về nhân dân chứ không thuộc về bất cứ tổ
chức, hay đảng phái đang cầm quyền nào. Theo những lý lẽ trên chúng ta
có thể thấy hiến pháp là bộ luật cao nhất, còn pháp luật chỉ được ban
hành theo những gì đã được quy định trong hiến pháp và không được vượt
ra ngoài phạm vi của hiến pháp.
Đối với các thể chế độc tài toàn trị cộng sản, thì hiến pháp, hay
luật pháp chỉ được xem như là công cụ phục vụ cho lợi ích hoặc các tham
vọng chính trị của chế độ, mà người dân rõ ràng chính là những kẻ bị
trị, bị tước bỏ mọi phản kháng chính đáng với kẻ cầm quyền. CSVN từ khi
tiếm quyền lãnh đạo đất nước bằng các phương thức thủ đoạn nham hiểm,
chưa bao giờ biết nghĩ đến quyền lợi dân tộc và tương lai quốc gia.
Trong thời gian Hồ Chí Minh cầm quyền, ông ta cũng cho phép hai đảng
khác cùng hoạt động trong vòng kềm tỏa. Đó là các đảng gồm: Đảng Xã Hội
thành lập ngày 22 tháng 7 năm 1946 và Đảng Dân Chủ thành lập ngày 30
tháng 6 năm 1944. Hai đảng này tuy hoạt động bên cạnh đảng Lao Động mà
thực chất là một tên khác của đảng cộng sản, do Hồ Chí Minh lãnh đạo,
vẫn không thể phát huy hết vai trò hoạt động độc lập mà một chính đảng
cần có. Thay vào đó hai đảng này bị Hồ Chí Minh khống chế, và biến thành
vật trang trí để che dấu cho một chế độ độc tài toàn trị, trước mắt
người dân và cộng đồng quốc tế. Đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội như hai bóng
ma vật vờ, sống thoi thóp và bị đảng Cộng sản kết liễu số phận bằng
cách giải tán vào năm 1988. Từ đó trở đi trên vũ đài chính trị, CSVN
đóng vai kép "độc" trong tấn tuồng bi hài có tên: " Xây con đường Xã Hội
Chủ Nghĩa, để đến thiên đường cộng sản". Ngày nay thì ai cũng thấy quan
chức CSVN đang sống phè phỡn, sung túc vật chất như ở trên thiên đường,
còn nhân dân thì đang sống dưới đáy địa ngục trần gian.
Năm 1991 sau khi Trung cộng quăng phao cứu hộ sinh mạng chính trị cho
CSVN, thì năm 1992, CSVN tái xác quyết thể chế độc tài toàn trị có từ
bản hiến pháp năm 1980, với điều 4 , tiếp tục cho phép đảng CSVN được
độc quyền lãnh đạo đất nước muôn năm. Đảo lộn giá trị pháp lý khi đặt
hiến pháp phải phục tùng pháp luật xã hội chủ nghĩa, để cho phép lãnh
đạo CSVN tha hồ làm mưa làm gió trên số phận hàng triệu người dân. Đơn
cử điều 69 của hiến pháp sau khi nói đến các quyền của người dân như:
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền
hội họp, lập hội, biểu tình, và sau đó là câu: " theo quy định của pháp
luật". Tuy nhiên, CSVN lợi dụng điểm này để tùy tiện ban hành văn bản
pháp luật trái với tinh thần của bản hiến pháp, để thủ tiêu các quyền
căn bản mà Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị, của Đại
hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua năm 1966. Có hiệu lực ngày
23/3/1976, và CSVN đã tham gia ký kết ngày 24/9/1982. Điều đó chứng tỏ
rằng CSVN là những kẻ lãnh đạo vô trách nhiệm, nếu không muốn nói là một
nhà nước bất hảo.
Những dấu hiệu gần đây cho thấy, có những tiếng nói đang là đảng viên
kỳ cựu của CSVN, muốn tiến đến thành lập một chính đảng mới có tên là
đảng Dân Chủ Xã Hội làm đối trọng với đảng CSVN. Một điều bình thường
với một quốc gia có một nền Dân chủ pháp trị đa nguyên, nhưng lại là một
điều nguy hiểm trong một thể chế độc tài toàn trị, khi mà ở đó, những
cạm bẫy luôn được chính quyền giăng ra để hãm hại những mầm mống chống
đối. Điều này lý giải tại sao người dân trở nên cảnh giác và vô cảm,
trước những gì liên quan không chỉ là lãnh vực chính trị mà cả các vấn
đề xã hội. Chính vì thế, trong tiến trình đấu tranh dân chủ cho Việt Nam
hiện nay, sự xuất hiện một đảng chính trị mới đang gây được sự chú tâm
theo dõi một cách thận trọng của quảng đại quần chúng trong và ngoài
nước. Vẫn còn quá sớm để đưa ra bất cứ kết luận nào đối với việc thành
lập đảng Dân Chủ Xã Hội, vì mọi việc vẫn còn đang ở điểm khởi đầu và
chưa rõ ràng. Nhưng dù sao vấn đề này đang gây ra sự thách thức vị thế
độc quyền lãnh đạo của CSVN. Những ngôn từ phản bác hết sức lúng túng,
lập luận yếu ớt từ báo chí lề đảng chứng tỏ CSVN đang lo sợ. Khơi dòng
cho nước chảy, khi một đảng đối lập được hình thành phục vụ hoàn toàn
cho quyền lợi của quốc gia dân tộc, thì sẽ là bước đệm cho nhiều đảng
phái khác xuất hiện. Tuy vậy sự cảnh giác sẽ không bao giờ thừa. Người
dân không vì khô mưa nắng hạn khao khát dân chủ, mà mất cảnh giác với
những âm mưu của cộng sản trong việc tham gia hay thành lập đảng mới.
Hiến pháp và luật pháp cộng sản không có điều nào cấm thành lập hội
nhóm, đảng phái. Hiểu được điều đó để chúng ta chuẩn bị tâm thế cho việc
thành lập, hay tham gia đảng phái trong thời gian thích hợp. Xuất phát
từ ý nguyện của lòng dân, chính là sức mạnh và thước đo cho những đảng
phái mới xuất hiện. Vì ý dân là ý trời. Những đảng phái nào chủ trương
nương theo cộng sản, để được chia quyền, chia tiền, thì chắc chắn sẽ bị
người dân đào thải theo bánh xe lịch sử.
Lý Trần Công
29/8/2013.
No comments:
Post a Comment