Việt Nam xiết chặt thêm thông tin mạng, người dùng Internet phải khai tên thật
Nhà cầm quyền Việt Nam đang có ý định sẽ ra một nghị định mới với dụng ý xiết chặt hơn những người sử dụng Internet thêm một mức nữa.
Các tờ báo ở Việt Nam cho hay một bản dự thảo "Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng" đang được Bộ Thông Tin-Truyền Thông soạn thảo nhằm thay thế nghị định 97/2008/NÐ-CP.
Những gì được hé lộ trên mặt báo cho thấy từ tháng 6 tới, khi cái nghị định mới được ban hành, các người sử dụng Internet ở Việt Nam phải dùng tên thật. Không được dùng một biệt hiệu, tên giả.
Theo bản tin báo Thanh niên "Tại điều 5 của dự thảo NÐ quy định rõ: Nghiêm cấm dùng các thông tin cá nhân giả mạo để sử dụng các dịch vụ Internet. Ðồng thời yêu cầu phải quản lý thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ theo quy định về đăng ký, quản lý và sử dụng thông tin cá nhân của Bộ Công An".
Quy định này sẽ đẩy tất cả các người dùng Internet viết blogs, hay các mạng xã hội bằng biệt hiệu, tên giả hầu tránh sự khủng bố của nhà cầm quyền, thành "đối tượng của các điều luật hình sự" như "tuyên truyền chống nhà nước" hoặc nặng nề hơn "hoạt động lật đổ chính quyền"...
Quy định về diện tích tối thiểu của một tiệm dịch vụ Internet, báo Thanh Niên nói rằng sẽ không khả thi ở những khu vực đông dân cư có điện tích kinh doanh chật hẹp, hoặc hàng chục ngàn cửa tiệm sẽ phải đóng cửa.
Nhiều người dùng Internet đã bị quy chụp vào các điều khoản hình sự mù mờ như: LM Nguyễn Văn Lý, LS Nguyễn Văn Ðài, LS Lê Công Ðịnh, LS Lê Thị Công Nhân, cựu sĩ quan Trần Anh Kim, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và nhiều người khác.
Ngoài các điều kiện cột người sử dụng Internet ở trong nước, các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ Internet hoặc các mạng xã hội như Facebook, Google, twitter phải đặt máy chủ ở Việt Nam để nhà cầm quyền Hà Nội kiểm soát.
Trước đây, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn buộc công ty Yahoo kiểm duyệt thông tin nhưng đã không áp đặt được vì công ty này ở ngoài Việt Nam nên không hoạt động theo luật Việt Nam.
Nếu nghị định mới được ban hành, người sử dụng Internet tại Việt Nam sẽ mất quyền tự do thông tin. Những năm qua, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đều xếp Việt Nam vào danh sách những nước "Kẻ thù của Internet".
Trước đây, chế độ Hà Nội đã buộc các tiệm dịch vụ Internet phải thiết lập danh sách khách hàng, báo cáo thường xuyên để làm tay sai cho công an kiểm soát người dân. Nay thì mỗi ngày một xiết chặt hơn.
Việc làm này của chế độ Hà Nội là bắt chước Trung Quốc.
Ngày 16 tháng 12 năm 2011, nhà cầm quyền thành phố Bắc Kinh buộc hơn 200 triệu bloggers ở đây phải khai báo tên thật trước khi vào các mạng xã hội.
Ngày 12 tháng 4 năm 2012, Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao chống chế cho quyết định siết chặt Internet là "để bảo đảm trật tự xã hội".
Tháng 11 năm ngoái, ba cha con nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn ở Tam Kỳ bị nhà cầm quyền tỉnh Quảng Nam phạt 270 triệu đồng vì dùng blogs và Facebook phổ biến các bài viết trình bày quan điểm cá nhân về các vấn đề thời sự của đất nước. Họ cương quyết không nộp phạt vì cho rằng mình không làm điều gì sai trái nhưng mới đây, họ nhận được thông báo sẽ bị cưỡng chế.
Mua thị trấn ở Mỹ để quảng cáo tên tuổi của mình
Sự kiện một người từ Sài Gòn bỏ ra $900,000 mua 'thị trấn một người' Buford, ở tiểu bang Wyoming, hồi đầu tháng này gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước và cả trên truyền thông Mỹ.
