Biểu tình đòi đất, đòi người ở Hà Nội và Thanh Hóa
Ba cuộc biểu tình đông hàng trăm người xảy ra ở Hà Nội và Thanh Hóa trong ngày Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012 liên quan đến tài sản và phương tiện của nông dân và ngư dân bị nhà cầm quyền cướp đoạt.
Theo báo Dân Trí hôm Thứ Tư, sự việc bùng nổ vào ngày Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012 khi "hàng trăm người dân xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa thuê xe chở chiếc bè mảng bị cháy lên trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa để kiến nghị một số vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình". Nhà cầm quyền huyện Hoằng Hóa đã phải sử dụng một lực lượng đông đảo, hàng trăm "cán bộ, chiến sĩ" để ngăn cấm dân xã Hoằng Thanh đổ lên thành phố Thanh Hóa biểu tình trên quãng đường dài 15 km.
Ngư dân nghi ngờ dự án "quy hoạch khu du lịch sinh thái" đã bị nhà nước chủ mưu đốt tài sản của ngư dân không ngoài mục đích áp lực họ đi nơi khác.
Ngoài những nông dân của hai địa phương trên, còn có thêm dân oan của nhiều địa phương khác tham gia với các biểu ngữ chống cưỡng chế kiểu cướp ngày.
Riêng tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội, hàng trăm người đã kéo tới UBND huyện đòi thả một công nhân của một công ty sản xuất tăm tre đã bị "công an giả dạng côn đồ bắt cóc."
Blog Nguyễn Xuân Diện cập nhật tin tức nói "người dân thôn Tư Sản, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) kéo đến bao vây trụ sở UBND xã Phú Túc để đòi thả người. Người dân biểu tình bằng cách dựng rạp ngay trước cửa ủy ban xã, giơ cao biểu ngữ đòi thả người. Cho đến hôm nay, người dân vẫn chưa biết chị Nguyễn Thị Mây bị giam ở đâu, còn sống hay đã bị thủ tiêu?
Hoa Kỳ thúc Việt Nam trả tự do cho 3 bloggers
Hoa Kỳ hối thúc nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do cho 3 người viết blogs vận động dân chủ hóa đất nước.
Ông Nguyễn Văn Hải, chủ blog Ðiếu Cày, cô Tạ Phong Tần, người viết blog Công Lý và Sự Thật và ông Phan Thanh Hải, người viết blog ký tên anhbasg sau nhiều tháng bị giam giữ sẽ bị lôi ra tòa với các bản án có thể từ 10 năm đến 20 năm. Họ bị vu cho tội "Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN" theo khoản 2 điều 88 của Bộ Luật Hình Sự CSVN.
Bà Darragh Paradiso, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phát biểu hôm Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012 rằng "Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho họ cũng như các người viết blogs khác vì họ chẳng làm gì khác ngoài việc sử dụng quyền tự do diễn đạt được cả thế giới công nhận. Những trường hợp này là một phần trong chiều hướng gia tăng giới hạn quyền tự do diễn đạt bằng Internet tại Việt Nam."
Tuy tăng cường mậu dịch với Việt Nam, mối quan hệ quân sự quốc phòng cũng ấm dần với các cuộc diễn tập sắp diễn ra tại Ðà Nẵng vào tuần tới, Hoa Kỳ vẫn thường xuyên thúc hối Hà Nội cải thiện nhân quyền.
Hàng chục trí thức, người viết blogs gửi thư cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi trả tự do cho nhà báo tự do viết blog Ðiếu Cày nhưng không hề được trả lời.
Viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từng nói, "đối thoại nhân quyền với chế độ Hà Nội như đối thoại với người điếc".
Chiến hạm Trung Quốc sắp cập cảng Sài Gòn cùng lúc 3 chiến hạm Mỹ đến Ðà Nẵng
Chiến hạm mang tên Trịnh Hòa dùng để huấn luyện của Hải Quân Trung Quốc sẽ đến thăm cảng Sài Gòn cùng một thời gian với 3 chiến hạm Hoa Kỳ đến cảng Tiên Sa ở Ðà Nẵng.
Bản tin của tờ Giải Phóng Quân của Trung Quốc hôm Chủ Nhật loan tin tàu huấn luyện Trịnh Hòa sẽ rời quân cảng Ðại Liên tỉnh Liêu Ninh từ ngày 16 tháng 4, 2012 để bắt đầu chuyến thăm viếng 11 nước trên thế giới kéo dài khoảng nửa năm do Phó Ðô Ðốc Liêu Thế Ninh chỉ huy.
Nước đầu tiên tàu này sẽ đến là Việt Nam và sẽ cập cảng Sài Gòn từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 4, 2012.
