Lá Thư Úc Châu lần này xin tóm lược qua một số diễn biến quan trọng trong lãnh vực Quốc phòng và Di trú của nước Úc.
Về Quốc phòng, Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, Ray Mabus vừa thăm Úc để thảo luận việc tăng cường hợp tác quân sự Úc –Mỹ và sự hiện diện của Mỷ tại vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương trong đó có các sự việc đáng chú ý sau đây:
Thứ nhất, thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ luân phiên đến Darwin, lãnh thổ Bắc Úc, đợt đầu tiên 250 Thủy Quân Lục Chiến đã đến. Con số này sẽ lên đến 2,500 người vào năm 2016.
Thứ hai, Hoa Kỳ sẽ được xử dụng nhiều căn cứ quân sự ở miền Bắc Úc, bao gồm:
* Mở rộng căn cứ hải quân HMAS Stirling tại Perth, Tây Úc, để trong tương lai lâu dài các hàng không mẫu hạm, chiến hạm và tàu ngầm nguyên tử Mỷ có thể thăm viếng và xử dụng cho các hoạt động trong vùng Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.
* Sử dụng hải đảo COCOS, lãnh thổ cách xa Úc 2750 km về phía Tây Bắc của Perth,Tây Úc, gần với Indonesia (Nam Dương) được xem là căn cứ lý tưởng cho các phi cơ thám thính có hay không có người lái của Mỷ để tuần tra vùng biển phía bắc nước Úc và Đông Nam Á.
Từ các căn cứ tại miền Bắc nước Úc và nhất là từ hải đảo COCOS, các phản lực cơ chiến đấu tối tân và chiến hạm của Mỷ đến vùng biển Đông rất gần, khoảng một vài giờ bay.
Các giới chức Úc - Mỷ đều cho rằng, việc tăng cường quân sự trên chủ yếu nhằm có đủ phương tiện cần thiết để trợ giúp về mặt nhân đạo cho các thiên tai trong vùng như: động đất, song thần.
Tổng Trưởng Quốc Phòng Úc, Stephen Smith nhấn mạnh rằng, Úc không có chính sách "ngăn chận" Trung Quốc mà thực sự muốn thấy Trung Quốc, một thế lực lớn trong vùng, là một thành phần tham dự có trách nhiệm.
Ngoài chính sách về Quốc Phòng, chính sách Di trú Úc cũng có phần thay đổi qua việc thành lập Bộ Dân Số Liên Bang (Department of Sustainability, Environment, Water, Population and Communities). Lần đầu tiên chính phủ Úc quyết định rằng, việc chọn thêm dân số trong tương lai phải tiến hành dựa trên nghiên cứu khoa học cùng với nguyện vọng của người dân. Trước đây chính sách Di trú Úc chỉ vì quyền lợi của các tổ chức chính trị và các đại công ty cho nên dân chúng Úc cho là cực đoan.
Các đại công ty, các sắc tộc và phe đối lập thường kêu gọi cần phải đẩy mạnh thêm trong việc nhận di dân để đạt nhu cầu cần thêm nhân dụng cho tương lai phát triển của nền kinh tế Úc. Một số bảo thủ và đảng phái kêu gọi chấm dứt thu nhận di dân vì sợ mất tài nguyên và gây hư hại môi trường sinh thái.
Thống kê về kinh tế cho thấy, từ nay đến năm 2025 nhu cầu nhân dụng của Úc sẽ tăng từ 0.9% đến 2.1% mỗi năm. Dân số Úc có 41% là những người sinh vào những năm trước 1965 và tỷ lệ sinh sản vào thập niên 1990 rất thấp. Do đó, nếu không nhận thêm di dân làm lực lượng chính, thì nước Úc sẽ thiếu nhân sự cần thiết để nền kinh tế phát triển.
Chính sách Di Trú tương lai này được vạch ra được sự cân bằng 2 vế. Một bên dự báo phát triển kinh tế và nhân dụng, bên kia cân bằng môi trường và tài nguyên. Khi chính sách này thực hiện, chính phủ sẽ không còn quan ngại về các cuộc vận động hành lang.
Từ tháng 7 năm nay, chính sách sẽ thay đổi trong chương trình thu nhận tay nghề chuyên môn, sẽ ưu tiên thu nhận di dân có ngành nghề chuyên môn để phát triển dân số và kinh tế. Bảng tính điểm mới (New Points Test) sẽ giúp tuyển lựa tay nghề có kinh nghiệm tốt hơn trước. Diện di dân có tay nghề do các công ty bảo lãnh đã thành công tốt đẹp trong thời gian vài năm qua vì các công ty thấy được khả năng thật sự, có kinh nghiệm trong quá khứ chứ không dựa vào bằng cấp hay giấy chứng nhận của chính quyền nơi cư ngụ.
Diện di dân đoàn tụ gia đình chiếm khoảng 30% trên tổng số di dân đến Úc mỗi năm, nhưng diện này không được đánh giá cao và không được xem trọng. Nhưng nhờ diện này mà cuộc sống gia đình nhiều công dân Úc được ổn định và tỷ lệ thất nghiệp trong số những di dân đoàn tụ gia đình này cũng giảm xuống nhiều theo thời gian thường trú.
Quan trọng hơn hết là kể từ tháng 7 năm nay, các thủ tục hành chánh rườm rà, phức tạp sẽ được hủy bỏ thay vào những thủ tục giản tiện trong luật di trú mới. Các loại visa sẽ đơn giản hơn, ít đơn từ hơn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, mọi thủ tục giản tiện, nhưng việc cứu xét sẽ không đơn giản như nhiều người mong muốn vì tiêu chuẩn cứu xét sẽ cao hơn trước./.
Bửu Sơn
No comments:
Post a Comment