Ðộng đất Indonesia lắc lư cả Việt Nam, dân Sài Gòn, Hà Nội chạy ra đường
Một trận động đất mạnh tới 8.6 độ Richter ngoài khơi Indonesia kèm theo một hậu chấn cũng mạnh tới 8.2 độ Richter không những làm dân chúng nước này hoảng sợ mà còn lắc lư cả Việt Nam.
Trận động đất xảy ra ở một vùng biển gần tỉnh Aceh dân cư thưa thớt và không gây thiệt hại gì đáng kể. Tuy sóng biển có dâng cao tới 1 mét nhưng chính phủ Indonesia đã hủy bỏ lệnh báo động cảnh giác với sóng thần.
Trận động đất ở ngoài khơi Indonesia hôm Thứ Tư quá mạnh nên đã làm rung chuyển một vùng rộng lớn từ Ấn Ðộ ở phía Tây và đến Việt Nam ở hướng Ðông dù cách xa vài ngàn cây số.
Theo bản tin một số báo ở Việt Nam, động đất xảy ra vào khoảng 4 giờ chiều. Rất nhiều người làm việc cho các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội và Sài Gòn đã chạy ra ngoài đường khi tòa nhà lắc lư.
"Tôi thấy mọi thứ chao đảo nhẹ trước mắt khoảng 3 phút", chị Thu Huyền làm việc tại cao ốc ở quận 1, Sài Gòn, nói với VNExpress. Nguồn tin cho hay, một số người tại cao ốc trên đường Ðiện Biên Phủ, quận 10 cũng cảm nhận rõ ràng về sự rung chuyển.
Australia hỗ trợ các dự án viện trợ trực tiếp tại Việt Nam
Đại sứ Úc tại Việt Nam, ông Allaster Cox, ngày 11/4 vừa loan báo chính phủ Úc sẽ hỗ trợ tài chính cho 13 dự án viện trợ trực tiếp cho các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam trong năm tài khóa 2011-2012.
Các dự án này sẽ tập trung giúp những người thu nhập thấp tăng thêm thu nhập, cung cấp đào tạo nghề và các phương tiện chăm sóc sức khỏe cho những người khó khăn, bao gồm phụ nữ và trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS và các thành phần cai nghiện.
9 tỉnh được nhận các dự án tài trợ trực tiếp bao gồm Hà Giang, Bắc Cạn, Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá và Hà Tĩnh.
Khoản tài trợ cho các dự án viện trợ trực tiếp của đại sứ quán Úc dành cho Việt Nam trong năm là 2,75 tỉ đồng, tức tăng 9% so với tài khoá năm trước.
Số tiền tài trợ tối đa cho các dự án nhỏ là 210 triệu đồng trên mỗi dự án, và mỗi dự án lớn có thể nhận được tài trợ lên tới 350 triệu đồng.
Đập thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ nước gấp 5 lần mức độ an toàn
Các quan chức quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 2 nhìn nhận đã nói dối về lượng nước "rò rỉ" từ các khe nứt trong thân đập.
"Lượng nước rò rỉ qua thân đập chính xác là 75 lít một giây chứ không phải 30 lít như công bố trước đây. Tuy nhiên đập thủy điện vẫn đảm bảo an toàn, nước trong lòng hồ đang dao động ở cao trình 155 mét, cao hơn mực nước chết 15 mét."
Trần Văn Hải, trưởng ban quản lý dự án thủy điện 3 xác nhận như vậy khi có phái đoàn Viện Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam đến khảo sát vào ngày 9 và 10 tháng 4, 2012 vừa qua.
Chảy như các con thác nhỏ từ các vết nứt trên thân đập đã làm hàng chục ngàn dân cư sống ở các vùng hạ lưu sông Tranh lo sợ đến tính mạng và tài sản.
Ðập thủy điện Sông Tranh 2 là đập lớn nhất miền Trung, xây dựng tại một vùng được xác định là nằm trong đới nứt gãy kéo dài đang hoạt động, được đặt tên là "Hưng Nhượng-Tà Vi-Trà Bồng."
Quan chức nhà nước từ phó thủ tướng đến chức sắc Tập đoàn Ðiện lực Quốc doanh (EVN) cam đoan đập vẫn an toàn, nhưng giới chuyên viên khoa học ở trong nước đều phát biểu ngược lại.
Hồi tháng trước, khi phát giác những vết nứt mà nước từ đó tuôn ra, có chỗ như vòi nước, một số nhân công đã nhét giẻ, hóa chất mong bịt các lỗ nẻ nhưng không thành công.
