KÝ GIẢ THẾ GIỚI KÊU GỌI CSVN TRẢ TỰ DO CHO 35 BLOGGER
Tổ chức Phóng viên Không biên giới, một tổ chức qui tụ nhiều ký giả
nổi tiếng trên thế giới, vừa phổ biến một thỉnh nguyện thư yêu cầu bạo
quyền CSVN trả tự do cho 35 nhà báo mạng đang bị cầm tù.
Thỉnh nguyện thư đã liệt kê tên tuổi của 35 blogger này, với ngày
tháng bị bắt giữ hay bản án tù. Trong số đó có Điếu Cày – Nguyễn Văn
Hải, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào
và Luật sư Lê Quốc Quân.
Thỉnh nguyện thư cũng tái khẳng định rằng, VN là nơi đàn áp giới báo
mạng một cách thô bạo đứng thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau Trung Cộng. Tổ
chức Phóng viên Không biên giới kêu gọi mọi người trên thế giới hãy
cùng đấu tranh chống lại hệ thống kiểm duyệt internet tại VN và hãy phổ
biến rộng rãi thỉnh nguyện thư này.
THÊM NHỮNG ĐỀ NGHỊ QUÁI DỊ CỦA GIỚI QUAN CHỨC CSVN
Trong khi người dân VN chưa hết ngỡ ngàng vì hàng loạt luật lệ và qui
định gây hỗn loạn đời sống và xã hội, các quan chức CSVN lại tiếp tục
đưa ra những đề nghị vô cùng quái dị và ngớ ngẩn.
Trong mấy ngày qua, một thông tư của bộ giáo dục VN đã tạo ra một làn
sóng châm biếm trong dư luận khi đề nghị giảm điểm trúng tuyển vào đại
học cho những bà mẹ có con cháu là liệt sĩ của đảng, được gọi là những
"bà mẹ anh hùng". Không rõ là trong mấy năm qua có bao nhiêu bà mẹ loại
này đi thi đại học hay đang học đại học, nhưng qui định này đang trở
thành một đề tài châm biếm trên nhiều tờ báo lề đảng lẫn báo lề dân.
Một đề nghị quái dị khác đang gây sôi nổi là của chi cục Kế hoạch hóa
Gia đình ở Sài Gòn, nội dung bắt buộc giới phụ nữ phải đi khám sức khỏe
trước khi kết hôn, và không được có thai khi hơn 33 tuổi. Hơn thế nữa,
các phụ nữ nếu muốn thụ tinh nhân tạo thì không được mang thai quá 2
lần.
Trong khi đó thì bộ công an cũng đang lấy ý kiến về mức phạt vạ trong
lãnh vực hôn nhân và gia đình. Chẳng hạn như vi phạm qui định kết hôn,
bỏ đói con cái, không chăm sóc cha mẹ già. Mức phạt sẽ lên đến vài triệu
đồng và người ấn định mức phạt sẽ là trưởng công an xã, phường.
NGÀNH DỆT MAY HOA KỲ LO NGẠI VỀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VỚI VN
Giới doanh gia trong ngành dệt may Hoa Kỳ đang quan ngại về việc
chính phủ Barack Obama thảo luận với VN về hiệp định thương mại xuyên
Thái bình dương, được gọi tắt là TPP.
Trong cuộc điều trần tại hạ viện Mỹ vào hôm qua, đại diện Hiệp hội
Dệt May Hoa Kỳ tuyên bố là hiệp định với VN sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với
500 ngàn công nhân Mỹ trong ngành này. Hiệp hội này lo ngại là Trung
Cộng sẽ lợi dụng hạn ngạch ưu đãi mà Mỹ cấp cho VN để chuyển hàng dệt
may của họ sang VN, sau đó đóng nhãn và nhập vào nước Mỹ.
Chính vì thế, hiệp hội này kêu gọi quốc hội và chính phủ Mỹ phải cam
đoan là có biện pháp kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm rằng chỉ có những
hàng hóa sản xuất tại quốc gia đối tác của Mỹ mới được nhập vào thị
trường Mỹ. Cần nói thêm là hiện có 11 quốc gia đang thảo luận hiệp định
TPP là Hoa Kỳ, Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand,
Peru, Singapore và Việt Nam.
MỸ - HOA THẢO LUẬN VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG
Giới ngoại giao Hoa Kỳ và Trung Cộng đã mở cuộc đối thoại thường niên
tại Washington về lãnh vực an ninh và kinh tế, đặc biệt là tình hình
tại Biển Đông trong bối cảnh Trung Cộng bành trướng lực lượng hải quân
và gia tăng tuần tiễu trong vùng biển đang tranh chấp của nhiều nước.
Việc hạ giảm các tranh chấp này là một nghị trình thảo luận quan
trọng trong cuộc đối thoại này, được diễn ra sau cuộc họp vào tuần trước
giữa hai ngoại trưởng Mỹ và Trung Cộng tại hội nghị ASEAN ở Brunei. Mặc
dù chính phủ Mỹ tuyên bố là họ sẽ không ngả về bên nào nhưng giới quân
sự lẫn dân sự Mỹ đều tin rằng, một cuộc xung đột bằng quân sự ở Biển
Đông sẽ gây thiệt hại nặng nề quyền lợi của nước Mỹ, đặc biệt là tuyến
đường vận tải quan trọng tại Á châu.
CÁC DÂN BIỂU MỸ ĐE DỌA NGƯNG VIỆN TRỢ CHO CAMPUCHIA
Một số dân biểu Mỹ đề nghị chính phủ Obama nên cắt viện trợ cho
Campuchia nếu đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen tiếp tục gây trở ngại
cho phe đối lập trong cuộc tranh cử vào ngày 28/7 tới đây.
Cần nhắc lại là đảng Nhân dân của ông Hun Sen đã cầm quyền ở
Campuchia suốt 28 năm qua và đang bị tố cáo là gây khó khăn cho những
người bất đồng chính kiến để họ không ra tranh cử. Điển hình là thủ lãnh
đối lập Sam Rainsy đang phải lưu vong ở Pháp vì có nguy cơ bị câu lưu
về nhiều tội danh.
Trong khi đó thì đảo quốc Tonga, một tiểu quốc ở nam Thái Bình Dương,
vừa bị New Zealand đình chỉ các khoản viện trợ sau khi nước này mua một
số máy bay dân sự Trung Quốc bị cho là thiếu tiêu chuẩn về an toàn. Đây
là loại máy bay MA60 đang được các hãng máy bay Đông Nam Á xử dụng,
nhưng trong thời gian qua đã thường xuyên xảy ra tai nạn.
AI CẬP RA LỆNH BẮT GIỮ GIỚI LÃNH ĐẠO TỔ CHỨC HUYNH ĐỆ HỒI GIÁO
Công tố viện Ai Cập đã ra lệnh bắt giữ một số nhà lãnh đạo tổ chức
Huynh đệ Hồi giáo, với cáo buộc là những người này đã kích động vụ bạo
động trước bộ tư lệnh Vệ binh Cộng hòa vào hôm thứ Hai, khiến 50 người
thiệt mạng.
Lệnh này được đưa ra trong lúc thủ tướng lâm thời Ai Cập có ý định
mời gọi một số thành viên tổ chức này tham gia vào nội các của ông.
Trong số những người bị ra lệnh bắt giữ, có nhà lãnh đạo tối cao của tổ
chức Huynh đệ Hồi giáo, ông Mohammed Badie, cùng với người phụ tá cho
ông này với tội danh "mưu phản".
No comments:
Post a Comment