Chủ nhân mới của thị trấn này, là ông Phạm Ðình Nguyên, tổng giám đốc công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế có trụ sở tại Sài Gòn.
Sau khi thắng trong cuộc đấu giá, ông Nguyên nói với tờ Tuổi Trẻ hôm 7 tháng Tư: "Tôi nghĩ người Việt Nam chúng ta không nên tự ti. Không có gì là không thể!"
Ông Nguyên còn cho biết sẽ biến nơi đây thành một 'showroom' để giới thiệu các loại hàng hóa từ Việt Nam và nói thêm với báo Tuổi Trẻ, "Sở hữu một thị trấn như Buford là bàn đạp về mặt tinh thần để chúng tôi xuất khẩu sang thị trường Mỹ những thương hiệu Việt Nam. Ðồng thời cũng là cơ hội để chúng tôi giới thiệu những thương hiệu mới mà chúng tôi sở hữu."
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trên mạng Internet trái ngược với lời của ông Nguyên.
Trong một bài viết đăng trên trang BBC Việt ngữ, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ Nam California, nhận xét: "Những người phát triển địa ốc tại Hoa Kỳ có nhiều nơi đầu tư an toàn và sinh lợi cao hơn nhiều. Họ chỉ ngạc nhiên về lối đầu tư như mua pháo toàn hồng của các đại gia kia."
Mặc dù khẳng định việc đầu tư vào Mỹ là "một việc chính đáng đang được Hoa Kỳ khuyến khích" nhưng theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, thì "họ đầu tư qua Mỹ, để con em có chốn dung thân và bản thân có ngày hưởng nhàn trên đất tự do".
Ông Nghĩa nói thêm, "vì kết quả là các đại gia đã có thẻ đỏ ở nhà mà lại chôm thêm tấm thẻ xanh của Mỹ thì sẽ ăn trùm thiên hạ. Cho nên nếu có đầu tư vào bãi đáp Buford thì vẫn là sáng".
Cũng trên BBC Việt ngữ, nhà báo Bùi Văn Phú ở San Jose, California, đặt câu hỏi: "Ông Phạm Ðình Nguyên đang làm chủ một công ty lớn ở Sài Gòn nay lại một mình chọn nơi đó làm quê hương, tôi thấy hơi lạ. Hy vọng đây không phải là lối chơi ngông của những đại gia ở Việt Nam ngày nay."
Khác với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa và nhà báo Bùi Văn Phú, ông Phạm Lộc ở Houston cho rằng, việc ông Nguyên mua thị trấn ở Buford, chỉ là hình thức 'chơi nổi' mà các đại gia ở Việt Nam thường làm để 'giải quyết khâu oai'.
Ông Phạm Lộc nói, "Ông Phạm Ðình Nguyên đã thành công trong việc đánh bóng và quảng cáo tên tuổi của mình. Chỉ bỏ ra $900,000 mà tên ông được cả truyền thông Mỹ và Việt Nam nhắc đến thì đó là cái giá quá rẻ."
Một số độc giả của báo Người Việt cũng gởi ý kiến bày tỏ nghi ngờ về việc ông Nguyên mua thị trấn này.
Ðộc giả Nam Việt viết, "Chỗ đó vắng vẻ chỉ trồng cỏ và chế biến ice. Một thương gia dám bỏ cả triệu đô la mua thị trấn vô tích sự để làm gì? Quý vị có câu trả lời chưa? Tiền ở đâu ra mà ông ta bỏ ra như thế? Là thương gia cái nhìn phải xa, tiền phải đẻ ra tiền, trừ tiền in ra được hay từ trên trời rơi xuống."
Ðộc giả Trần Lang thì nghi ngờ ông Nguyên có mục đích chính trị: "Chúc mừng ông biết kinh doanh, dọn đường cho gia đình đến vùng heo hút ấy, rồi phân tán đi khắp nơi. Nhưng đừng lạm dụng để 'thành ủy UBND thành phố' cho vinh danh cờ máu cộng sản, rồi nhuộm đỏ khắp thành phố."
