Thứ Bảy, ngày 13.07.2013
Tiếp
theo đây, như thường lệ vào Thứ Bẩy, mời quý thính giả theo dõi chuyên
mục NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA do HẢI NGUYÊN phụ trách điều hợp.
HẢI NGUYÊN: Kính chào quý vị thính giả, NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA hân hạnh mời quý thính giả trở lại với chủ đề chính sách Giáo Dục và hôm nay xin tập trung vào chủ đề Những Vấn Đề Giáo Dục ở Việt Nam hiện Tại với
khách mời là GS Phạm Cao Dương, một nhà giáo kỳ cựu. Trước năm 1975 ông
là giáo sư đại học SưPhạm và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và sau năm 75,
ông tiếp tục giảng giậy và hiện là giáo sư tạitrường đại học nổi tiếng
UCLA, Nam California, Hoa Kỳ.
HN: Kính chào GS Phạm Cao Dương. Từ
nhiều năm qua, người Việt trong nước cũng như ngoài nước, thuộc mọi
thành phần đã lên tiếng báo động về tình trạng giáo dục dưới chế độ xã
hội chủ nghĩa. Nói chung, không mấy người lạc quan, nếu không nói là bi
quan. Là một người trọn đời sống nghề dạy học, với trên 50 năm đứng lớp,
ở trong nước cũng như ở hải ngoại, trong đó có cả những lớp huấn luyện
giáo chức, Giáo Sư nhận định thế nào về hiện tình giáo dục Việt Nam?
GS PCD: Tôi
xin trả lời ngay là vừa lạc quan và vừa bi quan. Lạc quan là vì người
dân Việt Nam sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử và bất chấp mọi khó
khăn của cuộc sống vẫn giữ được truyền thống hiếu học của cha ông mình
ngày trước. Qua các đài truyền thanh hay truyền hình thâu lại những cuộc
phỏng vấn ở trong nước, tôi đã được nghe những người dân lao động từ
người bán thịt ở một thị trấn nhỏ ở miền Trung đến một phụ nữ bán hàng
rong ở Saigon. Họ nói tới ước vọng là làm sao gửi được con cái đến
trường để theo đuổi việc học và, đây mới là điều quan trọng, học để thành người. Tôi xin nhấn mạnh học để thành người.
Bốn tiếng này là do người hàng thịt ở một thị trấn nhỏ ở miền Trung nói
với phóng viên của một đài truyền hình ở Hải Ngoại. Điều này khiến tôi
nhớ tới mấy câu hát ru con của các cụ ngày xưa:
“Con ơi! muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha….”
Học để nên thân người chứ đâu phải ai cũng mơ ước thành ông nghè, ông cống, bây giờ là các ông tiến sĩ, phó tiến sĩ.
Cũng lạc quan vì tôi đã được đọc, được nghe rất nhiều các nhà giáo, nhà
văn, các phụ huynh, các nhà trí thức, luôn cả những người đã từng cầm
đầu ngành giáo dục ở trong nước, đã viết hàng trăm bài tham luận, lên
tiếng cảnh cáo về tình trạng bi đát của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Điều này chứng tỏ rất nhiều người trực tiếp hay gián tiếp liên hệ đến
ngành giáo dục ở trong nước còn nhiệt tâm và có đủ can đảm nói lên nỗi
ưu tư, lo lắng của mình.
HN: Xin Giáo Sư cho biết tại sao ông cũng bi quan?
GS PCD:
Tôi nói bi quan là vì con số trẻ em không được cắp sách đến trường quá
lớn. Hai triệu em như thống kê tôi nhận được hơn một năm trước đây với
hàng trăm ngàn em phải bỏ học hàng năm cũng như hình ảnh các em đi bới
rác trên những đống rác dơ bẩn, khổng lồ để mưu sinh. Lấy một thí dụ
trích từ một bài viết của một tác giả ở trong nước, Lưu Hà Sĩ Tâm, đăng
trên mạng Bauxite Việt Nam ngày 30 tháng Giâng 2003:
“Nhưng
nhìn ra xã hội, người ta thảng thốt vì thấy còn quá nhiều trẻ con còn
đói ăn, thiếu mặc, khô héo tinh thấn. Thiếu đói ngay ở niều làng xã của
các huyện ngoại thành Hà Nội, bên các kinh rạch TP Hồ Chí Minh và nhiều
thành phố lớn, chứ chưa nói tới vùng sâu vùng xa của các tỉnh khác. Cái
đói rét, cái bơ vơ, ngơ ngác của chúng làm chảy nưới mắt của nhiều người
đàn ông cứng cỏi.”
Bi đát hơn nữa là nhiều bé gái, tuổi hày còn rất nhỏ đã bị bắt, thậm
chí bị cha mẹ bán và bị cưỡng bách làm nghê mãi dâm mà tin tức, hình ảnh
được truyền thông phổ biến nhan nhản trên các đài truyền thanh, truyền
hình, trên báo in, báo mạng.
HN: Còn về phẩm chất Giáo Dục thì sao, thưa Giáo Sư?
GS PCD: Không
lạc quan nếu không nói là bi quan. Đây không phải là nhận xét của riêng
tôi mà là của rất đông, nếu không nói là của hầu hết các nhà giáo nổi
tiếng ở trong nước từ các giáo sư như GS Hoàng Tụy, GS Tương Lai, Nhà
Giáo Phạm Toàn, dến những người đang lãnh trách nhiệm như Giáo Sư Trần
Ngọc Thêm, Chủ Tịch Hội Đồng Khoa Học-Đào Tạo Đại Học QG TP HCM đến các
cựu Bộ Trưởng Giáo Dục và Đào Tạo như Giáo Sư Phạm Minh Hạc. Người thì
nói tới một “cuộc khủng hoảng trầm trọng” trong giáo dục không sao sửa được (GS Hoàng Tụy), người thì nói thẳng ra là “hỏng”, “hỏng ở các cấp học, trên các bình diện, hỏng một cách căn bản và toàn diện” , người thì coi các trẻ em có may mắn, đủ ăn, đủ mặc, được cắp sách đến trường “bỗng nhiên trở thành nạn nhân của sự học”.
HN: Vì thời giờ có hạn, chúng tôi tạm ngưng chuyên mục NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA tại
đây. Cám ơn GS Phạm Cao Dương và xin gặp lại GS vào Thứ Bẩy tuần tới để
tiếp tục thảo luận về chính sách Giáo dục của VN thời hậu cộng sản./.
No comments:
Post a Comment