Kinh tế Việt Nam cần được cải cách
Qua câu hỏi biện pháp nào giúp vực dậy kinh tế Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viết giấy trả lời báo The Economist của Anh và The Wall Street Journal của Hoa Kỳ về một kế hoạch buộc các doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh với các công ty tư nhân để có thể tồn tại.
Ông Dũng cho biết nhà nước sẽ chỉ giữ lại một số doanh nghiệp quan trọng, nhưng không nói rõ gồm những nghành nào. Những năm gần đây, các doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ trầm trọng nhưng lại không có khả năng trả nợ. Tình trạng rút ruột của công như công ty Vinashin cho thấy giới lãnh đạo nhà nước khuyến khích giúp vốn mở công ty lớn nhưng không biết điều hành hữu hiệu. Gần đây công ty tư vấn McKinsey cho rằng nếu năng suất lao động của Việt Nam không tăng hơn 50% thì mức tăng trưởng kinh tế sẽ giảm dưới 5%. Tờ The Economist cho rằng quan chức Việt Nam có thể biết doanh nghiệp nhà nước vận hành kém, kèm theo nạn tham nhũng và lãng phí, nhưng giới lãnh đạo Việt Nam không biết cách giải quyết. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc phòng Úc cho biết những lời tuyên bố hùng hồn kiểu "chỉnh đốn Đảng để tránh sụp đổ" không có gì mới mẻ vì thường nghe qua cả hơn 20 năm nay.
Phái đoàn Việt Nam có thể đặt vấn đề Biển Đông tại hội nghị ASEAN
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng cho biết thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể đề cập đến vấn đề Biển Đông tại hội nghị vì là mối quan tân chung của các nước tranh chấp trong khu vực. Tuy nhiên ông Lê Công Phụng, với tư cách là trưởng ban biên giới chính phủ, không nghĩ Trung Quốc gây áp lực với Cam Bốt để vấn đề Biển Đông bị rớt ra khỏi nghị sự. Ông Phụng bênh vực lập trường của Cam Bốt coi nhẹ vấn đề Biển Đông khi cho rằng có nhiều chuyện khác để bàn, và nước chủ nhà Cam Bốt đang thúc đẩy xây dựng một cộng đồng Asean có lợi cho toàn khu vực. Thứ trưởng Lê Công Phụng không nghĩ quy tắc ứng xử giữa các nước về tranh chấp Biển Đông sẽ được hoàn tất trong năm nay. Ông Phụng cho rằng yếu tố ràng buộc của quy tắc ứng xử khiến các nước phải cân nhắc. Hiện nay lập trường của Trung Quốc về quy tắc ứng xử khác xa các nước chanh chấp vùng Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc không muốn thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán về quy tắc ứng xử. Ngược lại, Trung Quốc thường xuyên cáo buộc ngư dân Việt Nam đánh cá bất hợp pháp và tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam hoạt động trái phép tại Biển Đông.
Phi kêu gọi thành lập liên minh soạn quy tắc ứng xử
Trước khi bước vào phòng hội nghị ASEAN, ngoại trưởng Phi Alberto del Rosario quyết tâm đưa vấn đề Biển Đông ra trước hội nghị vì những tranh chấp đang vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc. Thái độ cương quyết của phái đoàn Phi đang gây sóng gió tại diễn đàn ASEAN. Ông Rosario cho rằng vấn đề tranh chấp Biển Đông phải là tụ điểm của hội nghị. Dưới sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, ngoại trưởng Phi Alberto del Rosario đang kêu gọi thành lập một liên minh thống nhất lập trường về vấn đề Biển Đông trước khi đàm phán với Trung Quốc. Chính quyền Manila đề nghị 5 nước tranh chấp hợp tác soạn thảo quy tắc ứng xử, nhưng không muốn Bắc Kinh tham gia soạn thảo trong giai đoạn đầu vì sợ bị Trung Quốc lấn áp dành độc quyền. Được biết chủ đề hội nghị năm nay là 'Một cộng đồng, một vận mệnh' với mục đích biến ASEAN thành một cộng đồng chung giống như Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2015. Trong hội nghị, cuộc thay đổi lịch sử tại Miến Điện đã được các nước tuyên dương, và kêu gọi bãi bỏ cấm vận đối với Miến Điện. Ông tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng cuộc bầu cử tự do gần đây sẽ giúp Miến Điện hội nhập vào cộng đồng quốc tế.
Hoa Kỳ và Nhật Bản cảnh cáo Bắc Hàn về việc phóng vệ tinh
Hoa Kỳ và Nhật Bản một lần nữa cảnh cáo nhà cầm quyền Bình Nhưỡng về dự định phóng vệ tinh vào giữ tháng này vì đây là một hành động vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Leon Panetta và bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Naoki Tanaka đã thảo luận kế hoạch phóng vệ tinh của Bắc Triều Tiên trong một cuộc điện đàm và khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng bảo vệ Nhật Bản. Được biết Bình Nhưỡng đã công bố kế hoạch phóng vệ tinh vào khoàng 12 đến 16 tháng 4 nhân ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của chủ tịch sáng lập chế độ cộng sản Bắc Hàn Kim Il-Sung. Quyết định này đi ngược lại với lời tuyên bố của nhà cầm quyền Bình Nhưỡng vào ngày 29 tháng 2 khi đồng ý ngưng chương trình hạt nhân và phóng phi đạn tầm xa để nhận khoảng viện trợ lương thực cần thiết từ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment