Thursday, July 11, 2013

Hậu quả chuyến đi Bắc Kinh của Trương Tấn Sang

Thứ Năm, ngày 11.07.2013    
Khi Trương Tấn Sang và phái đoàn sang Bắc Kinh, chúng tôi đã cảnh báo về mối bang giao Việt-Trung đầy cạm bẫy nguy hiểm, đồng thời chúng tôi cũng cảnh giác về việc ký kết những thỏa hiệp bất lợi cho Việt Nam. Nay những điều quan ngại ấy đã tỏ lộ rõ ràng. Kính mời quí thính giả nghe quan điểm của LLDTCNTQ về những thiệt hại do các thỏa hiệp Trương Tấn Sang đã ký với Trung Cộng trong chuyến đi sứ vừa qua, qua giọng đọc của Hải Nguyên
Thưa quí thính giả,
Đối với người Việt Nam, không cần phải là nhà chính trị hay giới khoa bảng cũng biết rằng từ xưa đến nay Trung Hoa luôn luôn muốn thôn tính nước ta. Đây không phải là một điều suy đoán hay hoài nghi, mà là kinh nghiệm thực tế của lịch sử đã và đang minh chứng một cách cụ thể.

Vì vậy từ những anh hùng lãnh đạo các phong trào chống lại ách thống trị thời Bắc Thuộc, đến những triều đại khi nước ta đã dành được độc lập trên một ngàn năm nay, tất cả luôn giữ vững tinh thần dân tộc và đề cao cảnh giác trước những mưu toan lọc lừa nham hiểm của Phương Bắc, quyết tránh xa những cạm bẫy do kẻ thù tạo ra nhắm đưa nước ta vào thế bí phải lệ thuốc họ.
Bất hạnh thay, Hồ Chí Minh, một đồ đệ trung thành của Cộng Sản Quốc Tế do Nga Tàu lãnh đạo, chính Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã dâng đất nước ta làm chư hầu cho cộng sản quốc tế. Nối tiếp bước chân Hồ Chí Minh, những người lãnh đạo đảng CSVN đã bị đảng CS Trung Cộng khoác cho cái vòng kim cô, trang trí bằng 16 chữ vàng và 4 tốt từ năm 1990. Từ đó đến nay, mỗi lần được gọi sang triều yết, thì Trung Cộng lại xiết chặt thêm một nấc nữa.
Trong chuyến đi sứ của Trương Tấn Sang vào tháng 6 vừa qua, nhân danh chủ tịch nước, gọi là để hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia. Chúng ta cần lưu ý cụm từ "hợp tác chiến lược toàn diện" ở đây có những ý nghĩa đặc biệt.
Để thể hiện tính cách hợp tác toàn diện, hai bên đã có một bản Tuyên Bố Chung 8 điểm, bên cạnh đó, còn ký kết 10 văn kiện hợp tác khác để hỗ trợ cho tính cách toàn diện nói trên. Trên thực tế những văn kiện này đã được Trung Cộng soạn sẵn và Bộ Chính Trị đảng CSVN đã bàn thảo lấy quyết định trước khi Sang lên đường.
Dựa vào kinh nghiệm lịch sử ngoại giao, chúng ta đã có đủ dữ kiện để xác quyết rằng việc ký kết giữa hai đảng Cộng Sản Trung Cộng và Việt Nam luôn có hai phần, một là những điểm công khai để người dân biết, đó chỉ là phần nổi của một tảng băng, phần nổi bao giờ cũng được trang trí bằng những mỹ từ rất đẹp để đánh lạc hướng, và che đậy những ý đồ đen tối trong phần chìm, đó mới chính là những thỏa thuận ngầm chết người mà người dân không hề được biết đến.
Để thấy rõ những điều bất lợi này, chúng ta hãy đọc lại những bản Tuyên Bố Chúng nối tiếp nhau từ Hội Nghị Thành Đô 1990, và các bản tuyên bố chung các năm 2001, 2005, 2006, 2008, 2011 và lần mới nhất 2013, sẽ thấy lần sau luôn bổ túc cho lần trước, mỗi lần bổ túc lại thêm vào những chi tiết mới và lấn tới một mức nữa.
Những ai đã đọc bản Tuyên Bố Chung do Trương Tấn Sang vừa ký chắc chắn sẽ phải sững sờ ngao ngán, khi thấy rõ tương lai đất nước Việt Nam đã chính thức lọt vào tay Trung Cộng, và dân tộc Việt Nam đang từng bước chìm đắm trong ách thống trị của phương Bắc, dưới ách cai trị của những người mang tên Việt Nam, nhưng nhận lệnh từ Bắc Kinh.
Nội dung bản tuyên bố chung là Bắc Kinh ra lệnh cho Hà Nội phải hoàn thành các điều thỏa thuận gồm tất cả các ngành sinh hoạt của quốc gia, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần và vật chất của người dân. Từ chính trị, kinh tế, ngoại giao, thương mại, nông nghiệp, ngư nghiệp, văn hóa, y tế, giao thông, lãnh thổ, lãnh hải, khai thác dầu khí, luật pháp, công an, quân đội. Nói tóm gọm Trung Cộng xâm nhập vào toàn bộ các sinh hoạt tại Việt Nam như ngay trên đất nước họ.
Việt Nam ta có câu "muốn yêu nhau lâu, hãy rào giậu cho kỹ" để nói lên mối tương giao giữa con người với con người luôn luôn có một ranh giới nhất định, để giữ lại cái riêng tư của mỗi bên. Ngay cuộc sống chung giữa hai vợ chồng trong gia đình, vẫn cần phải có những góc riêng tư, mà mỗi bên phải tôn trọng sự riêng tư của nhau. Hàng xóm giữa nhà này và nhà khác vẫn cần có tường, có hàng rào để phân định ranh giới, nhằm tránh những xung khắc hiểu lầm, huống chi một quốc gia như Việt Nam với 90 triệu dân, bên cạnh một nước Trung Cộng có 1.4 tỷ người vốn dĩ đã có một lịch sử tham lam, xảo quyệt luôn tìm cách thôn tính lấn chiếm lãnh thổ mình, lại có thể xóa đi tất cả những gì là ranh giới giữa hai dân tộc như bản tuyên bố chung vừa được nêu lên.
Những gì Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình cam kết với nhau là chuyện của hai đảng CS mà thôi. Là công dân Việt Nam, chúng ta không nhìn nhận đảng CSVN có tư cách đại diện cho 90 triệu đồng bào để ký kết những thỏa thuận có hại cho đại khối dân tộc.
Do đó người công dân Việt Nam dù sống trên quê hương hay ở bất cứ nơi đâu trên mặt địa cầu này, chỉ còn một con đường để bảo vệ quyền làm chủ đất nước là dẹp bỏ đảng CSVN mà thôi. Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện cho được mục tiêu này.
Cám ơn quí thính giả đã nghe quan điểm của chúng tôi.
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment