Việt Nam có thể mua hệ thống radar tối tân của Công Hoà Tiệp
Bộ trưởng Quốc Phòng Cộng Hòa Tiệp Alexandr Vondra cho biết Việt Nam có thể mua hệ thống radar phòng không Vera tối tân cùng các loại máy bay và vũ khí chế tạo từ Cộng Hoà Tiệp.
Hệ thống radar Vera hiện nay là sản phẩm duy nhất trên thế giới có khả năng phát hiện loại phi cơ tàng hình. Cho đến nay chỉ có một số ít các quốc gia trên thế giới có hệ thống radar Vera như Estonia, Mã Lai, và Hoa Kỳ. Được biết vào năm 2004, Hoa Kỳ đã ngăn cản Cộng Hoà Tiệp bán loại radar tối tân này cho Trung Quốc. Trong chuyến công du Việt Nam gần đây, bộ trưởng Quốc Phòng Vondra cho rằng Việt Nam cần hiện đại hóa lực lượng quân đội hùng hậu hiện được trang bị loại thiết giáp và máy bay L39 do Cộng Hoà Tiệp sản xuất. Trong thời chiến tranh Việt Nam, Tiệp Khắc đã viện trợ cho quân đội Bắc Việt loại súng trường VZ58 mà vẫn còn được sử dụng tại Việt Nam.
Nga thay Anh quốc giúp Việt Nam khai thác khí đốt tại Biển Đông
Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho biết sẽ giúp PetroVietnam khai thác khí đốt tại Biển Đông kể từ khi công ty Anh quốc BP đã rút lui vì áp lực từ Trung Quốc vào năm 2009. Tổng giám đốc tập đoàn Gazprom Alexey Miller đã gặp chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm qua và cho biết sẽ chia 49% lợi nhuận với công ty quốc doanh PetroVietnam trong nỗ lực khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ở ngoài khơi Việt Nam. Đây là nơi có các mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh, thuộc Nam Côn Sơn nằm giữa quần đảo Trường Sa và bờ biển Việt Nam. Trung Quốc đã nhiều lần phản đối Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực này và đã buộc BP ngưng hoạt động trong một dự án dầu khí có vốn đầu tư lên đến 2 tỷ mỹ kim. Trữ lượng của mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh ước tính trên 55 tỷ mét khối khí đốt. Khi được khai thác, mỗi ngày hai mỏ có thể cung cấp từ 15 đến 20 ngàn thùng khí đốt. Mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh cách bờ biển Vũng Tàu gần 200 hải lý. Mới đây Trung Quốc kêu gọi các nước tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đàm phán tay đôi và trực tiếp với Bắc Kinh.Sau sau khi hội nghị thưởng đỉnh ASEAN bế mạc.
Tập đoàn bảo hiểm Trung Quốc ngưng bán bảo hiểm cho tàu chở dầu xuất cảng từ Iran
Tập đoàn China P&I cho biết sẽ ngưng bảo hiểm các chiếc tàu dầu từ Iran từ tháng 7 vì không muốn bị thua lỗ khi các công ty bảo hiểm Nhật và Âu Châu cắt giảm hoặc ngưng bảo hiểm các tàu chở dầu xuất cảng từ Iran dưới áp lực cấm vận. Đây là lần đầu tiên, các công ty lọc dầu Trung Quốc, hiện đang mua dầu của Iran nhiều nhất, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển tải số lượng dầu mua được từ các nước Trung Đông. Các nước Ấn Độ, Nhật và Nam Hàn cũng đang trong tình trạng khó khăn tương tự. Kể từ đầu năm, giá dầu thô lên đến gần 14% vì tình hình cấm vận đối với Iran. Giá một thùng dầu thô là 123 mỹ kim vào hôm thứ năm. Viên chức cao cấp của một công ty bán bảo hiểm cho hơn 1 ngàn tàu dầu tại Hong Kong cho rằng không ai muốn rắc rối khi Hoa Kỳ và cộng đồng chung Âu Châu cấm vận Iran. Hiện nay Iran xuất cảng mỗi ngày 2 triệu 200 ngàn thùng dầu thô đến các nước Á Châu dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật và Nam Hàn. Dưới áp lực cấm vận, một số nước cắt giảm số lượng dầu mua từ Iran, nhưng nếu không ai dám bảo hiểm cho mỗi tàu dầu 1 tỉ mỹ kim thì nguồn nhập cảng dầu từ Iran sẽ ngưng vào tháng 7. Niềm hy vọng còn lại sẽ đến từ các nước trong cộng đồng chung Âu Châu, khi một số nước cho rằng cấm vận Iran sẽ gây thiệt hại cho các công ty lọc dầu và bảo hiểm của họ một khi ngưng làm ăn với nuớc sản xuất dầu nhiều thứ nhì trên thế giới.
Nam Phi cấm người Việt săn tê giác
Bộ trưởng Môi Trường Nam Phi Edna Molewa cho biết người Việt Nam sẽ không còn được cấp giấy phép săn tê giác vì họ chỉ muốn lấy sừng bán bất hợp pháp với giá 60 ngàn mỹ kim một kí. Được biết, gần 60% đơn xin giấy phép săn tê giác từ năm 2010 là người Việt Nam. Sừng và tóc tê giác được người Việt tin có thể chữa bệnh ung thư trong khi số tê giác trong rừng Phi Châu có thể bị diệt chủng vào năm 2025. Khoảng 90 người đã bị bắt giam trong năm nay về tội săn tê giác mà không có giấy phép. Bộ trưởng Molewa cho biết chính quyền Nam Phi không tin tưởng người Việt tuân thủ nguyên tắc săn tê giác khi luật ghi rõ không được bán sừng. Đa số người bị bắt là người Việt. Khoảng 90% tê giác trên thế giới gồm 20 ngàn con đang sống trong rừng Nam Phi. Số tê giác bị bắn bất hợp pháp từ đầu năm nay là 159 con, và nhiều phần trăm sẽ có hơn 600 con tê giác bị bắn bất hợp pháp vào năm nay. Nhà nước Việt Nam đã đồng ý khám xét số lượng sừng tê giác mang về nước trong một thoả thuận với Nam Phi gần đây. Vào thàng trước một người Thái đến Nam Phi hành nghề mại dâm đã đứng ra xin giấy phép săn tê giác dùm cho một tay thợ săn ngoại quốc. Khoảng 150 lính canh tê giác đã được huấn luyện và trang bị đầy đủ để theo dõi các tay thợ săn trong rừng Nam Phi.
No comments:
Post a Comment