Sunday, July 14, 2013

Chuyên mục: Nói Với Người Cộng Sản 14.07.2013

Chủ Nhật, ngày 14.07.2013    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua giọng đọc của Dian
Kính thưa quí thính giả, thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm, thưa các bạn công an, bộ đội,
Trong một chuyên mục trước đây chúng tôi đã chứng minh tính chất mỏng manh, dễ vỡ của chế độ độc tài hiện nay tại Việt Nam một khi những người vô danh và ít quyền lực như các bạn và quí vị thay đổi nhận thức, không chịu im lặng.

Bên cạnh đó, tính chất dễ vỡ, dễ sụp đổ của chế độ độc tài toàn trị Việt Nam còn đến từ chính bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam: đó là một đảng chính trị không có tính người.
Chúng ta hãy xem lại một số sự kiện lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam và một số Đảng Cộng sản tiêu biểu khác trên thế giới.
Trước tiên, tính chất bất nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có xuất phát điểm từ ngay nguồn cội của nó là Chủ thuyết về Cộng sản Chủ nghĩa của Mác-Ăng-ghen. Theo chủ thuyết này thì những người được gọi là vô sản sẽ tiêu diệt, "đào mồ chôn" chủ nghĩa tư bản và những người được gọi là tư sản. Nghĩa là chủ nghĩa cộng sản đã kêu gọi thực hiện một lý tưởng bằng một chính sách giết người, xóa sổ một giai cấp, một lý tưởng khác.
Đó là phương diện lý thuyết có tính nền tảng của Chủ nghĩa Cộng sản do Mác – Ăng-ghen khởi xướng.
Trên thực tế, đại đa số các Đảng Cộng sản trên thế giới và tại Việt Nam đều răm rắp thực hiện phương châm tàn sát con người mỗi khi họ thấy cần để thực hiện, duy trì lý tưởng, mục đích của họ.
Những cuộc trấn áp, tàn sát, cướp bóc kinh hoàng những nông dân giàu có ở nông thôn, giới buôn bán tại các thành phố hay giới trí thức ở Nga, Liên-xô, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên,... đã là những sự kiện thuộc loại đau thương nhất của nhân loại trong thế kỷ 20.
Nhưng các Đảng Cộng sản không chỉ bất nhân, dã man với những người thuộc giai cấp tư sản, địa chủ hay trí thức. Những người cộng sản thuộc giới lãnh đạo còn bất nhân, dã man với chính những đồng đội, những đồng chí thân thiết nhất của họ.
Hẳn quí vị và các bạn không thể quên được những cuộc thanh trừng tàn ác nhằm loại bỏ những đồng đội thân tín nhất của Stalin và Mao Trạch Đông tại Liên Xô và Trung Quốc trước đây. Những hành động độc ác ghê tởm như thế đã được ghi lại trong những tài liệu, hồi ký của chính những người cộng sản tại hai quốc gia cộng sản lớn nhất đó.
Còn ở Việt Nam thì sao? Cho dù mọi thể chế cộng sản nói chung và thể chế cộng sản ở Việt Nam luôn cố gắng che giấu, bưng bít mọi diễn biến trong nội bộ của chúng, nhưng những gì đã bị tiết lộ cũng cho thấy giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam không kém ác độc giữa họ với nhau.
Ngay từ buổi đầu giành giật quyền lực vào năm 1945, Hồ Chí Minh đã có tuyên bố sắt máu khét tiếng: "Bất cứ ai không đi theo con đường do tôi đã vạch thì đều bị tiêu diệt." Đó là câu trả lời của Hồ Chí Minh sau sự kiện Ông Tạ Thu Thâu - lãnh đạo của phe cộng sản Việt Nam đệ tứ không cùng quan điểm với Hồ Chí Minh - bị ám sát.
Tiếp sau đó, Hồ Chí Minh và những lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bật đèn xanh cho cấp dưới hành quyết, bách hại, gạt bỏ cả những ân nhân lớn nhất của họ như bà Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long, ông bà Trịnh Văn Bô, cha con thư ký riêng Vũ Đình Huỳnh, Tướng Đặng Kim Giang, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, các trí thức lớn như Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, vân vân....
Nhưng như các cụ nhà ta đã nói "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy."
Chính Hồ Chí Minh và các cộng sự thân tín của ông ta sau này lại trở thành những cừu thù, trở thành con tin của nhau trong cuộc giành giật quyền lực.
Ông Đặng Vũ Kỳ, con trai Đặng Xuân Khu tức Trường Chinh, đã kể lại một lần Hồ Chí Minh đã thoát chết trong gang tấc khi máy bay chở Hồ Chí Minh buộc phải hạ cánh xuống phi trường Gia Lâm trong đêm tối sau khi chờ đợi rất lâu nhưng không được nhân viên phi trường hướng dẫn tiếp đất. Nhưng khi máy bay vừa tiếp đất an toàn thì Lê Duẩn, Lê Đức Thọ cùng một số nhân vật khác đã ùa ra chào đón Hồ Chí Minh.
Càng về sau, những đấu đá, hạ bệ, sỉ nhục và thanh trừng nhau trong giới lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam càng lộ rõ hơn như việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải cắp cặp đi lãnh đạo phụ nữ đặt vòng tránh thai, những cái chết đột tử trong lúc sức khỏe và tiềm năng đều rất tốt của Tướng Hoàng Văn Thái, Tướng Lê Trọng Tấn hay gần đây là những cái chết hết sức nghi vấn của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Ủy viên Bộ Chính trị còn trẻ Hồ Đức Việt,...
Có thể vẫn có quí vị, quí bạn cảm thấy khó tin, một đảng chính trị luôn tự cho "là đạo đức là văn minh" lại xảy ra những chuyện đồi bại, thấp hèn đến thế.
Vâng, chúng tôi rất hoan nghênh sự nghi ngờ của của quí vị, quí bạn trước khi đặt lòng tin vào kết luận. Ở đây chúng tôi chỉ xin kể thêm hai sự kiện:
1. Sau khi ông Lê Đức Thọ chết, theo tiêu chuẩn, di hài của ông được chôn cất tại nghĩa trang quốc gia Mai Dịch. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngôi mộ của ông liên tục bị bôi bẩn bằng những chất xú uế. Sau nhiều lần, gia đình đã phải âm thầm di chuyển phần mộ của ông Lê Đức Thọ ra khỏi nghĩa trang Mai Dịch đưa đi chôn ở nơi khác.
2. Theo di chúc, Hồ Chí Minh muốn được hỏa thiêu và đặt cho tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Nhưng như đã thấy, di hài của Hồ Chí Minh đã bị quàn tại Lăng hoặc tại một nơi đâu chưa rõ. Theo đức tin của người phương Đông thì việc di chúc không được thực hiện và thân xác không được về với cát bụi sau khi chết là một sự đày ải, một sự trừng phạt đau đớn đối với kẻ đã sống rất ác.
Lịch sử chắc chắn sẽ còn tiếp tục hé mở cho chúng ta biết rõ hơn về những xung đột, những đối xử tệ bạc, độc ác, phi nhân tính của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhân dân và đối với chính họ với nhau.
Có lẽ đến đây, quí vị, các bạn và chúng tôi phải cùng nhau tự hỏi một đảng chính trị đồi bại như thế có xứng đáng và có thể tồn tại được mãi hay không?
Dian và Tiến Văn Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình tuần tới.
Tiến Văn
(14/7/2013)

No comments:

Post a Comment