Thứ Hai 08.07.2013
"Tôi biết rằng những điều tôi viết sau đây có thể bị Đảng Cộng sản
vứt vào sọt rác hoặc thậm chí tệ hơn là có thể bị tống giam nhưng lòng
tin vào con người, sự hệ trọng của vấn đề cùng ý thức công dân thúc bách
tôi."
Đó là câu mở đầu cho một bài viết của LS Lê Quốc Quân phổ biến vào
trung tuần tháng 12 năm 2012 với tựa đề "HIẾN PHÁP HAY LÀ BẢN HỢP ĐỒNG
ĐIỆN NƯỚC ?" nhân dịp Quốc Hội CSVN thảo luận về việc tu chính và sửa
đổi Hiến Pháp 1992. Vì thời giờ có hạn chúng tôi chỉ xin trích đọc một
phần của bài viết, phần có tiểu tựa "Hiến pháp hay cương lĩnh Đảng?" qua
giọng đọc của Nguyên Khải
Nhân dân Việt Nam chúng ta sắp sửa có một văn bản tác thành mô hình
Nhà nước, một ngôi nhà để tất cả con dân Việt chung sống với nhau.
Liệu chúng ta có giao phó toàn bộ việc này cho những đảng viên đảng
cộng sản mà suy cho cùng cũng chỉ có một số người cấp rất cao, với nhóm
gen rất nhỏ và dấu hiệu của sự thiểu năng đã lộ rõ, áp đặt ý chí của
mình lên việc thiết kế nó?
Điều này chắc chắn không ai khác ngoài các đại biểu quốc hội phải lưu
tâm khi thay mặt nhân dân ký kết bản hợp đồng giao việc này.
Tôi nghĩ, nhân dân Việt Nam đã vượt qua bao nhiêu gian khó suốt chiều
dài lịch sử nhọc nhằn của mình, sẵn sàng hy sinh một phần khái niệm
"Con người" để hướng đến giá trị "Công dân" khi ký kết một thỏa ước lập
hiến với chính quyền với điều kiện các quyền công dân đó phải được phản
ánh đúng qua những người đại diện của mình.
Nếu như các đại biểu quốc hội chỉ làm theo sự lãnh đạo của đảng mà
quên đi những khát vọng thực sự của nhân dân, vốn đang ngày càng khác
biệt với ý chí của đảng cộng sản thì điều đó đã hàm chứa sự phản bội
hoặc lừa gạt ý chí nhân dân.
Điều tệ hại nhất đã xảy ra là Quốc hội đã giữ lại điều 4 trong Hiến
Pháp khẳng định sự lãnh đạo của đảng trên toàn dân tộc Việt Nam, nghĩa
là quốc hội đã trao cho đảng một chiếc đũa thần để toàn quyền đan rọ mà
mặc nhiên quốc hội phải chui vào.
Khi đó đảng bắt đầu lấy quyền lực chính trị của mình và khái niệm "ổn
định chính trị" để ngăn chặn sự thể hiện của tự do công dân bằng cái
đuôi "theo quy định của pháp luật" nằm tại rất nhiều điều của hiến pháp.
Có thể các đại biểu đã sai nhưng các Ngài cũng cần phải biết rằng "Ý
chí chung của Nhân dân có thể bị nhầm lẫn, nhưng nó không thể bị phá
hủy".
Đại biểu quốc hội hiện tại gồm nhiều người tốt có thể bị dẫn dụ, mê
hoặc và lâu dần tình cảm đó trở thành một niềm nuối tiếc trong tâm thức
nhưng ý chí chung của nhân dân và sự đòi hỏi của tri thức, của khao khát
thực thi quyền lực đúng đắn đang tiếp tục giục giã tất cả chúng ta đưa
đất nước tiến lên.
Hơn lúc nào hết, các đại biểu quốc hội thay mặt người dân cần phải
hiểu và đấu tranh bằng được rằng Hiến pháp là gốc của mọi sự phát triển,
rằng mục đích phát triển cuối cùng của con người chính là sự bình an và
triển nở các giá trị tự do trong não, trong tim của mỗi một con người
chứ không phải là giới hạn tự do. Nếu làm suy giảm quyền tự do của công
dân bao nhiêu thì sức lực của quốc gia chắc chắn sẽ giảm sút bấy nhiêu.
Các đại biểu cũng đừng sợ và cổ súy cho những "tên bạo chúa tập thể"
gồng lên để chèn ép tự do của nhân dân. Các Ngài cần hiểu rằng không
những chiếc ghế mà cả sự tự do của các Ngài cũng sẽ không còn nếu cổ súy
cho ai đó "xù lông dựng cánh" với nhân dân vì đó là lúc các Ngài đang
giúp kẻ thù lăm le xâm chiếm thành bang nở nụ cười đắc thắng. Và nước
mất thì nhà có tan không?
Các Ngài cũng cần ý thức rằng những vương triều vinh quang chói lòa
rồi cũng đã đi qua, chính trị cũng như cơ thể con người, tuổi già và cái
chết đã được cài đặt ngay khi mới sinh ra.
Nếu Hiến pháp không được soạn thảo một cách kỹ lưỡng để nó trẻ hóa và
tự làm mới mình trước những biến cố của thời cuộc đầy đầy phiêu du thì
sẽ triệt tiêu sức lực của toàn dân và dẫn đến sự tiêu vong của cả dân
tộc.
Dù cho đảng có lấy vấn đề ổn định chính trị để ngăn cấm quyền dân thì
các đại biểu của dân cần phải hiểu là mình có thể ôm cả đống sách và xô
đổ bàn ghế đánh nhau, nhưng ngoài kia, dân chúng vẫn vui vẻ làm ăn, và
luật pháp không xáo trộn mới thực là "thái bình thịnh trị".
Đó mới là cái mà Nhân dân mong muốn ở các Ngài.
Hiến pháp không thể là một cương lĩnh chính trị của một đảng cầm
quyền vì bản thân Hiến pháp phải hàm chứa được việc tạo nên một thế cân
bằng cho sự phát triển đa dạng.
Đảng Cộng hòa hay Dân chủ chỉ được ví như hai chân trong một cơ thể
nước Mỹ, cứ chân này bước lên bốn hoặc tám năm thì chân kia bước tiếp,
nó đảm bảo cho sự hài hòa trong nỗ lực đưa quốc gia tiến về phía trước.
Bởi vậy, dù không có đa nguyên Hiến pháp Việt Nam nhất thiết phải cài
cắm được những điều kiện tiên quyết của phát triển, nên ngắn gọn, rộng,
và bao hàm đầy đủ cho một dân tộc phát triển và tất nhiên không thể là ý
chí của một nhóm người hay của một đảng phái chính trị nào.
No comments:
Post a Comment