Chủ nhật ngày 28.07.2013
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi
chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với
các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng
máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do
Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian và Hải Nguyên
Kính thưa quí thính giả, thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm, thưa các bạn công an, bộ đội,
Tác phẩm "Tướng về hưu" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được công bố vào
cuối những năm 1980 thế kỷ trước đã gây ra tiếng vang lớn trong dư luận
khi đó. Tác phẩm đã khắc họa một xã hội sau chiến thắng lẫy lừng về
quân sự nhưng lại chất đầy những nhiễu nhương, tàn bạo, ô trọc và vô
luân khiến cho nhân vật chính là ông Tướng về hưu phải thất vọng rồi đi
đến tuyệt vọng cùng cực bằng cách chọn lấy cái chết.
Đã gần 30 năm qua, sau khi "Tướng về hưu" ra mắt, nhưng nhìn vào xã
hội hôm nay chúng ta thấy sự nhiễu nhương, tàn bạo, ô trọc và vô luân
không những không giảm mà còn ngày càng nhiều hơn và trầm trọng hơn.
Ngay vào đầu câu chuyện, người kể chuyện – là con ông "Tướng về hưu"
đã tiết lộ cho độc giả biết nhờ chức tước cao nên gia đình riêng của ông
"Tướng về hưu" đã được hưởng một đặc lợi hết sức lớn: "Tôi được học
hành, được du ngoại. Cả những cơ sở vật chất gia đình cũng do cha tôi lo
liệu. Ngôi nhà tôi ở ven nội, xây dựng trước khi cha tôi về hưu tám
năm. Đấy là một biệt thự đẹp nhưng khả năng bất tiện, tôi đã xây cất dựa
theo thiết kế của một chuyên gia kiến trúc trứ danh, bạn của cha
tôi..." Ngày hôm nay nếu chỉ trông vào những cơ ngơi, tài sản nổi của
một vài lãnh đạo như tay Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Quốc
phòng hay nhìn vào ngôi nhà thờ họ đồ sộ của viên Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng chúng ta có thể suy ra những đặc lợi, đặc quyền của giới lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là vô cùng lớn, không thể hình dung
nổi.
Khi trở về sống với gia đình vị "Tướng về hưu" đã dần dần phát hiện
ra những đồi bại, tàn ác, ngang trái của xã hội ngay trong chính gia
đình mình.
Chúng ta hãy nghe đoạn văn này: "Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản,
công việc là nạo phá thai. Hàng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho
vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn. Thực ra điều này
tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì. Cha tôi dắt tôi xuống
bếp chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu, thấy có cả
những ngón tay nhỏ hồng hồng. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc. Ông cầm phích
đá ném vào đàn chó béc-giê: 'Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này.'"
Đó là sự tàn bạo của thiên đường miền Bắc xã hội chủ nghĩa được đưa
lên văn học cách đây gần 30 năm. Còn ngày hôm nay, những chuyện tương tự
như thế không cần phải tìm trong các tác phẩm văn học nữa. Ngày hôm nay
khắp từ Bắc tới Nam chuyện bán rau còn thấm đầy thuốc diệt sâu, thực
phẩm ngấm đầy chất độc vẫn bán cho người tiêu dùng hay xác các thai nhi
bị quẳng ra bãi rác đã trở thành chuyện thường ngày.
Đạo đức gia đình bị băng hoại cũng là một đồi bại làm cho vị "Tướng
về hưu" đau đớn: "Một hôm bận trực cơ quan nên tôi về muộn. Cha tôi đón
cổng, ông bảo: 'Thằng Khổng sang chơi từ chập tối. Nó với vợ mày cứ rúc
rích với nhau, bây giờ chưa về, chướng quá'. Tôi bảo:'Cha đi ngủ đi, để ý
làm gì?" Cha tôi lắc đầu, bỏ đi lên gác. Tôi dắt xe máy ra đường, phóng
lang thang khắp phố cho kỳ hết xăng. Tôi dắt xe đến ngồi ở một góc vườn
hoa như một tên du thủ du thực. Có một cô gái mặt đánh phấn đi ngang
qua hỏi:'Ông anh ơi, có đi chơi không?' Tôi lắc đầu."
