Saturday, July 20, 2013

Những Vấn Đề Giáo Dục ở Việt Nam hiện tại

Thứ Bảy, ngày 20.07.2013
Tiếp theo đây, như thường lệ vào mỗi tối Thứ Bảy, xin mời quý thính giả theo dõi chuyên mục NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA do đặc phái viên HẢI NGUYÊN phụ trách điều hợp
Kính chào quý vị thính giả, NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA hân hạnh mời quý thính giả trở lại với chủ đề chính sách Giáo Dục và hôm nay xin tập trung vào chủ đề Những Vấn Đề Giáo Dục ở Việt Nam hiện Tại với khách mời là GS Phạm Cao Dương, một nhà giáo kỳ cựu. Trước năm 1975 ông là giáo sư đại học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và sau năm 75, ông tiếp tục giảng giậy tại nhiều trường đại học nổi tiếng tại Hoa Kỳ và hiện là giáo sư tại trường đại học UCLA, Nam California, Hoa Kỳ.
Hỏi: Trong phần phỏng vấn kỳ trước, Giáo Sư có nói về tình trạng khủng hoảng và luôn cả hư hỏng của nền giáo dục ở trong nước hiện nay. Xin Giáo sư nêu một vài thí dụ điển hình về tình trạng khủng hoảng và hư hỏng này.

Trả lời: Cái khủng hoảng lớn nhất là sự thiếu vắng một triết lý giáo dục hay cụ thể hơn, đơn giản hơn một muc tiêu giáo dục rõ ràng và hợp với thời đại mới và với hoàn cảnh của đất nước hơn, chẳng hạn như giúp cho trẻ em sau này lớn lên có thể sống và hoạt động trong môi trường các em sẽ phải sống môi truờng Việt Nam và môi trường chung của cả nhân loại. Người ta có thể nói tới con người xã hội chủ nghĩa, nhưng xã hội chủ nghĩa là cái gì? con nguời xã hội chủ nghĩa là con người như thế nào? môi trường xã hội chủ nghĩa ra sao? ... thì người ta vẫn chưa mường tượng ra được một cách rõ ràng. Không lẽ đó chỉ là những con người ngoan ngoãn nghe theo và chấp hành những gì các nhà lãnh đạo đưa ra, không suy tư, không bàn thảo, không sáng tạo vói thái độ duy nhất là cứ lẳng lặng chấp nhận và tuân theo? Không lẽ môi trường xã hội chủ nghĩa là môi trường đầy rẫy những lạm dụng quyền lực, tham những, dối trá vô đạo đức như hiện tại? Sự thiếu vắng này có thể coi là cơ bản, chưa kể tới sự kiện là các em không thể chỉ sống cô lập trong xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mà còn phải giao thệp với thế giới bên ngoài, một thế giới tư do dân chủ trong đó con người phải tự mình nhận định, tự mình quyết định, đồng thời phải nói lên những nhận định và những quyết định của mình. Sự thiếu vắng một mục tiêu hợp với thời đại mới đã đưa tới những khủng hoảng hay những sai hỏng khó sửa chữa hay vô phương sửa chữa khác mà các nhà giáo dục trong nước đã nghiêm trọng cảnh cáo, trong đó có chương trình học, phương pháp giảng dạy, thi cử, tổ chức và quản trị học đường và rất nhiều tệ nạn chưa hề có trong sinh hoạt giáo dục ở nước nhà.
Hỏi: Theo Giáo Sư tại sao lại có sụ thiếu vắng một triết lý giáo dục thích hợp với thời đại mới như vậy? Và mọi người ở trong nước có biết điều này hay không?
Trả lời: Biết chứ, chắc chắn là biết! Biết cho nên người ta mới tìm cách sửa đổi và sửa đổi nhiều lần và dự trù họp nữa để sửa đổi vào năm 2015 nhưng tất cả chỉ là vụn vặt, chắp vá , tốn kém tiền bạc công sức của dân cho nên không mấy ai tin tưởng cả. Thành ngữ "càng sửa càng sai, càng sai càng sửa" bây giờ lại được nhắc đi nhắc lại. Trong khi đó thì nguyên do chính yếu là chế độ bao cấp. Người ta đã cởi trói cho kinh tế, mở cửa cho kinh tế, áp dụng kinh tế thị trường nhưng vẫn bó chặt giáo dục, kiểm soát chặt chẽ giáo dục khiến cho giáo dục không theo kịp với những gì sự cởi mở trong sinh hoạt kinh tế gây ra. Nói cách khác, trong khi kinh tế phát triển theo nhịp điệu mới của thế giới bên ngoài thì giáo dục vẫn bị bỏ lại phía sau và trở thành lạc điệu, lạc điệu với thế giới bên ngoài và lạc điệu ngay với cuộc sống vật chất mới nảy sinh ở trong nước.
Hỏi: Cụ thể hơn, sự lạc điệu do nạn bao cấp gây ra này đã mang lại những hậu quả tại hại nào khác người ta có thể thấy được một cách rõ ràng hơn, thưa Giáo Sư?
Trả lời: Trước hết là bệnh thành tích, là bệnh làm láo báo cáo hay, là trình diễn cho giỏi, là phát triển bừa bãi trong khi thực chất và khả năng thì chưa đủ để chứng minh là cái gì mình cũng tốt, cái gì mình cũng giỏi. Tỷ lệ học sinh học giỏi hay thi đậu phải luôn luôn là cao, số trường đại học đã lên tới trên bốn trăm trường so với con số đếm trên đầu ngón tay ở cả hai miền Nam Bắc thời trước, không những ở tỉnh nào cũng có mà còn dạy đủ các trình độ. Số người có bằng tiến sĩ lên tới cả chục ngàn, ra ngõ là gặp, vô các công, tư sở là gặp. Hệ quả là nạn tham nhũng và bằng giả trở thành phổ thông. Nhưng trầm trọng hơn nữa là bệnh gian dối. Người ta gian dối bằng cách tạo ra những con số, những thành quả đẹp đẽ để báo cáo lên cấp trên, để khoe với mọi người và khoe với thế giới và để moi tiền, moi viện trợ của thế giới. "Bây giờ cả nước lươn lẹo, cả nước nói dối" là điều một người bạn, gốc là nhà giáo, nói với tôi từ hàng chục năm trước, hiện còn tệ hơn vì nó đã lấn sang địa hạt giáo dục. Cái nguy ở đây là tật gian dối đã được cả xã hội chấp nhận coi như một thái độ, một khả năng tự nhiên cần phải có để tồn tại và để tiến bộ. Tất cả đều khó mà sửa chữa được. Chúng đã vượt khỏi tầm tay của các nhà gáo dục.
HN: Chuyên mục NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA tạm nhưng nơi đây. Chân thành cám ơn GS Phạm Cao Dương và xin hẹn gặp lại GS vào cuối tháng Tám để được thưa chuyện cùng GS về chính sách giáo dục của VN thời hậu cộng sản./.

No comments:

Post a Comment