Ngày 07.04.2012
Lời dẫn của HS: Những "sói biển", những "cột mốc di động" đó cần phải được bảo vệ. Nhưng không chỉ bằng những yêu cầu suông. Không chỉ bằng hơn yến gạo, đôi triệu đồng cầm hơi. Và nhất là không thể bảo vệ ngư dân chống lại những "hành động hải tặc", bằng cách đẩy những người tay không tấc sắt- phải đứng mũi "xua đuổi", "ngăn cản" những con tàu sắt mà đến quốc tịch của chúng cũng chỉ dám nói thầm là "tàu lạ". Chúng tôi xin gởi đến quý thính giả bài viết của Đào Tuấn có tựa đề: "Đẩy Sói Ra Biển" sẽ được ???? trình bày và gởi đến quý thính giả sau đây trong tiết mục Đất Nước Đứng Lên, để tiếp nối chương trình tối nay.
Thế là đã tròn một tháng kể từ ngày ngư dân Phan Văn Tân cùng với 21 bạn chài khác bị phía Trung Quốc bắt giữ khi họ đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Phan Văn Tân bị bắt khi con anh mới vừa ba tuần tuổi và trong nhà không còn một cắc. Anh bị bắt ngay tại Hoàng Sa, khu vực mà từ năm Bính Thân 1836 đã được nhắc tới và hiện còn lưu trong mộc bản triều Nguyễn: "Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu". Anh cũng bị giam ngay trên đảo Phú Lâm, một đảo thuộc quần đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Nhưng Phan Văn Tân không phải là trường hợp đầu tiên. Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, đầu năm 2012 đến nay, riêng Quảng Ngãi đã có 5 tàu đánh cá, 61 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giam, tịch thu ngư cụ, đòi tiền chuộc. Riêng năm 2011, có 17 tàu thuyền, với 200 ngư dân bị nước ngoài bắt và giam giữ, xua đuổi, phạt tù...
Phan Văn Tân chắc chắn cũng không phải trường hợp cuối cùng. Bởi, dù việc "bắt người, thu tàu, đòi tiền chuộc" đã diễn ra rất nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên, một quan chức của Cục Ngư chính Nam Hải công khai và trắng trợn tuyên bố: Sẽ xử phạt mỗi ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ khi đang đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 70.000 nhân dân tệ (hơn 200 triệu đồng). Liệu có một quốc gia có chủ quyền nào trên thế giới này lại công khai việc "bắt người đòi tiền chuộc" như một chính sách?
"Bị bắt tàu, thu giữ tài sản đã trắng tay rồi, nếu phải trả tiền chuộc thì chắc chắn tán gia bại sản"- đây là lời của "Sói biển" Mai Phụng Lưu, người 4 lần bị phía Trung Quốc bắt giữ, 2 lần bị thu tàu, 3 lần phải nộp tiền chuộc và 4 lần tán gia bại sản, nợ nần chồng chất, con cái ly tán mỗi đứa một nơi.
Có lẽ, việc đánh đập ngư dân, phá tàu, cướp tài sản, giam giữ, và đặc biệt là việc công khai đòi tiền chuộc một cách vô nhân đạo thường chỉ được dùng để chỉ hành động của những tên hải tặc.
Trong cái ngày "tròn một tháng" đó, ngư dân và những người quan tâm đến số phận của họ rơi nước mắt khi đọc bản tin của Thông Tấn Xã VN về việc Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chính thức yêu cầu phía Trung Quốc sớm thả vô điều kiện hai tàu cá và 21 ngư dân Việt Nam đang bị Trung Quốc giam giữ.
Nhưng sau 3 lần "yêu cầu", 21 ngư dân vẫn bị giam giữ. Và chị Nguyễn Thị Mai Trang, một phụ nữ ở An Vĩnh - Lý Sơn, ngày ngày vẫn ngồi trên bậu cửa dõi mắt ra phía biển khơi chờ chồng, dù nghèo rớt mùng tơi, đang tính đến chuyện "bán nhà chuộc người" khi không còn biết trông chờ vào đâu nữa.
Trước việc ngư dân bị bắt bớ, bị giam cầm, bị đòi tiền chuộc, hôm qua, trả lời phỏng vấn báo Quân đội nhân dân, ông Võ Thiên Lăng, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam lần đầu tiên đã nói về mô hình "Ngư đội Trường Sa": "Muốn tồn tại phải liên kết, tương trợ lẫn nhau. Nhất là trong trường hợp gặp hoạn nạn do thiên tai và chống lại sự khiêu khích của tàu nước ngoài", ông Lăng nói. Theo ông, "Khi có tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải, các tàu của ngư đội sẽ trực tiếp xua đuổi, hoặc cùng nhau thả câu, lưới... dài hàng chục hải lý trên lãnh hải chúng ta để ngăn cản, đồng thời thông báo với lực lượng chức năng trong bờ để có sự can thiệp kịp thời... Ngư đội Trường Sa còn tích cực tham gia xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc".
Nhưng liệu có "chất thêm củi" lên vai những ngư dân tay không tấc sắt để họ phải đối mặt với tàu to, súng lớn, thế mạnh?
Còn nhớ tại nghị trường tháng 10-2009, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng Quốc hội Lê Quang Bình từng phát biểu: "Dân quân tự vệ biển sẽ được trang bị súng, công cụ hỗ trợ để có thể tự vệ được khi bị tấn công. Đây là lực lượng nòng cốt giúp người dân khi ra biển, xác định đâu là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam". Dù ông Bình khẳng định dân quân tự vệ "để bảo vệ ngư dân, quyền lợi và chủ quyền của Việt Nam chứ không nhằm để chống lại bất cứ ai", nhưng chính vấn đề trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cho dân quân tự vệ biển đã khiến nhiều đại biểu QH e ngại khi cho rằng đây là vấn đề rất hệ trọng.
Trả lời phỏng vấn VietNamNet ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên nhấn mạnh sẽ không có việc trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân tự vệ biển trong điều kiện sinh hoạt sản xuất bình thường. "Trong thời bình, lực lượng dân quân tự vệ biển vừa hoạt động sản xuất, vừa có thể tham gia vào các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển hay tham gia các hoạt động khác khi Nhà nước yêu cầu. Chỉ khi có chiến tranh xảy ra, ta trang bị vũ khí thì họ mới trở thành lực lượng chiến đấu", tướng Nghiên nói.
Những ngư dân hàng ngày vẫn kiên trì dũng cảm ra khơi, bám biển trong mọi hoàn cảnh, bị các tàu Trung Quốc đâm húc, bị người Trung Quốc đánh đập, cướp phá, bắt giữ, tống tiền. Dù đôi khi việc ra khơi, bám biển chỉ thuần túy là chuyện áo cơm, nhưng sự xuất hiện của họ, không còn nghi ngờ gì nữa, như một thứ sứ mệnh truyền từ đời này sang đời khác, có ý nghĩa như những "cột mốc di động trên biển".
Những "sói biển", những "cột mốc" đó cần phải được bảo vệ. Nhưng không chỉ bằng những yêu cầu suông. Không chỉ bằng hơn yến gạo, đôi triệu đồng cầm hơi. Và nhất là không thể bảo vệ ngư dân chống lại những "hành động hải tặc", bằng cách đẩy những người tay không tấc sắt, phải đứng mũi "xua đuổi", "ngăn cản" những con tàu sắt mà đến quốc tịch của chúng cũng chỉ dám nói thầm là "tàu lạ"./.
Đào Tuấn
No comments:
Post a Comment