Thứ Bảy, ngày 20.07.2013
Kính thưa quý thính giả,
Theo chiều dài của lịch sử Việt
Nam, có lẽ các danh tướng Tây Sơn là những người chịu nhiều thiệt thòi
nhất. Cả đời xông pha trận mạc, chiến đấu oanh liệt, nhưng sử sách ghi
chép về họ lại quá ít. Họ đã anh dũng chiến đấu quên mình vì đại nghĩa,
cứu nước và cứu dân, nhưng ngay sau đó sự nghiệp của họ đã bị nhiều bài
viết xuyên tạc về sau. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tác giả của Tây Sơn
Lương Tướng ngoại truyện là Nguyễn Trọng Trì đã có lời thơ cảm vịnh vừa
hùng tráng, lại vừa man mác buồn cho họ.
"Tướng quân chiến mã kim hà tại?
Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu".
Tạm dịch là:
Chiến mã của tướng quân giờ ở nơi đâu?
Cỏ hoa đồng nội đất đai sầu.
Trong tiết mục "Danh nhân nước
Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Danh tướng
Trần Quang Diệu" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
Trần Quang Diệu tên thật Trần Văn Đạt, sinh năm 1760, người ở làng An
Hải, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, là con trai của ông Trần Tấn và
bà Phan Thị Hy. Ông là một trong Tây Sơn thất hổ của triều Tây Sơn. Ông
cùng với vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân chiến đấu để bảo vệ triều đại này,
nhưng không thành và cả hai đều bị vua Gia Long xử tử.
Trong chiến thắng Kỷ Dậu năm 1789, Trần Quang Diệu chiến đấu trong
đạo trung quân do Nguyễn Huệ chỉ huy. Sau trận đại thắng này, ông được
cử làm Đốc trấn Nghệ An, có nhiệm vụ trấn thủ và lo việc xây dựng thành
Phượng Hoàng.
Năm 1792, nước Ai Lao (Lào) không chịu triều cống, vua Quang Trung
phong cho đô đốc Trần Quang Diệu làm Đại soái, Lê Trung làm Đại tư lệ
cùng xuất quân tiến đánh. Vua Ai Lao thua trận, trốn chạy. Quân Tây Sơn
tràn vào thành tịch thu vàng bạc, châu báu, voi ngựa... mang về nước.
Tháng 7 năm Nhâm Tý, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Tuân theo di
chiếu, Trần Quang Diệu, Bùi Đắc Tuyên và Vũ Văn Dũng cùng phò Nguyễn
Quang Toản (10 tuổi) lên ngôi, tức vua Cảnh Thịnh.
Năm 1793, quân chúa Nguyễn kéo ra bao vây thành Quy Nhơn do Nguyễn
Nhạc trấn thủ. Nhận lời cầu cứu, vua Cảnh Thịnh cử Trần Quang Diệu dẫn
quân vào đánh giải vây.
Năm 1795, Trần Quang Diệu một lần nữa xuất quân chiếm lại Diên Khánh.
Khi chiến sự đang khốc liệt với lợi thế thuộc về quân Tây Sơn thì triều
đình có biến động tại Phú Xuân. Không có lệnh vua, Vũ Văn Dũng, Nguyễn
Văn Huấn và Phạm Công Hưng lập mưu giết tướng Ngô Văn Sở và cha con Thái
sư Bùi Đắc Tuyên. Hay tin, Trần Quang Diệu thu quân về triều thu xếp ổn
thỏa.
Thấy uy thế Tây Sơn đã suy nhược, năm 1799, chúa Nguyễn bèn cử đại quân tiến đánh, bao vây và chiếm thành Quy Nhơn.
Trần Quang Diệu cùng Vũ Văn Dũng nhận lệnh đem quân cứu viện và đến tháng Giêng năm 1800, thì cùng tấn công thành.
Được tin thành Quy Nhơn bị vây, chúa Nguyễn cử đại quân ra cứu Quy
Nhơn, các tướng nhà Nguyễn phá tan thủy quân Tây Sơn ở trận Thị Nại. Vũ
Văn Dũng phải bỏ cửa Thị Nại lên bộ hợp với quân Trần Quang Diệu tiếp
tục vây thành.
Nhận thấy hai tướng giỏi nhất và tinh binh Tây Sơn tập trung ở Quy
Nhơn, Võ Tánh viết thư khuyên chúa Nguyễn đừng lo giải vây thành, mà hãy
ra đánh Phú Xuân trước. Nguyễn Phúc Ánh nghe theo, đến tháng 5 năm
1801, thủy quân nhà Nguyễn chiếm được Phú Xuân.
Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng nghe tin Phú Xuân thất thủ, sai các
tướng đem quân cứu viện, nhưng đến Quảng Nam thì bị ngăn chặn nên đoàn
quân phải quay về.
Trong thành Quy Nhơn hết lương thực, Võ Tánh tự thiêu, hiệp trấn Ngô
Tòng Châu cũng uống thuốc độc tự tử, thành Quy Nhơn đầu hàng. Trần Quang
Diệu vào thành, sai người liệm táng tử tế cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu,
tha chết cho tất cả các tướng và quân sĩ nhà Nguyễn. Sau đó, ông chia
quân đi cứu Phú Xuân và Phú Yên nhưng đều thất bại.
Mặc dù, quân Tây Sơn chiếm lại được thành Quy Nhơn nhưng bốn mặt đều bị vây, khó bề chống giữ.
Tháng 3 năm 1802, nghe tin vua Cảnh Thịnh và Bùi Thị Xuân đã thua
trận ở Trấn Ninh, Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng bỏ thành, đem binh
tượng đi đường vòng qua Lào ra Nghệ An để hội quân với vua Cảnh Thịnh.
Nhưng khi tới châu Quỳ Hợp, vào đến đất Hương Sơn thì tin nghe thành
Nghệ An thất thủ, Trần Quang Diệu rút về huyện Thanh Chương, mấy hôm sau
cả nhà ông đều bị quân nhà Nguyễn bắt sống.
Nguyễn Phúc Ánh, lên ngôi và lấy hiệu Gia Long (1802), chiêu hàng Trần Quang Diệu, nhưng Trần Quang Diệu nói rằng:
Trung thần không thờ hai chúa, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết.
Nếu rộng lượng thì tha cho. Tôi sẽ về ở nơi thôn dã làm thường dân, chứ
không thể nhận quan chức của triều đình.
Biết không thể khuất phục được Trần Quang Diệu, vua Gia Long xử ông
tội chết. Về cái chết của ông, Phạm Khắc Hòe, Đổng lý văn phòng triều
vua Bảo Đại cho rằng, vì ông thờ mẹ già 80 tuổi có hiếu nên vua Gia Long
chỉ ra lệnh chém đầu, chứ không hành hình như một số người khác.
Sau khi Trần Quang Diệu mất năm 1802, con cháu của ông phải cải họ,
từ họ Trần sang họ Nguyễn. Nhưng khi ông mất, con cháu ông lại ghi tên
trên bia mộ là Trần Quang Diệu.
Tên của ông được đặt cho một con phố ở Hà Nội và nhiều con đường ở các thành phố tại Việt Nam
Việt Thái
No comments:
Post a Comment