Ðại gia thủy sản Cần Thơ không chịu về Việt Nam trả nợ
Bằng một tấm giấy ủy quyền, nữ đại gia chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty thủy sản Bình An khoán trắng mọi trách nhiệm giải quyết nợ nần cho chồng là ông Trần Văn Trí.
Báo Tiền Phong tiết lộ tin nữ đại gia thủy sản Bình An, Phạm Thị Diệu Hiền đã ký giấy ủy quyền tại bệnh viện Fountain Valley thuộc thành phố Fountain Valley, Nam California. Với giấy ủy quyền này, coi như bà Diệu Hiền thông báo với chính quyền tỉnh Cần Thơ rằng, lệnh triệu hồi của họ vô hiệu lực đối với bà.
Theo báo Tiền Phong, ông Trần Văn Trí cho biết sẽ có mặt tại Cần Thơ vào ngày 13 tháng 4 để trả khoản 70% lương cho công nhân công ty thủy sản Bình An đã nghỉ việc vì nhà máy ngừng hoạt động.
Trong khi đó theo báo Tuổi Trẻ, nhà máy thuộc công ty thủy sản Bình An của đại gia Diệu Hiền vẫn chưa biết chừng nào hoạt động trở lại.
Trước đó, khoảng đầu tháng 3, hàng ngàn công nhân được thông báo tạm nghỉ việc trong vòng hai tuần lễ vì nhà máy thiếu nguyên liệu. Lịch trình hoạt động lại bị hoãn tới hoãn lui vì lý do chưa mua nguyên liệu kịp, khi thì nói vì chưa tu bổ xong máy móc... Cho tới ngày 2 tháng 4 vừa qua, chủ tịch nghiệp đoàn các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Cần Thơ lại nói rằng công nhân Bình An được lệnh tiếp tục nghỉ.
Còn theo báo mạng VN Express, khoảng hai mươi nông dân nuôi cá tra chủ nợ của công ty Bình An đã kéo đến tòa án thành phố Cần Thơ ngày 11 tháng 4 đòi lập thủ tục phá sản công ty con nợ.
Các nông dân này cũng đòi xem xét trách nhiệm cá nhân của bà Phạm Thị Diệu Hiền hiện đang ở Mỹ. Tuy nhiên, tòa án thành phố Cần Thơ đã không nhận đơn đòi phá sản công ty Bình An của các nông dân nói trên.
Chiều ngày 11 tháng 4, chính quyền thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng cần phải "chờ chỉ thị của thủ tướng cộng sản Việt Nam về chuyện nợ nần của công ty Bình An".
Vụ nợ hàng ngàn tỉ đồng của công ty thủy sản Bình An ở Cần Thơ bùng nổ sau đám cưới nổi đình nổi đám của con trai bà đại gia tổng giám đốc công ty. Trong khi đám cưới diễn ra tưng bừng với dàn siêu xe rước dâu từ Sài Gòn về đến Cần Thơ, hàng chục nông dân căng biểu ngữ đòi nợ.
Vụ Bình An vỡ nợ gây nên làn sóng dư luận dữ dội sau tin bà Diệu Hiền trốn sang Hoa Kỳ với lý do chữa bệnh, ủy quyền cho chồng ở lại để lo trả nợ.
Trường sập tiệm, học viên xiết bàn ghế trừ học phí
Cảnh tượng nhốn nháo, cãi cọ om sòm diễn ra tại cơ sở đào tạo chuyên ngành thiết kế thời trang Vmode ở quận Tân Bình, Sài Gòn sáng 11 tháng 4. Sau hồi tranh cãi, cuối cùng khoảng năm học viên và một phụ huynh giành giật nhau các máy may và vắt sổ.
Báo Tuổi Trẻ cũng cho biết, bà tổng giám đốc công ty Vmode xác nhận trưa ngày 11 tháng 4 về tin trường "dẹp tiệm" vì khó khăn về tài chính. Theo bà, mỗi học viên chỉ được trả một nửa số học phí bằng tiền mặt, còn một nửa số học phí còn lại thì họ cứ tha hồ "xiết" các vật dụng, tài sản tại trường để cấn nợ.