Theo ông Bùi Trung Dung, phó cục trưởng Cục Giám Ðịnh nhà nước về các công trình xây dựng cho hay, "mức cho phép thấm qua thân đập với công nghệ đầm lăn như đập chính thủy điện Sông Tranh 2 không được vượt quá 15 lít một giây."
Nếu như vậy, "với mức thấm qua thân đập này lên đến 75 lít một giây, là vượt mức cho phép đến 5 lần," VNExpress viết.
Còn ông Cao Ðình Triều, chuyên gia Viện Vật Lý Ðịa Cầu l thì cho rằng: "Đã phát hết công suất, hạ mực nước hồ thủy điện xuống gần đến mực nước chết mà lưu lượng nước thấm qua đập chính tăng lên đến 75 lít một giây, như vậy là quá nguy hiểm. Về nguyên tắc, xây dựng đập công nghệ đầm lăn không cho phép 1 lít nước nào thấm qua đập về phía hạ lưu chứ nói gì đến 75 lít một giây ở con đập có độ cao gần 100 mét so với hạ lưu như thế".
Bắc Hàn phóng hỏa tiễn thất bại
Sáng nay, Bắc Hàn đã phóng một hoả tiễn tầm xa 3 tầng lúc khoảng 6 giờ 39 sáng (giờ Việt Nam), nhưng hoả tiễn đã vỡ tan từng mảnh sau khi bay lên không trung được khoảng 90 giây. Hỏa tiễn Teapodong nổ cách thủ đô Nam Hàn 165 kilomet về hướng Tây.
Viên chức Hoa Kỳ vừa thông báo điều này với các công ty truyền thông Mỹ gồm ABC, AP và CNN. Viên chức này cho biết thêm, toàn bộ kế hoạch phóng vệ tinh của Bắc Hàn đã hoàn toàn thất bại.
Phóng viên của đài truyền hình ABC từ Seoul cho biết trung tâm điều khiển dưới đất của Bắc Hàn đã mất liên lạc với hoả tiễn sau hơn 1 phút phóng đi.
Giới chức Mỹ nói với hãng thông tấn Fox News là những dữ kịên theo dõi, có thể của Nam Hàn, cho biết hoả tiễn nổ tung bên trong bầu khí quyển và mảnh vỡ đã rơi xuống biển.
Nhắc lại, mặc dù bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ, Bắc Hàn loan báo sẽ phóng hỏa tiễn để đưa vệ tinh vào quỹ đạo trong thời gian từ 12 tới 16 tháng 4, nhưng không ngờ Bắc Hàn đã phóng sáng nay và đã thất bại hoàn toàn.
Tàu Philippines, Trung Quốc đụng độ ở Biển Đông
Một chiếc tàu hải quân của Philippines, 2 chiếc tàu của Trung Quốc và 8 chiếc tàu đánh cá đang lâm vào một vụ giằng co gần một bãi đá ngầm trong vùng Biển Ðông mà Philippines nói nằm sâu trong lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, Trung Quốc lại nói các ngư dân của họ đang ở trong lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Hải quân Philippines nói trong mấy ngày vừa qua, tàu tuần duyên của họ đã phát hiện các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá bất hợp pháp trong lãnh hải của họ ngoài khơi vũng Scarborough, cách tỉnh Zambales của Philippines 230 kilomét về phía tây.
Philippines lập luận rằng khu vực này nằm ngay trong phạm vi đặc khu kinh tế 370 kilomet của họ do luật quốc tế ấn định.
Người đứng đầu hải quân nói các sĩ quan đã lên 8 chiếc tàu và tìm thấy san hô, những con hào lớn, và cá mập sống được Philippines liệt kê vào các con vật có nguy cơ tuyệt chủng. Ông nói họ đã không bắt được các ngư dân này bởi vì 2 chiếc tàu của Trung Quốc đã đến nơi và đậu giữa các tàu đánh cá và chiếc tàu tuần của Philippines.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã triệu tập đại sứ Trung Quốc, ông đã nhắc lại Quy ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc, khẳng định rằng một quốc gia có chủ quyền đối với vùng biển nằm cách bờ biển của mình 370 kilomet. Ông nói, vòng đàm phán đầu tiên đã bị bế tắc, nếu bị thách thức, Philippines sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền."
Trung Quốc nhận mình là chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Ðông, dựa trên một bản đồ đã có từ nhiều thế kỷ. Ngoài Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng đòi chủ quyền một phần hay toàn bộ vùng biển này. Vùng này là khu vực có trữ lượng lớn về dầu hỏa và khí đốt thiên nhiên, và cũng là một trong những tuyến hàng hải nhiều tàu bè qua lại nhất.
