Việt Nam và Úc sẽ có đối thoại về nhân quyền
Từ ngày 26 đến 27 tháng 4, Việt Nam và Úc sẽ có đối thoại nhân quyền song phương thường niên lần thứ 9 tại Hà Nội. Giới truyền thông đang trông đợi kết quả ở cuộc đối thoại nhân quyền này.
Tiếp theo cuộc trao đổi về ngoại giao và quốc phòng giữa Việt Nam và Úc vào tháng 2 vừa qua, có thể nói cuộc đối thoại song phương về nhân quyền giữa hai nước được tổ chức từ ngày 26 đến 27 tháng 4 là một sự kiện quan trọng khiến nhiều người quan tâm.
Từ Huế, Linh mục Phan Văn Lợi lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do về mong đợi của ông đối với đối thoại nhân quyền lần này:
"Tôi mong rằng khi chính quyền Úc đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam thì phải luôn nhớ rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là độc tài và bao giờ họ cũng tìm cách duy trì quyền độc tài của họ trên đất nước Việt Nam.
Vì vậy, phải làm sao bắt buộc nhà cầm quyền Việt Nam khi đối thoại nhân quyền thì phải thực sự trả lại nhân quyền và dân quyền bằng hành động cụ thể ví dụ như bỏ điều 4 hiến pháp, trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân, quyền tự do tôn giáo, tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do đi lại và nhiều quyền khác".
Dân oan Trương Quốc Việt tiếp tục biểu tình tại tòa đại sứ Việt Nam tại Canberra
Trương Quốc Việt, một dân oan mất nhà đất tại Bình Thuận Việt Nam đã biểu tình trước tòa Đại sứ Việt Nam tại Canberra, Australia sang ngày thứ Tư tính đến hôm nay, ngày 26 tháng Tư.
Vào tối ngày hôm qua, biên tập viên Gia Minh của Đài Á châu Tự do có cuộc nói chuyện với anh Trương Quốc Việt. Anh cho biết lý do phải sang tận Australia để biểu tình trước tòa đại sứ Việt Nam.
Anh nói: Việc tôi đến đây là bất đắc dĩ mà thôi. Lý do vì gia đình tôi ở Việt Nam bị oan ức rất nhiều, đất đai nhà cửa của dì tôi bị cướp đi, bản thân tôi và dì tôi bị bắt nhốt tù. Không có oan ức, thê thảm gì hơn cảnh mà tôi và dì tôi đã phải gánh chịu.
Chúng tôi đã đi khiếu kiện rất nhiều nơi nhưng không có nơi nào giải quyết hết.
Nhân dịp này, tôi muốn nêu trường hợp của mình ra cho mọi người thấy, để mọi người có thể thấy rõ bản chất thực sự của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hiện nay như thế nào. Tôi cũng muốn nói với mọi người rằng, chúng tôi không còn gì nữa, chúng tôi phải ra đây để mọi người lấy 'điển hình' trường hợp của tôi làm tượng trưng cho tất cả những người dân oan tại Việt Nam hiện nay không có điều kiện để lên tiếng".
Ngư dân Việt Nam bị đánh đập khi Trung Quốc giam giữ
Theo tin của hãng thông tấn Pháp, một ngư dân Việt Nam hôm qua nói rằng ông đã bị đánh đập trong 7 tuần lễ bị Trung Quốc giam giữ vì đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam.
Ông Lê Lớn, cùng với 20 ngư dân khác, đã được thả hôm thứ Sáu sau 49 ngày bị Trung Quốc giam giữ. Ông nói rằng ông bị hành hạ và giam giữ trong những điều kiện vô cùng tồi tệ.
Ông Lê Lớn cho biết mỗi người được phát 2 bát cơm với rau mỗi ngày và một ít nước, mọi người phải ngủ trên sàn xi măng trong một căn phòng khoảng 40 mét vuông.
Lính Trung Quốc đã tra hỏi ông 14 lần, đánh và chích điện ông đến 60 lần.
Nhóm ngư dân bị bắt này thuộc 2 chiếc tàu đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc bắt hồi đầu tháng 3. Một trong hai chiếc tàu này đã đưa các ngư dân về nhà nhưng một chiếc vẫn còn bị Trung Quốc giam giữ.
Trong một tin khác hãng thông tấn Bernama cho biết Cảnh sát tuần dương Malaysia ở cảng Tok Bali, hôm chủ nhật đã bắt 3 chiếc tàu và câu lưu 32 ngư phủ Việt Nam tuổi từ 20 đến 61, về tội đánh cá bất hợp pháp trong hải phận Malaysia.