Báo Tuổi Trẻ cho biết một số học viên đã ghi danh, đóng tiền để theo học môn thiết kế thời trang tại cơ sở này hơn một tháng nay. Một học viên kể: "Theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi học bảy môn và phải đóng tổng cộng 60 triệu đồng cho mỗi năm học, tương đương 3,000 đô. Thế nhưng suốt học kỳ qua kéo dài được một tháng, tôi chỉ mới học được ba môn."
Những học viên nhanh chân đã đến chở đi máy may, máy vắt sổ, kể cả sách vở của trường. Còn những người đến sau thì được nhân viên nhà trường trực tại đấy khuyên nên... chở bàn ghế mà trừ.
Hàng loạt trạm xăng nghỉ bán vì lỗ
Người dân thành phố Huế đang "xính vính" vì một loạt trạm xăng đóng cửa, nghỉ bán, nại lý do lỗ lã kéo dài.
Theo báo Thanh Niên, chiều ngày 12 tháng 4, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế đã nhận được thông báo ngừng hoạt động của 13 công ty xăng dầu trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, trước đó đã có một số trạm xăng tại thị xã Hương Thủy và huyện Ngự Bình đóng cửa im lìm.
Chủ các trạm xăng than bị lỗ vì tỉ lệ huê hồng chiết khấu quá thấp mặc dù giá xăng đã được đẩy lên thêm 2,100 đồng lít tương đương với 1 đô la kể từ ngày 7 tháng 3 vừa qua.
Tin của báo Tuổi Trẻ nói rằng phần lớn đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được hưởng huê hồng khoảng 400 đồng/lít, tương đương với 2 cent. Có nơi chỉ được trả 50 đồng tiền bán mỗi lít xăng, tương đương với 0.25 cent.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, trước đây nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam dọa sẽ rút giấy phép các công ty xăng dầu đột ngột ngừng hoạt động. Nhưng cho đến sáng ngày 12 tháng 4, người ta vẫn chưa thấy có công ty nào bị rút giấy phép vì lý do này.
Tin đóng cửa, ngừng bán hàng được bà Phạm Trương Nguyên Phương, phó giám đốc công ty xăng dầu Hương Thủy ở thành phố Huế xác nhận. Bà Phương khẳng định vì "kinh doanh thua lỗ nên phải nghỉ bán thôi".
Hiện tượng đóng cửa các trạm xăng dầu thường là dấu hiệu báo trước việc tăng giá.
Nếu giá xăng lại tăng trong những ngày sắp tới, thì lại sẽ gây nên cơn "bão giá" mới tại Việt Nam, khiến dân nghèo thêm khốn khổ.
Một loạt động đất ở bờ biển Thái Bình Dương
Hai ngày vừa qua đã có một loạt những trận động đất từ trung bình đến mạnh xảy ra ở Hoa Kỳ và Mexico trong miền duyên hải Thái Bình Dương.
Chiều Thứ Tư, lúc 3 giờ 42, một trận động đất với cường độ 5.9 xảy ra ngoài khơi cách Oregon 160 dặm về phía tây. Sau đó ít phút có một chấn động 6.5 gần Michoacan, Mexico.
Sáng Thứ Năm lúc 0 giờ 6 phút, chấn động 6.2 trong vịnh California vùng Baja California, Mexico, cách San Diego khoảng 360 dặm về phía đông nam. Gần 10 phút sau, lúc 0.15 giờ một trận động đất mạnh 6.9 xảy ra cũng trong vùng vịnh California, trung tâm cách Guerrero Negro, Baja California, 82 dặm phía đông bắc và cách Phoenix, AZ, 326 dặm hướng nam-tây nam.
Không có báo cáo tổn thất đáng kể qua tất cả những trận động đất này.
Hai trận động đất tại Mexico đều gần đường nứt San Andrea là đường nứt quan trọng nhất chạy dọc theo bờ biển từ nam lên bắc California. Nhưng hôm Thứ Tư hai trận động đất ở Ấn Độ Dương phía tây Sumatra, Indonesia, cũng với cùng tính chất đã có cường độ tới 8.6 và 8.2 làm các nhà khoa học địa chất ngạc nhiên dù không xảy ra sóng thần sau đó.