Máy bay chở khách Nam Triều Tiên bị đe dọa đặt bom
Một phi cơ chở khách của hãng hàng không Korean Air của Nam Triều Tiên đã đáp khẩn cấp xuống một căn cứ quân sự của Canada, sau khi hãng máy bay nhận được lời đe dọa đặt bom.
Hãng máy bay này nói rằng chi nhánh của họ ở Mỹ nhận được lời đe dọa khoảng 25 phút sau khi chiếc Boeing 777 cất cánh từ Phi trường Quốc tế Vancouver để đi Seoul.
Máy bay đã chuyển hướng và đáp xuống căn cứ không quân Comox trên đảo Vancouver ở gần đó, qua sự hộ tống của hai chiếc chiến đấu cơ F-15 của Mỹ cất cánh từ thành phố Portland của tiểu bang Oregon.
Hôm thứ hai vừa qua, chuyến bay này cũng bị dọa nổ bom không bao lâu sau khi cất cánh từ Vancouver.
Bà Aung San Suu Kyi gặp Tổng Thống Thein Sein
Lãnh tụ đối lập tại Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, hôm Thứ Tư đã gặp Tổng Thống Thein Sein lần đầu kể từ khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội hồi đầu tháng này.
"Tôi cảm thấy hài lòng", nhà tranh đấu từng đoạt giải Nobel Hòa Bình này cho báo chí hay khi được hỏi về cuộc họp với vị tổng thống tại thủ đô Naypyidaw.
Tuy nhiên bà từ chối không cho biết những gì được thảo luận trong cuộc gặp gỡ dài một tiếng rưỡi đồng hồ.
Sau cuộc họp, bà Suu Kyi dùng bữa trưa với Tổng Thống Thein Sein và vợ ông ta.
Ðây là lần họp thứ nhì giữa bà Suu Kyi và vị cựu thủ tướng của Hội Ðồng Quân Nhân sau khi ông lên giữ chức tổng thống năm ngoái, đánh dấu sự chấm dứt gần một nửa thế kỷ quân đội trực tiếp cai trị quốc gia này.
Bà Suu Kyi bác bỏ các tin đồn cho rằng bà có thể trở thành một bộ trưởng trong chính phủ sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ túc Quốc Hội vừa qua.
Tuy nhiên bà cũng không bác bỏ việc có thể nhận vai trò cố vấn, đặc biệt trong lãnh vực tranh chấp với các nhóm võ trang thiểu số đang gây tình trạng bất ổn ở nhiều nơi trong nước kể từ khi quốc gia này được độc lập năm 1948.
Hai người có cuộc thảo luận đầu tiên hồi Tháng Tám năm 2011 khi quốc gia Myanmar khởi sự cải cách sâu rộng làm ngạc nhiên nhiều người ở trong cũng như ngoài nước.
Bà Suu Kyi từng nói rằng bà tin ông Thein Sein thực tâm muốn có cải cách dân chủ nhưng không biết là phía quân đội sẽ ủng hộ tới đâu.
Anh muốn bán vũ khí cho Indonesia
Thủ tướng Anh mang theo đoàn đại diện doanh nghiệp khoảng 30 người trong chuyến đi châu Á 5 ngày. Ông mong vực dậy nền kinh tế chậm chạp trong nước.
Thủ tướng Cameron nói với báo chí Indonesia rằng, Anh quốc sản xuất một số "thiết bị quân sự tốt nhất thế giới."
Có tin nói rằng Anh và Indonesia đang đàm phán hợp đồng mua 24 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoons với giá 2 tỉ đôla.
Indonesia đang muốn hiện đại hóa quân đội đang yếu kém, và cũng muốn xây dựng công nghiệp quốc phòng.
Sau khi Indonesia bị tố giác vi phạm nhân quyền tại Đông Timor, Papua và Aceh, cả Hoa Kỳ lẫn Anh đều ra lệnh cấm bán vũ khí cho Indonesia từ thập niên 1990.
Sau nhiều năm bị cấm vận vũ khí, đi kèm với nạn tham nhũng lan tràn trong quân đội, năng lực quốc phòng của Indonesia bị sút giảm đáng kể.
Các chuyên viên cho rằng, vì lý do đó mà Indonesia không muốn và cũng không thể can dự vào cuộc tranh chấp Biển Đông hiện nay./.
No comments:
Post a Comment