Trịnh Hòa (1371-1433) là một thủy sư đô đốc nổi tiếng triều đại nhà Minh, gốc Hồi Giáo, được lịch sử Trung Quốc ca ngợi là người đã chu du thế giới bằng đường biển. Giai đoạn lịch sử này của Trung Quốc cũng là giai đoạn anh hùng áo vải Lê Lợi cầm đầu cuộc kháng chiến kéo dài suốt 10 năm từ 1418 đến 1428 đánh đuổi quân quân Tầu xâm lược và đô hộ ra khỏi đất nước Việt Nam.
Trịnh Hòa (Zheng He) được dùng tên đặt cho chiến hạm huấn luyện Hải Quân Trung Quốc trọng tải 6,000 tấn trang bị hai giàn hỏa tiễn và một trực thăng.
Tháng 7 năm 2010, Hải Quân CSVN cũng đã có một cuộc "Diễn tập trên biển" với Hải Quân Mỹ và đã bị báo chí của Bắc Kinh đả kích mạnh mẽ.
Soái hạm của Hạm Ðội 7 Hoa Kỳ, USS Blue Ridge cùng khu trục hạm USS Chafee và tàu cứu nạn USNS Safeguard dự trù đậu tại cảng Tiên Sa Ðà Nẵng 5 ngày, từ 23 đến 27 tháng 4, 2012. Soái hạm USS Blue Ridge từng đến đây năm 2010 cùng với khu trục hạm USS Lassen (do hạm trưởng gốc Việt Lê Bá Hùng chỉ huy).
Dù vậy, TTXVN ngày 13 tháng 4 năm 2012 loan tin, phái đoàn quân sự cao cấp của CSVN do Thượng Tướng Ðỗ Bá Tỵ, tổng tham mưu trưởng, cầm đầu sang Trung Quốc nhằm góp phần tăng cường chính trị giữa hai đảng và hợp tác quân đội hai nước.
Các cựu giới chức Vinashin kháng cáo
Tám cựu giới chức hàng đầu của Tập đoàn Tàu thủy quốc doanh Việt Nam, tức Vinashin, đã làm đơn kháng cáo đối với các bản án tù dài hạn mà họ nhận được trong vụ bê bối đã gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo AFP trong số các cựu giới chức này có cựu Chủ tịch Phạm Thanh Bình, 58 tuổi, người đã bị kết án 20 năm tù hồi tháng trước vì tội cố tình vi phạm qui định của nhà nước khiến tập đoàn này bị nợ nần chồng chất và làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.
Bảy cựu giới chức hàng đầu khác của tập đoàn đã bị kết án từ 3 đến 19 năm tù sau phiên xử kéo dài 4 ngày ở Hải Phòng.
Chủ tịch hội đồng xét xử nhận định rằng những người này bị kết án tù dài hạn vì "hành vi của họ rất nguy hiểm, gây bất bình trong công luận, làm giảm niềm tin của nhân dân và uy tín của quốc gia đối với giới đầu tư nước ngoài."
Bị cáo duy nhất liên quan đến vụ án không làm đơn kháng cáo là Nguyễn Tuấn Dương, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long, bị tuyên phạt 3 năm tù giam về tội sử dụng trái phép tài sản.
Tập đoàn Vinashin, một thời nhắm mục tiêu để trở thành một trong những công ty đóng tàu hàng đầu thế giới, đã ngưng hoạt động, bị phá sản hồi năm 2010 với số nợ lên tới 4,5 tỷ đôla.
Cải cách chính trị ở Myanmar và ảnh hưởng đến Việt Nam
Trong một bài viết trên trang mạng của tạp chí Foreign Policy ngày 17 tháng 4, 2012, với tựa đề "The Terrible Tiger", tác giả Dustin Roasa cho rằng, cải cách chính trị đã đem lại cho Myanmar một bộ mặt mới trước nhãn quan của thế giới, và ngày nay Việt Nam còn lại là một nước đàn áp chính trị nhất ở Đông Nam Á.
Dustin Roasa nhắc lại rằng sau bốn thập niên chiến tranh kết thúc, Việt Nam được coi là một mẫu mực thành công, một "con cọp" về phát triển ở châu Á, nhưng về chính trị và nhân quyền thì là một "con cọp kinh hoàng". Trong lúc chế độ Myanmar đã mở rộng tự do thì Việt Nam vẫn tiếp tục trấn áp đối lập. Từ tháng 1 năm 2012 khi hội đồng quân sự cầm quyền ở Myanmar phóng thích hàng trăm tù nhân chính trị, thì tại Việt Nam cơ quan an ninh đã bắt giữ ít nhất hơn 15 nhân vật đối kháng và kết án tù 11 người khác. Myanmar bắt đầu cấp thông hành cho phóng viên ngoại quốc và nới lỏng sự kiềm chế báo chí trong nước nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ các ký giả trong và ngoài nước, ngăn chặn Facebook và nhiều websites "nhạy cảm" khác. Tổ chức "Ký giả Không Biên giới" xếp Việt Nam hạng áp chót, 172 trên 179 nước.