Tại Hoa Kỳ, khu vực nguy hiểm nhất là vùng biển ngoài khơi Oregon và Washington nơi mảng kiến tạo Juan de Fuca đụng mảng kiến tạo Bắc Mỹ. Đây là khu vực va chạm được gọi là 'hút chìm' do một mảng chui xuống dưới mảng kia và như thế có thể tạo nên sóng thần lớn.
Khi tàu chìm thì mạnh ai nấy thoát thân
Một trăm năm sau vụ tàu Titanic chìm, hai nhà nghiên cứu Thụy Điển hôm thứ Năm công bố rằng, hành động mã thượng của quí ông trước tình huống thập tử nhất sinh, chẳng qua chỉ là "huyền thoại" và rằng sau mỗi cơn đại họa, phái nam thường sống sót nhiều hơn phái nữ và trẻ con.
Hai kinh tế gia Mikael Elinder và Oscar Erixon thuộc trường Đại Học Uppsala cho thấy trong bản nghiên cứu dày 82 trang, rằng thuyền trưởng và thủy thủ đoàn sống sót trong mỗi vụ tàu chìm là 18.7% nhiều hơn so với hành khách. Các tác giả này viết:
"Khám phá của chúng tôi cho thấy, trước cái chết thì mạnh ai nấy sống. Ông nào cũng lo tìm đường thoát thân cho chính mình."
Các nhà nghiên cứu phân tích 18 tai nạn hàng hải thảm khốc nhất thế giới, từ chiếc HMS Birkenhead bị mắc cạn ở Ấn Độ Dương vào năm 1852 đến chiếc du thuyền MV Bulgaria bị đắm trên sông Volga ở Nga hồi năm ngoái.
Phân tích từ danh sách hành khách, nhật ký hải hành, hai ông Elinder và Erixon nhận thấy đàn ông thật sự có ưu thế về bản năng sinh tồn.
Trong số 18 tai nạn với 15,000 người chết, chỉ 17.8% phụ nữ sống sót so với 34.5% phái nam. Ba trong số những vụ đắm tàu này, tất cả phụ nữ đều chết.
Báo cáo này cũng đề cập đến vụ chiếc Titanic bị chìm ở Bắc Đại Tây Dương vào sáng sớm ngày 15 tháng Tư, 1912. Các nhà nghiên cứu nói đây là một trường hợp ngoại lệ, phần lớn nhờ thuyền trưởng Edward Smith vì ông dọa bắn chết những người đàn ông không chịu nhường thuyền phao cho phụ nữ. Cuối cùng ông chết theo với tàu.
Tới ngày ngưng bắn: Phe chống đối kêu gọi xuống đường
Phe chống đối ở Syria kêu gọi toàn quốc xuống đường vào hôm Thứ Sáu, để thử xem chính quyền có giữ đúng cam kết ngưng bắn như đề nghị của Liên Hiệp Quốc hay không. LHQ cho rằng tình trạng này rất mong manh vì chỉ một phát súng cũng đủ làm mọi sự đều tan vỡ.
Bắt đầu từ rạng sáng Thứ Năm, lực lượng chính phủ ngưng pháo kích và các cuộc tấn công, mặc dù có những cáo buộc vi phạm của đôi bên. Tuy nhiên, quân chính phủ làm ngơ không rút quân về căn cứ như yêu cầu, vốn là điểm cốt yếu trong kế hoạch nhằm hòa dịu cuộc nổi dậy kéo dài suốt một năm, khiến 9,000 người thiệt mạng và đưa đất nước hướng đến cuộc nội chiến.
Sự hiện diện của xe tăng và quân đội có thể gây ngần ngại khi thực hiện những cuộc biểu tình lớn, nhưng lãnh tụ phe chống đối Syrian National Council là Burhan Ghalioun thúc giục người dân Syria biểu tình ôn hòa vào ngày Thứ Sáu. Ông Ghalioun loan báo:
"Ngày mai, cũng như mọi ngày Thứ Sáu, người dân Syria hãy xuống đường nhiều hơn và đặt chế độ phải đứng trước trách nhiệm của mình, đồng thời đặt cộng đồng quốc tế trước trách nhiệm của họ."
Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon, tuyên bố trước báo chí ở Geneva: "Chính quyền Syria có trách nhiệm phải chứng tỏ lời nói của họ đi đôi với hành động vào lúc này." Ông thêm rằng cả thế giới đang quan sát với cặp mắt hoài nghi. Ông thêm: "Tiến trình ngưng bắn này rất mong manh, có thể tan vỡ bất kỳ lúc nào. Chỉ một phát súng là công trình giảng hòa tiêu tan."
Ông Ban Ki-moon thêm: "Thật khó mà theo dõi được tình trạng tại chỗ vì không có sự tham dự của quan sát viên LHQ. Bởi vậy chúng tôi đang làm việc với Hội Ðồng Bảo An để đưa một toán quan sát viên sang đó càng sớm càng tốt."
Các nước ráo riết tìm mảnh hỏa tiễn của Bắc Hàn
Nhiều quốc gia bắt đầu cuộc săn lùng mảnh vỡ nhằm tìm hiểu về công nghệ tên lửa cũng như nguyên nhân thất bại, sau khi hỏa tiễn Bắc Hàn nổ tung.
Chỉ ít phút sau khi hỏa tiễn Triều Tiên rời bệ phóng sáng nay, Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố vụ phóng này thất bại. Vài giờ sau đó, Bình Nhưỡng mới lên tiếng thừa nhận điều này bằng một thông báo trên kênh truyền hình quốc gia và cho biết vệ tinh đã không thể đi vào quỹ đạo dự kiến. Tuy nhiên, tên lửa Triều Tiên rơi xuống đâu và quá trình rơi diễn ra như thế nào vẫn là một câu hỏi.
Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho hay hỏa tiễn đạt đến độ cao 151 km trên đảo Baengnyeong của Nam Hàn ở Hoàng Hải, gần biên giới tranh chấp trên biển giữa hai nước, trước khi vỡ thành khoảng 20 mảnh. Mảnh vỡ rơi trên biển trong một khu vực rộng lớn, cách thành phố Pyeongtaek của Nam Hàn khoảng 100-150 km về phía tây.
Ngay lập tức, hai khu trục hạm của Nam Hàn, vốn trước đó được trang bị để sẵn sàng bắn hạ tên lửa Bắc Hàn nếu cần, bắt đầu kiếm khắp Hoàng Hải để tìm mảnh vỡ. Các trực thăng cũng được điều động đến hỗ trợ, CBS Radio News cho hay:
"Chúng tôi đã xác định được vị trí của mảnh vỡ và đang cố gắng trục vớt nó"
Tuyên bố trên được đưa ra bất chấp cảnh báo tuần trước của Bình Nhưỡng rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm tiêu diệt hoặc thu thập mảnh vỡ tên lửa của nước này cũng sẽ bị trả đũa.
Tin từ thông tấn Yonhap thì cho hay hơn chục tàu hải quân Nam Hàn, trong số đó có nhiều tàu trang bị hệ thống siêu âm và được hỗ trợ bởi các thợ lặn, đã có mặt tại khu vực. Họ tin rằng những mảnh vỡ đang nằm dưới đáy biển với độ sâu khoảng 70-100 m..
Thủ tướng Anh thăm Miến Điện
Ông David Cameron vừa tới Nay Pyi Taw trong chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Anh tới Miến Điện trong hơn 60 năm qua.
Đây là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Đông Á của ông nhằm thúc đẩy các lợi ích của Anh quốc.
Ông Cameron đã hội kiến Tổng thống Thein Sein trước khi đến Rangoon để hội đàm với nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi.
Trước đó, ông đã hoan nghênh tiến trình dân chủ của Miến Điện và nói rằng, nước ông có thể sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Miến Điện.
Theo dự trù, Ông Cameron sẽ đến Singapore gặp thủ tướng Lý Hiển Long trước khi lên đường đi Miến Điện.
Miến Điện đã nằm dưới sự cai trị gần 5 thập kỷ của chính quyền quân đội vốn bóp nghẹt mọi tiếng nói phản kháng và nắm giữ quyền lực tuyệt đối, khiến Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác áp đặt lệnh cấm vận.
No comments:
Post a Comment