Pakistan phóng thử nghiệm phi đạn để phô trương sức mạnh quân sự
Quân đội Pakistan cho hay, họ đã thành công sau khi phóng thử nghiệm phi đạn Shaheen-1 trong ngày hôm nay.
Shaheen-1 đã có khả năng bắn trúng các mục tiêu tại Ấn Ðộ bằng vũ khí hạt nhân.
Vụ thử nghiệm phi đạn diễn ra chưa đầy 1 tuần lễ sau khi Ấn Ðộ tuyên bố đã bắn thử thành công một phi đạn mới có khả năng mang đầu đạn nguyên tử xa đến tận Bắc Kinh.
Các giới chức Ấn Ðộ nói vụ phóng thử cho thấy Pakistan đã gia nhập hàng ngũ các cường quốc phi đạn của thế giới.
Hỏa tiễn Agni V của Ấn Ðộ có tầm bắn 5000 km, và đã được mô tả là "một bước tiến vĩ đại" trong khả năng chiến lược của Ấn Ðộ, có khả năng mang đầu đạn nguyên tử xa tới tận thủ đô của Trung Quốc, cũng như thành phố Thượng Hải.
Ấn Ðộ và Pakistan đã đối đầu nhau trong 3 cuộc chiến từ khi giành được độc lập từ tay Anh Quốc hồi năm 1947.
Nam Hàn phòng thủ trước đe dọa tấn công của miền Bắc
Cảnh sát Nam Hàn cho biết họ đã tăng cường các cuộc tuần tra quanh trụ sở của 9 cơ quan truyền thông tại Seoul sau khi Bắc Hàn thề quyết sẽ tiến hành "biện pháp quân sự đặc biệt" nhắm vào các cơ quan này bằng "những phương tiện và phương pháp chưa từng có trước đây".
Chính phủ Nam Hàn nói rằng họ lo ngại về lời đe dọa "chỉ trong vài phút sẽ biến cơ sở hỗ trợ cho Tổng thống nước này thành đống tro tàn, kể cả một số phát thanh viên và tờ nhật báo hàng đầu Dong-a Ilbo".
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Nam Hàn, Cho Byung-Je mô tả lời đe dọa mới đây nhất là "rất gay gắt và nghiêm trọng".
Tại Bộ Quốc phòng, phát ngôn viên Kim Min-Suk nói với các phóng viên báo chí rằng, Bắc Triều Tiên có thể sẽ có các hành động khiêu khích mới.
Trước đây, miền Bắc vẫn thường tấn công khủng bố miền Nam, trong đó có những âm mưu ám sát các vị Tổng thống Nam Hàn.
Cần nhắc lại, Hoa Kỳ đã bãi bỏ một thỏa thuận viện trợ lương thực cho Bắc Hàn sau vụ phóng hỏa tiễn. Quyết định này khiến cho Bình Nhưỡng đưa ra một lời thề quyết trả thù.
Hội nghị thượng đỉnh các khôi nguyên giải Nobel Hòa bình
Lần đầu tiên tại Bắc Mỹ, Thành phố Chicago, Hoa Kỳ, đang tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới lần thứ 12, gồm các khôi nguyên giải Nobel Hòa bình. Hơn mười người được giải Nobel Hòa bình nổi tiếng đang quảng bá chủ đề của hội nghị là "Nói lên, Nói mạnh cho Tự do và Nhân quyền" qua một loạt các cuộc thảo luận trong suốt 3 ngày hội nghị. Ban tổ chức hy vọng chủ đề này sẽ có tiếng vang mạnh mẽ trong giới trẻ.
Em Manal Saleh được vinh dự giới thiệu cựu Chủ tịch Liên bang Sô Viết Mikhail Gorbachev, người được giải Nobel Hòa bình trước khi em sinh ra đời. Em nói: "Chủ tịch Gorbachev đến từ chỗ không có gì và thay đổi thế giới, ông đứng trước mặt em bằng xương bằng thịt, và làm cho em có nhận thức sâu sắc về giá trị của điều đó nhiều hơn."
Bà Kerry Kennedy, con gái của cố Thượng nghị sĩ Robert Kennedy và là một trong những người tổ chức hội nghị này, nói: "Đây là một hội nghị các nhà lãnh đạo thế giới, nhưng thực ra họ đưa một thông điệp là một người có thể làm thay đổi."
Cựu lãnh tụ Liên bang Sô Viết Gorbachev hy vọng nhiều người trẻ tham gia sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề trên thế giới như nghèo đói và thất nghiệp.
