Thursday, August 29, 2013

Ăn mày bệnh viện - Không có tiền thì sẽ hy sinh!

Thứ Năm, ngày 29.08.2013    
Ở Việt Nam, có hai loại “nhân” có thể không chết ngay tức thì, nếu chỉ trông vào “chế độ” mà không có sự giúp đỡ về vật chất của gia đình là tù nhân và bệnh nhân, nhưng họ sẽ chết từ từ.Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trích đoạn bài viết của Phương Bích với tựa đề: "Ăn Mày Bệnh Viện – Không Có Tiền Thì Sẽ Hy Sinh!" sẽ được Tâm Anh trình bày sau đây.
Từ ăn mày là chỉ kẻ đi ăn xin thiên hạ. Nhưng ăn mày ở bệnh viện lại là kẻ xin được cho thiên hạ, xin được hầu thiên hạ. May phúc người ta nhận cho còn có cơ hội sống. Nếu nhận rồi mà vẫn chết thì là tại số, tại tuổi già, tại bệnh nan y, vô phương cứu chữa. Còn khi người ta không nhận, bảo việc khám chữa bệnh là của thày thuốc thì phải coi chừng.

Nghe chị bộ trưởng Tiến nói, bệnh nhân làm hư thày thuốc bằng phong bì, nói thực chả ai dám liều lĩnh tin vào lời chị ấy nói. Nếu không có phong bì, thì chỉ nội lo không, bệnh nhân cũng đủ ốm thêm rồi. Một chị người nhà tôi, vốn làm trong bệnh viện 103, là người của bệnh viện hẳn hoi mà khi mổ ở đấy cũng rải phong bì từ cô hộ lý trở lên. Mà đưa khi phong bì cũng nào có được đàng hoàng? Hoặc là dấm dúi, hoặc là nét mặt cộng với lời nói cũng đầy vẻ nịnh nọt. Chả nịnh? Nhờ người ta cứu chữa cho mình (cho dù cũng chả phải nhờ suông) lại chả phải nịnh?
Bấy lâu nay tôi cứ băn khoăn, ở Việt Nam, có hai loại "nhân" có thể không chết ngay tức thì, nếu chỉ trông vào "chế độ" mà không có sự giúp đỡ về vật chất của gia đình là tù nhân và bệnh nhân, nhưng họ sẽ chết từ từ. Biết rằng con người ta khó sống được bằng cái "chế độ" ăn ở của tù nhân, chế độ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm của bệnh nhân, nên người thân phải tìm mọi cách để giúp họ sống sót.
Thế người nghèo, không có tiền thì làm sao?
Một người trả lời: thì sẽ hy sinh!
***
Người ta chỉ khi đứt tay mới thấy đau. Thấy thiên hạ đau đớn, khổ sở, có cảm thông cũng chỉ được phần nào. Cho đến khi nếm trải, ta mới thấy thực sự thấm thía. Những ngày vạ vật ở bệnh viện, tôi nghĩ thế này mình đã thấy khổ, vậy những người nghèo không có tiền còn thê thảm đến đâu. Có lần tôi đi thăm người bệnh ở khoa u bướu bệnh viện Bạch Mai. Mùa đông, trời lại mưa. Hành lang chỉ chừa hai hàng gạch (40cm) làm lối đi, lép nhép nước mưa đen sì. Hai bên lối đi không còn một chỗ trống, không chỉ người nhà mà cả người bệnh trải những tấm bìa carton lên sàn hành lang để nằm. Thật kinh khủng!
***
Sáng từ 8 đến 11 giờ, chiều từ 1 đến 4 giờ là giờ của thày thuốc với bệnh nhân. Trong quãng thời gian đó, người nhà phải ra ngoài. Xen kẽ 2 giờ chiều gọi người nhà vào lau rửa cho bệnh nhân. Đến 3 giờ lại đuổi ra. 4 giờ lại vào. 8 giờ lại đuổi ra để khóa cửa. Mỗi bệnh chỉ được một người nhà ở lại trông. Người nhà bệnh nhân không được nằm, chỉ ngồi trên 1 cái ghế của bệnh viện, không được đem theo ghế ở nhà đến. Nếu người nhà cứ đi đi về về, thì chỉ nội đi lại không cũng hết ngày. Ở lại trong bệnh viện cả ngày thì ngồi ở đâu?
Về cũng không được, phải túc trực ở ngoài để nếu bệnh nhân có vấn đề gì, thày thuốc còn gọi vào! Đôi khi được gọi vào chỉ là bệnh nhân vô thức ị ra giường, người nhà "được" vào dọn.
Thế là cứ vạ vật bất cứ chỗ nào. Nếu chỗ ngồi là ghế đá thì cũng chẳng đủ cho tất cả người nhà và người giúp việc vào chăm sóc bệnh nhân. Vậy là người ta ngồi phệt ở sảnh các tầng. Sáng ra các bác sĩ giao ban về, áo blu trắng tinh tươm, cười nói ồn ào ngang qua đám người nhà ngồi vạ vật như lũ ăn mày ở các sảnh. Không biết các thày thuốc cao quý nghĩ gì, nhưng sau đó mấy tay bảo vệ vào đuổi mọi người ra ngoài. Lại lũ lĩ xách đồ lề lếch thếch ra ngoài, lê lết ở các ghế đá đặt ngay bên cạnh các thùng rác. Đến giờ được gọi vào chăm sóc bệnh nhân lại ùa vào, rối rít tít mù cho ăn, cho ị, lau chùi cho bệnh nhân. Xong đến giờ lại lũ lĩ kéo nhau ra cho bác sĩ khóa cửa. Bệnh nhân nào ị không đúng giờ, người nhà cũng được đặc cách cho vào dọn trong giờ cấm. Không biết bệnh nhân nào độc thân, không có người nhà thì bệnh viện xử lý thế nào? Không lẽ để họ ngập trong phân?
Rõ ràng chuyện ở các bệnh viện hiện nay, lực lượng chăm sóc bệnh nhân là không thể thiếu. Như vậy ngoài đội ngũ thày thuốc, bệnh nhân, bệnh viện còn gánh thêm một lượng người đáng kể đi theo chăm sóc bệnh nhân. Nhưng người ta chỉ biết sử dụng họ như những lao công, mà không cần biết làm thế nào để họ có đủ sức để chăm sóc bệnh nhân. Dường như đó là việc của bệnh nhân. Và dường như họ cũng quên mất một điều, nguồn nhiễm bệnh từ chính những người chăm sóc bệnh nhân không chuyên này cũng khá cao, khi họ thường lê la nằm ngồi ở những khu vực không đảm bảo vệ sinh ở trong bệnh viện, rồi lại vào chăm sóc bệnh nhân như thường. Khả năng lây nhiễm cũng không loại trừ, việc các bác sĩ và điều dưỡng viên khi khám và điều trị cho tất cả các bệnh nhân, cũng chỉ dùng cùng một đôi găng tay.
Vậy mới nói, người nào không có tiền thì sẽ hy sinh! Và bệnh viện thì vô can! Ở nước ta, dường như chưa một bệnh viện nào phải chịu trách nhiệm, về một cái chết oan nào.
Phương Bích

No comments:

Post a Comment