Nhưng những băng hoại đó vẫn không thể so được với hiện thực của hôm
nay. Phụ nữ Việt Nam đã trở thành nổi tiếng trong lĩnh vực bán dâm tại
nhiều nước hay tình trạng sống thác loạn như thú vật của giới trẻ ở một
số thành phố lớn tại Việt Nam đã không còn làm dư luận bàng hoàng nữa.
Ba mươi năm qua, sự suy đồi đạo đức trong gia đình, ngoài xã hội không
chỉ trầm trọng mà còn trở thành sự bình thường trong đời sống.
Nhưng vị "Tướng về hưu" cũng tự bộc lộ là một người mộc mạc nhưng ngây thơ, một tướng lãnh can trường nhưng thiếu hiểu biết.
Câu chuyện tả rằng "Tướng về hưu" thường rất sốt sắng viết thư giúp
tìm việc cho nhiều người bằng tình thân quen trong quá khứ: "Cha tôi
nghỉ hưu nhưng khách khứa nhiều. Điều đó làm tôi ngạc nhiên, thậm chí
thích thú. Vợ tôi bảo: 'Đừng mừng...họ chỉ nhờ vả. Cha ạ, cha đừng làm
gì quá sức'. Cha tôi cười: 'Chẳng có gì đâu...cha chỉ viết thư...Thí
dụ:"Thân gửi N, tư lệnh quân khu...tôi viết thư này cho cậu... Nhân đây,
M. là người tôi quen, muốn được công tác dưới quyền của cậu." Với suy
nghĩ vô cùng đơn giản như thế vô tình ông "Tướng về hưu" đã tích cực
tiếp tay thúc đẩy, dung túng cho nạn mua quan, bán chức mà ngày nay đã
tràn ngập hệ thống công quyền của Việt Nam.
Sự hồn nhiên của ông "Tướng về hưu" cũng vô tình cho ta biết giới
lãnh đạo đảng Cộng sản không hề lo lắng gì tới sinh mạng của binh lính,
dân thường trong cuộc nội chiến do họ khởi xướng: "Ông Bổng bảo: 'Tôi đi
xem giờ. Bà cụ được một cái nhập mộ, hai cái trùng tang, một cái thiên
di, có yểm bùa không?' Cha tôi bảo:'Bùa cái con khỉ. Trong đời mình, tôi
chôn ba nghìn người chẳng có người nào thế này.'" Câu trả lời ráo hoảnh
đã làm lộ ra một ông "Tướng về hưu" mộc mạc vô thần đến mức tàn nhẫn
trước cái chết của hàng ngàn sinh linh.
Nhưng ở cuối chuyện ông "Tướng về hưu" đã thể hiện một sự nhận thức
lại về cuộc chiến mà ông đã tham gia với một bầu nhiệt huyết nóng bỏng
và lòng tin vào chính nghĩa. Khi chuẩn bị rời nhà cho một chuyến đi xa,
cô cháu gái đã hỏi đùa ông "Tướng về hưu" rằng: "Đường ra trận mùa này
đẹp lắm có phải không ông?" Chúng ta ngỡ tưởng ông "Tướng về hưu" sẽ
phải mỉm cười với cô cháu gái, nhưng không, ông nói: "Mẹ mày! Láo!"
Đó cũng là câu nói cuối cùng của "Tướng về hưu" để lại cho gia đình,
cho xã hội và cho cái chế độ mà ông đã khao khát đóng góp tạo dựng.
Sự thức tỉnh của "Tướng về hưu" trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy
Thiệp tuy muộn mằn, tuyệt vọng nhưng ánh lên những tia sáng lương tâm
cùng sự dũng cảm, quyết đoán dứt khoát chia tay, gạt bỏ những ánh hào
quang giả tạo, dối lừa. Những ánh sáng như thế đang rất cần cho đất nước
hôm nay.
Tiến Văn
(28/7/2013)
No comments:
Post a Comment