Ông nói: "Dĩ nhiên có những điều xảy ra trong giới trẻ làm chúng ta quan tâm, nhưng những người trẻ cần phải được tạo cơ hội để có một lập trường, một vị thế trong thế giới này, trong phạm vi của những vấn đề này, những vấn đề thực sự thế giới đang đối mặt."
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ và khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình năm 2002 Jimmy Carter nói :"Nhân loại phải nói - Chiến tranh đến sau, Hòa bình đến trước."
Cựu Tổng thống Nam Phi F.W. De Klerk đồng ý, nhắc lại lời của cựu Tổng thống Hoa Kỳ và khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Theodore Roosevelt. Ông nói: "Tổng thống Roosevelt đã nói có thời kỳ dùng cây gậy lớn và thời kỳ ăn nói dịu dàng. Có phải chúng ta đã có quá nhiều cây gậy rồi chăng? Và đây là lúc ăn nói dịu dàng?".
Hoa Kỳ xác nhận bệnh bò dại ở California
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ xác nhận một trường hợp nhiễm bệnh bò dại, đây là trường hợp thứ tư ở Hoa Kỳ, nơi một con bò sữa tại miền trung California.
Trưởng ty Thú Y, John Clifford, hôm thứ ba nói là không có nguy hiểm đến sức khỏe của con người. Ông cho biết, con bò bị bệnh không hề được nuôi để lấy thịt và sữa nên không lây bệnh.
Ông Clifford nói các biện pháp an toàn lâu nay của Hoa Kỳ và các quốc gia khác bảo vệ con người chống bệnh bò dại đang mang lại hiệu quả. Ông ghi nhận chỉ có 29 trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới trong năm 2011, giảm một cách đáng kể so với cao điểm của năm 1992 là 37.000 trường hợp mắc bệnh.
Vi trùng bò dại tấn công bộ óc của những gia súc và luôn luôn gây tử vong. Các bác sĩ tin là con người có thể mắc bệnh này nếu ăn thịt bò bệnh.
Ông Romney tăng cường tập trung vào cuộc tổng tuyển cử
Người được coi là ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Mitt Romney, đang tăng cường tập trung vào cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 sắp tới. Ông tìm cách thuyết phục các cử tri rằng, bỏ phiếu cho ông là một lựa chọn tốt hơn để lãnh đạo đất nước so với Tổng thống Barack Obama.
Ông Romney đã mở chiến dịch tấn công các chính sách của tổng thống Obama. Ông đã ra các tuyên bố, chỉ trích hành động của ông Obama đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe, năng lượng và đặt câu hỏi rằng, ông Obama đã làm được gì cho thanh niên kể từ khi lên cầm quyền.
Tổng thống Obama, đảng viên dân chủ, đã bắt đầu chuyến đi kéo dài hai ngày, quảng bá kế hoạch giáo dục bậc đại học rẻ hơn cho mọi người, với các chặng dừng chân tại các trường đại học ở các tiểu bang bầu cử quan trọng là North Carolina, Iowa và Colorado.
Tổng thống Obama muốn Quốc hội gia hạn một dự luật dự kiến sẽ hết hạn vào tháng Bảy, ngăn chặn việc tăng gấp đôi tỷ lệ lãi suất đối với các khoản vay của sinh viên.
Armenia kỷ niệm cuộc thảm sát tập thể trong thời Thế chiến Thứ nhất
Hàng ngàn người đã tập hợp tại Yerevan, thủ đô Armenia để tưởng nhớ những nạn nhân của vụ tàn sát tập thể những người Armenia do đế quốc Ottoman gây ra và thúc đẩy các chính phủ trên thế giới chính thức chấp nhận từ "diệt chủng"
Đám đông người tuần hành với đèn cầy và hoa đến đỉnh đồi kỷ niệm hôm thứ Ba để kỷ niệm lần thứ 97, những người chết trong kỳ Thế chiến thứ nhất được tổ chức vào ngày 24 tháng 4 vừa qua.
Armenia nói việc tàn sát 1,5 triệu người trong khoảng thời gian từ năm 1915 đến năm 1923 là diệt chủng, một cáo buộc bị Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ.
Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ phủ nhận có một chiến dịch có hệ thống chống lại người Armenia và cho rằng người Turk cũng chết trong những cuộc xáo trộn dân sự trong suốt thời kỳ tan rã của đế quốc Ottoman.
Tổng thống Barack Obama đưa ra một tuyên bố tôn vinh những nạn nhân và kêu gọi "công nhận thẳng thắn và công bình những sự kiện"của vụ tàn sát. Ông lên án vụ tàn sát "là một trong những vụ giết người tệ hại nhất trong thế kỷ 20, ông tránh không dùng chữ diệt chủng./.
No comments:
Post a Comment