Thứ Bảy ngày 27.07.2013
Kính thưa quý thính giả, Sau gần 1000 năm Bắc thuộc, một người có
công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế
đầu tiên của triều đại nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở đầu cho
thời kỳ độc lập cho đất nước.
Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi
đến quý thính giả bài "Đinh Tiên Hoàng" của Việt Thái qua giọng đọc của
Tam Thanh để tưởng nhớ đến công đức của ngài, dựng lên ngọn cờ tự chủ
cho dân tộc.
Đinh Tiên Hoàng, tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, là vị vua sáng lập triều
đại nhà Đinh và nước Đại Cồ Việt trong sử Việt. Ông là người có công dẹp
loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành vị hoàng đế đầu tiên
của nước Việt sau gần 1000 năm Bắc thuộc.
Đại Cồ Việt là tên nước mở đầu cho thời kỳ độc lập, tự chủ. Đinh Bộ
Lĩnh đặt tên nước, lập đô, lấy niên hiệu với tư cách hoàng đế đứng đầu
một vương triều.
Thời kỳ phục quốc của nước Việt, từ họ Khúc xưng làm Tiết độ sứ, tới
Ngô Quyền xưng vương và đến Đinh Tiên Hoàng xưng làm hoàng đế. Sau hai
vua nhà Tiền Lý xưng đế giữa thời Bắc thuộc rồi bị thất bại trước họa
ngoại xâm, 400 năm sau người Việt mới thực sự khẳng định vị thế vững
chắc của quốc gia độc lập và buộc cường quyền phương Bắc đã phải công
nhận nước Việt là một nước độc lập.
Đinh Bộ Lĩnh sinh ngày 22 tháng 3 năm 924 tại thôn Kim Lư, làng Đại
Hữu, châu Đại Hoàng. Cha là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình
Nghệ, giữ chức Thứ sử Hoan Châu. Đinh Công Trứ mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh
theo mẹ về quê sống nương nhờ người chú ruột là Đinh Thúc Dự.
Từ thuở nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ ra là người có khả năng lãnh đạo chỉ
huy, cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau.
Trong đám bạn đó, có Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ và Trịnh Tú là những
người sau này cùng Đinh Bộ Lĩnh tạo nên sự nghiệp.
Năm 944, Ngô Quyền mất, anh vợ là Dương Tam Kha tự lập làm vua, xưng
là Dương Bình Vương. Các nơi không phục, nhiều thủ lãnh nổi lên hùng cứ
một phương và thường đem quân đánh phá lẫn nhau.
Năm 950, Ngô Xương Văn, con thứ hai của Ngô Quyền, lật đổ Dương Tam
Kha giành lại ngôi vua. Sau đó Ngô Xương Văn đón anh trai là Ngô Xương
Ngập về làm vua. Đến năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh mà mất.
Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình bị
phục binh giết chết. Con của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí nối ngôi,
nhưng quá suy yếu phải đưa quân về giữ đất Bình Kiều. Từ năm 966, bắt
đầu hình thành 12 sứ quân, sách sử gọi là loạn 12 sứ quân.
Đinh Bộ Lĩnh tập hợp thanh niên ở vùng Hoa Lư, đầu quân trong đạo
binh của sứ quân Trần Minh Công ở Thái Bình. Đinh Bộ Lĩnh cưới Trần
Nương và trở thành con rể của Trần Minh Công. Khi Trần Minh Công mất,
Đinh Bộ Lĩnh thay quyền, đưa quân về Hoa Lư, chiêu mộ thêm binh lính,
chống nhà Ngô và các sứ quân khác.
Chỉ trong vòng 2 năm, Đinh Bộ Lĩnh lần lượt đánh thắng 11 sứ quân khác, được xưng tụng là Vạn Thắng Vương.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc
hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Đinh Tiên Hoàng cho xây cung
điện, thiết chế triều nghi, định phẩm hàm cho quan văn, võ. Phong cho
Nguyễn Bặc là Định Quốc công, Đinh Điền là Ngoại giáp, Lê Hoàn làm Thập
đạo Tướng quân, Lưu Cơ làm Đô hộ Phủ sĩ sư, Tăng thống Ngô Chân Lưu được
ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng
Huyền Quang được làm Sùng chân Uy nghi và phong cho con là Đinh Liễn là
Nam Việt Vương.
Năm Canh Ngọ (970), đặt niên hiệu là Thái Bình. Đinh Tiên Hoàng cho
đúc tiền đồng, là tiền tệ xưa nhất ở Việt Nam, gọi là tiền đồng Thái
Bình. Nhà Đinh là triều đại đầu tiên đặt nền móng cho việc phát hành
tiền tệ. Đồng tiền Thái Bình được đúc bằng đồng, hình tròn, lỗ vuông, có
thể xâu thành chuỗi. Một mặt đúc bốn chữ "Thái Bình Hưng Bảo", mặt sau
có đúc chữ "Đinh".
Đinh Tiên Hoàng có con trưởng là Đinh Liễn, nhưng ngài lại lập con út
là Hạng Lang làm Thái tử. Vì vậy đầu năm 979, Đinh Liễn tức giận sai
người giết Hạng Lang. Theo chính sử tháng 11 năm Kỷ Mão, một viên quan
tên Đỗ Thích, mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua
nên đã giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn.
Đinh Tiên Hoàng mất năm 56 tuổi, làm vua được 12 năm, Lăng mộ ngài được xây tại Trường Yên.
Nhà sử học Lê Văn Hưu nhận xét:
"Tiên Hoàng nhờ có tài năng, sáng suốt, dũng cảm và mưu lược hơn
người. Đương lúc nước Việt không có chủ, các sứ quân hùng cứ, chỉ một
phen xuất quân là mười hai sứ đều phục. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng
hoàng đế, đặt trăm quan, lập lục quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý Trời
vì nước Việt mà sinh bậc thánh triết..."
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên nhận xét:
"Vận trời đất, bỉ rồi ắt thái, Bắc Nam đều cùng một lẽ ấy. Thời Ngũ
đại bên Bắc triều Trung Hoa suy loạn mới có Tống Thái Tổ nổi lên. Ở Nam
triều nước ta, 12 sứ quân phân chia quấy nhiễu, nên Đinh Tiên Hoàng mới
xưng đế. Không phải là ngẫu nhiên mà do vận trời vậy".
Nhà sử học Phan Huy Chú trong "Lịch triều Hiến chương loại chí" nhận xét:
"Xét nước ta từ thời Hùng Vương mới bắt đầu thông hiểu với Trung Hoa
nhưng danh hiệu còn nhỏ không được dự vào hàng chư hầu triều hội... đến
khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục và mở mang bờ cõi,
bấy giờ điển lễ, sách phong của Trung Hoa mới công nhận là một nước độc
lập".
Các đền thờ Đinh Tiên Hoàng hiện có ở nhiều vùng khác nhau. Nổi bật
nhất phải kể đến vùng Ninh Bình với 16 đền thờ và tại trung tâm thành
phố này có tượng thờ ngài. Cũng như hầu hết các thành phố, thị xã ở Việt
Nam đều có đường mang tên Đinh Tiên Hoàng. Một số nơi có đường mang tên
Đinh Bộ Lĩnh như tại Sài Gòn, Bình Thuận, Thừa Thiên, Nam Định, Bình
Dương, Mỹ Tho.v.v. Một số trường học được đặt tên Đinh Tiên Hoàng./.
No comments:
Post a Comment