Phil Roberson, Phó giám đốc phân bộ Á Châu của Human Rights Watch, nhận xét: "Việt Nam đang bắt đầu nhận ra rằng, bằng việc đàn áp các quyền căn bản của con người, họ đã dấy lên những sự so sánh với Myanmar để thể hiện là một chế độ tệ hại nhất về vi phạm nhân quyền trong khối ASEAN".
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân ở Washington, bào đệ của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà đối lập đã hơn 30 năm bị cầm tù và quản thúc tại gia ở Việt Nam, cho biết trong một lần nói chuyện gần đây, bác sĩ Quế tin rằng "Mọi chuyện bây giờ đã thay đổi. Dân chúng không còn sợ hãi như 10 năm trước nữa, giới trẻ ngày càng tham gia và càng bị bắt thì phong trào dân chủ càng mạnh hơn".
Thêm nhiều quốc gia giảm mua dầu Iran
Nhật Bản loan báo, bắt đầu giảm mức nhập cảng dầu hỏa từ Iran nội trong Tháng Tư, trong khi đó các nước ở Âu Châu và Ðài Loan cũng sẽ giảm theo.
Nhật giảm số lượng 80% trong Tháng Tư so với hai tháng đầu năm 2012. Việc cắt giảm số lượng 250,000 thùng mỗi ngày được xem là nhiều nhất trong bốn nước Á Châu.
Tại Âu Châu, các nước mua dầu của Iran cũng đã giảm xuống 75,000 thùng mỗi ngày.
Cả Âu Châu lẫn Hoa Kỳ đang cố gắng siết chặt nguồn lợi của Iran từ việc xuất cảng dầu hỏa, để buộc nước này phải ngưng chương trình nguyên tử mà họ e là mục đích để chế tạo vũ khí nguyên tử, điều mà Iran vẫn cho là chỉ để xây dựng nhà máy điện nguyên tử.
Biện pháp cấm vận khiến nâng giá dầu hỏa trong Tháng Ba lên đến $128 mỗi thùng, cao nhất tính từ năm 2008.
Biện pháp của Liên Âu còn cấm các hãng bảo hiểm ở Âu Châu, vốn cung cấp bảo hiểm cho 90% tàu dầu trên thế giới, không được bán bảo hiểm cho tàu lấy dầu từ Iran đến bất kỳ từ đâu. Các công ty bảo hiểm Nhật cũng thi hành biện pháp tương tự.
Hàng chục người bị bắt trong vụ Bạc Hy Lai
Trung Quốc bắt giữ hàng chục người bị coi là có dính líu đến vụ Bạc Hy Lai, vào lúc đảng Cộng Sản cam đoan sẽ "điều tra ông tường tận" và vai trò của vợ ông về cái chết của một thương gia người Anh tên Neil Heywood.
Báo Telegraph tường thuật 39 người đã bị bắt ở thành phố duyên hải Bắc Ðái Hà, vốn là nơi nghỉ mát ưa chuộng của các lãnh tụ đảng.
Wang Kang, một học giả độc lập và nhân vật tiếng tăm ở Trùng Khánh, cũng là một trong số ít người biết rõ thông tin nội bộ về việc ông Bạc bị tước mất quyền bính, nói rằng: "Trong số người bị bắt có Xu Ming, người có quan hệ rất đặc biệt với ông Bạc, và những người khác làm việc gần gũi ông, phần lớn đều từ thành phố Ðại Liên và những nơi khác chứ không xuất thân từ Trùng Khánh."
Ông Wang cho biết thêm, ông Xu nằm trong số những người giàu nhất ở Trung Quốc và là một tỉ phú đứng đầu tổ hợp kỹ nghệ Dalian Shide. Đến nay, Ông Xu vẫn biệt tích.
Pháp chuẩn bị bầu Tổng thống
Mười ứng cử viên ra tranh chức vụ Tổng thống Pháp năm nay, dù không ai có hy vọng được 50% số phiếu cần thiết để thắng ngay vòng đầu. Điều này có nghĩa là hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ đối đầu trong vòng hai, dự trù tổ chức vào ngày 6 tháng 5 tới đây.
Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy đương kim Tổng thống Nicholas Sarkozy và ứng cử viên của Đảng Xã hội Francois Hollande sẽ gặp nhau trong vòng hai. Phía cực tả có ông Jean-Luc Mélenchon, một cựu đảng viên Trốtkýt và cựu bộ trưởng trong nội các Xã hội, đã bỏ đảng để thành lập liên minh Mặt trận Cánh tả.
Giữa Mặt Trận Quốc gia của bà Le Pen và Mặt Trận Cánh tả của ông Mélenchon có ông Francois Bayrou mang quan điểm ôn hòa. Cách đây 5 năm, trong vòng đầu của cuộc bầu cử Tổng thống, ông làm rúng động các nhà phê bình và các tổ chức chính trị khi chiếm được gần 1/5 số phiếu./.
No comments:
Post a Comment