3 blogger bị truy tố về tội 'chống nhà nước'
Theo nguồn tin mới vừa nhận được, Viện Kiểm Sát ND TP HCM vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày, 60 tuổi) về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bị truy tố về cùng tội danh theo khoản 2 Điều 88 Bộ luật hình sự, bên cạnh ông Hải còn có bà Tạ Phong Tần (44 tuổi, ngụ Bạc Liêu) và ông Phan Thanh Hải (43 tuổi). Được biết Blogger Điếu cày và thành viên Câu Lạc Bộ đã có 421 bài đăng trên blog "Câu lạc bộ nhà báo tự do". Trong đó có 94 bài do các thành viên viết, 327 bài đăng lại từ các trang web đòi hỏi tự do báo chí và nhân quyền cho Việt Nam.
Cáo trạng của VKS cũng cho rằng, không chỉ là Chủ nhiệm CLB Nhà Báo Tự Do, ông Hải còn tổ chức các cuộc biểu tình để đưa tin và chỉ đạo thành viên trong CLB viết bài đăng trên blog nhằm tạo thanh thế.
Qui định về mức án cho 3 blogger chưa được tiếc lộ
Công an đánh linh mục Nguyễn Văn Bình trọng thương
Linh mục Nguyễn Văn Bình, chánh xứ Yên Kiện, hạt Thanh Oai, giáo phận Hà Nội đã bị đánh trọng thương vào lúc 7 giờ sáng thứ bẩy trong lúc họp mặt nhóm từ thiện Agape tại ngôi nhà mà cha Bình đã mua và sửa lại cho các em mồ côi và khuyết tật ở. Khoảng 200 công an, cảnh sát cơ động và dân phòng đã đến đập phá nhà và đánh luôn cha Bình khi ngài ra hỏi chuyện. Khoảng 300 người dân và giáo dân đã chứng kiến tại chỗ nhưng không ai dám ngăn cản. Tất cả các ngã đường dẩn đến khu vực đều bị cấm. Được biết ngày hôm trước, chính quyền xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã gửi công văn ngăn cấm linh mục Nguyễn Văn Bình đến gặp nhóm từ thiện Agape. Đây là một nhóm từ thiện chuyên giúp trẻ em mồ côi, từng được linh mục Nguyễn Văn Bình nhận về nuôi và giúp đỡ. Chính quyền địa phương đã đưa người tới ngăn chặn không cho các em mồ côi ở trong căn nhà tình thương mà nay đã bị phá hủy.
6 tu sĩ Phật Giáo đến Trường Sa để chuẩn bị cầu siêu trong Đại Lễ Phật Đản
Giáo hội Phật Giáo tỉnh Khánh Hoà đã phái 6 chư tăng đến Trường Sa để chuẩn bị cầu siêu cho các anh hùng tử sĩ vị quốc vong thân và các đồng bào tử nạn trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. Một tu sĩ trong phái đoàn là Đại Đức Thích Giác Nghĩa cho biết nhân dịp Đại Lễ Phật Đản, các nhà sư mang đến đảo Trường Sa đầy đủ vật dụng để tổ chức một đại lễ trang trọng nhất tại đây trong vài tuần nữa. Đại Đức Thích Giác Nghĩa nhắc lại việc thầy đã đến đây 3 lần để làm lễ cầu siêu cho những người đã hy sinh cho dân tộc. Kỳ này các thầy sẽ ở lại Trường Sa tu hành khoảng 6 tháng. Tưởng cần nhắc lại, vào dịp tổ chức "Tuần Lễ Biển và Hải Ðảo" vào đầu tháng 6 năm 2010, nhà nưóc cho biết đã trùng tu ba ngôi chùa Phật Giáo trên quần đảo Trường Sa như là một hình thức khẳng định chủ quyền. Các chùa tại đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn được Giáo Hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa chăm sóc. Được biết khoảng 20 trong số 148 đảo thuộc quần đảo Trường Sa có diện tích rộng đủ để ở nhưng cư dân phải được cung cấp nước ngọt hoặc có máy lọc nước. Đây là vùng biển nhiều thủy sản và dầu khí. Từ năm 1988 đến 1995, Trung Quốc đưa hải quân đến cướp 7 đảo nhỏ và bãi đá ngầm do Việt Nam và Phi quản trị rồi lên tiếng đòi chủ quyền toàn diện quần đảo Trường Sa. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã nộp cho Ủy Ban Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ đường "Lưỡi Bò" rồi tuyên bố hơn 80% lãnh thổ tại Biển Ðông thuộc về Trung Quốc.
Thủ Tướng Anh đến Miến Điện để chuẩn bị bỏ cấm vận
Thủ Tướng Anh David Cameron đã hội kiến với tổng thống Miến Thein Sein tại thủ đô Naypidaw và gặp lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi tại Yangon trong chuyến công du đầu tiên của một nhà lãnh đạo Tây Phương kể từ ngày phe quân phiệt ngưng độc tôn cai trị Miến Điện. Ông Cameron cho biết việc bãi bỏ cấm vận đối với Miến sẽ xẩy ra từng giai đoạn, nhanh chậm tùy theo tìến trình dân chủ hoá. Nhà lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi cho rằng thế giới cần bãi bỏ cấm vận một phần trong thời gian tiếp tục áp lực chính quyền cải tổ dân chủ. Được biết, các nước trong khối Liên Âu dự trù công bố cắt giảm mức cấm vận đối với Miến Điện vào ngày 23 tháng 4 sắp tới. Thủ tướng Anh đang đề nghị những cải tổ cần thiết và hứa giúp đổi mới hệ thống tài chánh ngoài việc kêu gọi các nước Tây Phương nới lỏng mức cấm vận. Trong một cuộc họp báo chung với dân biểu đắc cử Aung San Suu Kyi, ông Cameron kêu gọi người dân Miến noi gương sáng của lãnh tụ đối lập Suu Kyi để mau chóng đưa 60 triệu dân Miến hội nhập với nền dân chủ và tiến bộ toàn cầu.
No comments:
Post a Comment