Kinh tế Việt Nam chưa phục hồi
Ông Ken Atkinson, giám đốc công ty tham vấn và kế toán Grant Thornton tại Việt Nam cho biết mức lạc quan về nền kinh tế tại Việt Nam giảm từ 34% vào cuối năm ngoái xuống còn 6% trong 3 tháng đầu năm nay. Được biết trong lúc nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục,
mức lạc quan về kinh tế trong vùng Á Châu Thái Bình Dương tăng 11% nhưng trong đó không có Việt Nam. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát 3 ngàn công ty tại 40 quốc gia. Ông Atkinson cho rằng những khó khăn mà Việt Nam cần phải giải quyết là tình trạng thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, phí tổn tài trợ cao, thiếu trợ giúp từ ngân hàng, không đủ khả năng vay nợ và nhất là tình trạng hối lộ đang loại Việt Nam ra khỏi cơn lốc phục hồi kinh tế trên thế giới. Ông Atkinson hy vọng những chính sách của nhà nước về lạm phát, tiền tệ và cán cân mậu dịch sẽ giúp phục hồi nền kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của 2012. Hiện nay tình hình kinh tế đang lên tại các nước công nghiệp hàng đầu của G7 đã gia tăng mức lạc quan về kinh tế đến 19% trong năm nay. Tuy nhiên công ty Grant Thornton cũng công nhận nhiều doanh nghiệp vẫn chưa lạc quan so với năm ngoái vì tình trạng phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh.
Đường Sài Gòn ngổn ngang sau cơn bão số 1
Nhiều cây cổ thụ đã đè lên giây điện, nhà ở và nằm ngổn ngang trên một số con đường tại Sài Gòn sau cơn bão số 1 mà tới hôm nay vẫn chưa được dọn dẹp. Tính đến sáng ngày thứ hai có đến 421 căn nhà bị trốc mái, hơn 400 cây bứng gốc, 11 ghe bị chìm và nhiều trường học bị hư hại. Cây đổ vào giây điện đã làm 85 hệ thống đường điện bị hư, 137 khu xóm bị cúp điện. Một số khu vẫn chưa có điện trở lại vào hôm thứ hai vì công ty điện không có đủ nhân viên sửa chữa. Một số khu vực nước ngập từ 30 đến 50 centi mét như Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Hòa Bình, Âu Cơ (quận Tân Phú), Bàu Cát, Đồng Đen (quận Tân Bình), tỉnh lộ 43 (quận Thủ Đức), Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Nguyễn Văn Quá (quận 12). Công nhân cưa cây phải làm việc liên tục tại các con đường lớn nhiều hàng cây xanh như đường Hai Bà Trưng, Lê Duẩn, khu vực công viên Tao Đàn (quận 1), Nguyễn Trãi (quận 5), Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình). Người đi đường phải len lỏi đi giữa bốn bề cây cối gẫy đổ.
Dưới sức ép của Trung Quốc, Cam Bốt không đưa vấn đề Biển Đông vào hội nghị Thượng đỉnh ASEAN
Cam Bốt, trong vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, cho biết vấn đề Biển Đông sẽ không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh, vào hôm nay mùng 3 tháng 4 năm 2012. Được biết chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hứa cho vay và viện trợ Cam Bốt hàng chũc triệu mỹ kim trong chuyến công du Cam Bốt vừa kết thúc ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc. Trong bản thông cáo chung, Cam Bốt và Trung Quốc đồng ý việc Trung Quốc và ASEAN nên tiếp tục thực hiện đầy đủ các điều trong bản Tuyên bố giải quyết vấn đề Biển Đông. Hai nước cũng đồng ý không nên quốc tế hoá vấn đề Biển Đông mà chỉ nên được giải quyết trong khuôn khổ ASEAN. Trước thái độ của Cam Bốt, Ngoại trưởng Phi Albert del Rosario đã yêu cầu các các nước trong khối ASEAN phải có một lập trường chung đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trước khi nhóm họp với Trung Quốc. Theo phái đoàn Phi Luật Tân, vấn đề Biển Đông phải được giải quyết thật sự và luật biển quốc tế phải được áp dụng. Hiện nay ông tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đang ủng hộ lập trường của Phi Luật Tân.
Phi chọc tức Trung Quốc với kế hoạch mở trung tâm du lịch tại Trường Sa
Chỉ huy trưởng hải quân Phi tại vùng tranh chấp Biển Đọng cho biết chính quyền Manila đang có kế hoạch biến đổi khu vực quân sự tại quần đảo Trường Sa trở thành các trung tâm du lịch bao gồm vùng lặn xem cá. Tuần trước, Trung Quốc đã phản đối kế hoạch của Phi Luật Tân về việc xây dựng một đoạn đường nối các hòn đảo san hô bao quanh, lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa mà Phi coi là chủ quyền của mình trong vùng tranh chấp. Khu vực này rộng khoảng 37 hécta được Phi đặt tên là
Pag-Asa, với một vài trăm người Phi sinh sống. Trong thập niên 90, du khách Nhật được thăm viếng các bãi biển rạn san hô do du thuyền Phi chở ra từ đảo Cebu. Hiện nay các quần đảo Trường Sa, gồm 250 đảo nhỏ không người ở trải rộng hơn 427 kí lô mét vuông mà Trung Quốc tuyên bố hoàn toàn thuốc về mình, nhưng các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan, Mã Lai và Brunei đều lên tiếng nhận chủ quyền. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từng trấn an các đồng minh trong khu vực rằng Hoa Kỳ sẽ là một đối trọng với Trung Quốc trong vùng Biển Đông.
No comments:
Post a Comment