Monday, April 23, 2012

Dân biểu AUNG SAN SUU KYI và tương lai của MIẾN ĐIỆN


Ngày 20.04.2012     

Lời Dẫn: Bà AUNG SAN SUU KYI dùng uy tín cá nhân để vận động thế giới Tây phương giải tỏa dần sự bao vây kinh tế và chính trị đối với Miến Điện. Có phải vấn đề ổn định chính trị của Miến Điện sẽ tùy thuộc vào sự khéo léo và tế nhị của bà Suu Kyi và thái độ của các nước Tây Phương? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Bình Luận của ông Trần Bình Nam với tựa đề: "Dân biểu AUNG SAN SUU KYI và tương lai của MIẾN ĐIỆN" qua sự trình bày của Song Thập để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trong cuộc bầu cử bổ túc 45 ghế dân biểu cho các đơn vị tân lập ngày 1 tháng 4 vừa qua tại Miến Điện, Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã đề cử 44 đại diện ra tranh cử tại 44 đơn vị toàn quốc, và đã thắng lớn tại 43 đơn vị. Bà Suu Kyi là một trong những dân biểu đắc cử. Có nhiều đơn vị đảng viên Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ thắng với 90% số phiếu đi bầu. Chính quyền của tổng thống Thein Sein đã công nhận kết quả bầu cử.

Không ai ngạc nhiên về kết quả của cuộc bầu cử. Nhưng nếu nhân dân toàn quốc phấn khởi, không phải thành phần nào cũng phấn khởi. Tại thủ đô Naypyidaw, các ký gỉả nước ngoài ghi nhận sự than phiền của một số quân nhân ngoài đường phố, bày tỏ sự lo ngại của họ trước thắng lợi quá to lớn này của Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ.
Tuy nhiên, người ta không biết sự lo ngại của thành phần sĩ quan và quân nhân cấp thấp có phải là mối lo của các tướng lãnh đang thật sự cầm quyền không.
Theo dõi tiến trình dân chủ trong hai năm qua, người ta có lý do để yên tâm, vì những nhân vật liên hệ – các tướng lãnh cầm quyền và bà Aung San Suu Kyi – đều trải qua một quá trình đấu tranh dai dẳng cho đến khi nhận ra rằng quốc gia đang bị một thế lực khổng lồ bên cạnh, tức Trung cộng chứ không phải là các nước Tây phương kiềm tỏa nên họ đã tìm cách làm hòa với nhau để cứu nước.
Quá trình tranh chấp quyền lực tại Miến Điện khởi đầu từ năm 1990 sau khi Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ thắng lớn chiếm 80% ghế quốc hội trong một cuộc bầu cử toàn quốc, nhưng không được các tướng lãnh trong Hội đồng Lãnh đạo công nhận. Bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia nhiều lần – khi bắt khi thả – dai dẳng trong gần 20 năm. Cho đến cuối năm 2010 bà được tân tổng thống Thein Sein, một tướng lãnh hồi hưu trả tự do. Bà dùng uy tín cá nhân vận động thế giới Tây phương giải tỏa dần sự bao vây kinh tế và chính trị đối với Miến Điện. Đổi lại, tổng thống Thein Sein thả tù nhân chính trị, nới lỏng sự tự do ngôn luận và cho phép các đảng chính trị, trong đó có Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ của bà Suu Kyi hoạt động.
Đắc cử dân biểu, từ nay bà Aung San Suu Kyi và Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ có tiếng nói tại quốc hội. Và tiếng nói của bà là tiếng nói uy tín được chính quyền và nhân dân lắng nghe, và quốc tế theo dõi. Tuy nhiên sức mạnh nghị trường, nếu có, sẽ do ảnh hưởng cá nhân của bà hơn là sức mạnh của lá phiếu. Với 43 ghế dân biểu Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ chiếm 6.7% trong hơn 664 ghế trong cả hai viện quốc hội. Theo Hiến pháp, Hội đồng Quân nhân Quốc Phòng đề cử 25% đại biểu, tức 166 ghế, trong giới quân nhân tại chức hay đã nghỉ hưu. Số 68.3% còn lại đều là đảng viên của đảng Đoàn kết Xây Dựng, đắc cử từ cuộc bầu cử do các tướng lãnh đạo diễn năm 2010. Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ đã tẩy chay cuộc bầu cử này.
Tuy nhiên thế chính trị giữa các tướng lãnh và Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ có thể thay đổi một cách căn bản trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2015 tới. Với sự ủng hộ của dân chúng như trong cuộc bầu cử vừa qua, Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ sẽ thắng dễ dàng và có thể chiếm hầu hết trong số 75 % ghế trong hai viện quốc hội.
Với đa số đó, Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ có thể kiểm soát nghị trình quốc hội và làm lu mờ thế của Hội đồng Quân nhân Quốc Phòng. Theo Hiến pháp 2008 bà Suu Kyi không đủ điều kiện để ứng cử tổng thống vì Hiến pháp đòi hỏi chồng hoặc vợ và con cái không được mang quốc tịch nước ngoài trong khi chồng và các con bà đều có quốc tịch Anh. Nhưng Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ có đủ phiếu để bầu một ứng viên khác của Liên Minh làm tổng thống.
Các tướng lãnh và đảng Đoàn kết Xây Dựng có chịu nhường quyền hành một cách dễ dàng như vậy không? Câu hỏi là một vấn nạn lớn của Miến Điện trong thời gian tới. Vấn đề ổn định chính trị của Miến Điện sẽ tùy thuộc vào sự khéo léo và tế nhị của bà Suu Kyi và thái độ của các nước Tây Phương. Tại trụ sở của Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ trong đêm chiến thắng 1 tháng 4, bà nói với đảng viên và dân chúng nhu cầu phải tự chế.
Âu châu và Hoa Kỳ cũng cần thận trọng vì nắm trong tay chìa khóa của cấm vận. Trong hai lĩnh vực kinh tế và quốc phòng, cần ưu tiên giải tỏa kinh tế để đời sống của nhân dân Miến Điện sau nhiều thập niên thiếu thốn được cải thiện nhanh chóng. Phần quân sự đi sau sẽ làm cho các tướng lãnh bị ràng buộc đôi chút, đồng thời không làm cho Trung quốc lo ngại. Sự đóng góp ảnh hưởng của bà Suu Kyi đối với chương trình giải tỏa cấm vận cũng cần được bà Suu Kyi cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhìn cách hành xử của tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi trong thời gian qua, chúng ta tin rằng hai nhân vật này sẽ đặt quyền lợi quốc gia lên trên và không theo gương chính trị đảng phái như hiện nay tại Hoa Kỳ cùng một số quốc gia khác.
Hoa Kỳ có một nền dân chủ đẹp nhưng quá máy móc. Sinh hoạt quốc hội Hoa kỳ đang nhiễm nặng màu sắc đảng phái, đang quên dần nguyên tắc "quyền thiểu số". Và màu sắc "phủ bênh phủ, huyện bênh huyện " này đang lăm le nhuộm cả Tối Cao Pháp Viện vốn là một cơ chế được "hiến định" không nằm trong vòng cương tỏa của đảng phái để làm nhiệm vụ trọng tài một cách công minh.
Nếu các tướng lãnh Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi theo con đường chính trị tự chế và tương nhượng nhau trong khuôn khổ luật pháp hiện hành để đưa đất nước Miến Điện ra khỏi bóng ma của độc tài, đảng trị và quân phiệt thì Miến Điện sẽ là tấm gương lớn cho Việt Nam và cho toàn thế giới./.
Trần Bình Nam

No comments:

Post a Comment