Ngày 12.04.2012
Lời dẫn: Quyền sỡ hữu đất đai là một sáng kiến từ thời phong kiến, nhưng nhờ quyền này và biện pháp ban thưởng cho những người có công khai phá đất hoang, nên mức sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng và bờ cõi ngày càng được mở mang thêm. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Quan Điểm của LLDTCNTQ với tựa đề: "Quyền Sở Hữu Đất Đai Một Vấn Đề Sinh Tử của Đảng CSVN" qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Biến cố Tiên Lãng, Hải Phòng xảy ra vào đầu năm 2012 đã như một quả bom nổ ngay tại quảng trường Ba Đình ở Hà Nội. Nó đã nổ lớn vì nhà nước đã cố tình không giải quyết đơn khiếu kiện chính đáng của ông Đoàn Văn Vươn mà lại còn cho công an, bộ đội đến cưỡng chế một cách dã man, bất hợp pháp 30 ha đất đầm nuôi trồng thủy sản mà gia đình ông đã tốn không biết bao tiền bạc và công sức ra thực hiện . Rõ ràng dưới chế độ Cộng Sản hiện nay, cán bộ không phải là đầy tớ của dân như ông Hồ Chí Minh vẫn thường rêu rao. Họ đã hành xử man rợ còn hơn thực dân và coi dân như cỏ rác!
Oan ức, căm phẩn và bị dồn vào đường cùng đến nỗi tức nước vỡ bờ, ông Đoàn Văn Vươn và gia đình đã không còn cách nào khác mà phải xử dụng biện pháp tự vệ chính đáng bằng bom gas tự chế và súng hoa cải để chống lại lực lượng gồm hàng trăm công an, bộ đội và quân khuyển đến tấn công. Dư luận tại Việt Nam, từ nông dân, trí thức đến cựu chủ tịch nước, tướng lãnh, nhiều nhà cách mạng lão thành và báo chí khắp nơi đã đồng loạt lên án hành động sai trái nghiêm trọng của nhà cầm quyền huyệnTiên Lãng và thành phố Hải Phòng. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phải lên tiếng xác nhận việc cưỡng chế và đốt phá nhà cửa gia đình ông Đoàn Văn Vươn là trái pháp luật. Thủ Tướng đã ra lệnh điều tra vụ việc để trừng trị các cấp lãnh đạo tại quận Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng.
Cách đây gần 15 năm, một biến cố kinh hoàng khác cũng đã xảy ra tại Thái Bình. Hồi đó nông dân từ 5 huyện Đông Hưng, Tiền Hải, Hưng Hà, Quỳnh Phụ và Thái Thủy đã nổi lên chống chính quyền địa phương vì lệnh bắt dân đóng thuế điện đường nhằm tạo cơ hội cho viên chức tham nhũng móc tiền dân bỏ túi. Họ đã đốt phá trụ sở Ủy Ban Nhân Dân và bắt mấy cán bộ làm con tin trong nhiều ngày. Tình hình khẩn trương đến nỗi Bộ Chính Trị phải cử ông Phạm Thế Duyệt, thường vụ Ban Bí Thư đứng ra phụ trách một toán đặc nhiệm để lo khẩn trương giải quyết. Nhà nước đã huy động một lực lượng đông đảo bộ đội đóng chốt và kiểm soát chặt chẽ mọi tuyến đường từ Thái Bình đến các tỉnh, không để tin tức cuộc "nổi loạn" nầy loan truyền đi các nơi khác, nhất là thủ đô Hà Nội, gây hoang man, bất lợi cho chính quyền.
Từ ngày Hiến Pháp 1980 quy định đất đai là sở hữu của toàn dân do nhà nước quản lý,
khắp nơi từ Nam ra Bắc đã xảy ra hàng ngàn vụ dân oan khiếu kiện, nhất là sau khi sắc luật năm 2003 cho phép nhà cầm quyền địa phương ấn định giá bồi hoàn đất đai cưỡng chế một cách tùy tiện. Từ đó, các tham quan tha hồ làm giàu do đền bù đất đai cưỡng chế với giá rẽ mạt, bất công rồi bán lại cho tư bản ngoại quốc với giá cao hơn gấp bội có khi lên đến vài chục lần.
Vì thế, số dân oan khiếu kiện ngày càng gia tăng và mức độ ngày càng trầm trọng. Sau biến cố Thái Bình, nhiều vụ xung đột đất đai giữa dân chúng và cán bộ địa phương đã liên tục xảy ra tại nhiều nơi như Cồn Dầu, Đồng Nai, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Thái Hà, Pleiku, Nghệ An, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Đà Nẵng, v.v. Đã có những cuộc biểu tình kéo dài từ tuần này sang tuần khác với hàng trăm dân oan khiếu kiện tụ họp tại Quốc Hội ở Hà Nội và văn phòng 2 của Quốc Hội tại Sài Gòn.
Theo tài liệu nghiên cứu của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang, một chuyên gia Địa Chất từ Hà Nội thì từ thời các vua Hùng Vương đến nhiều thế kỷ về sau, đất đai thuộc quyền sở hữu của vua chúa. Quyền tư hữu ruộng đất chỉ bắt đầu phát triển dần dần do các vua cấp phát cho các vương hầu, tưởng thưởng cho những người có công với vua. Về sau vua còn bán ruộng cho một số nhà giàu cũng như cấp phát cho những người có công khai phá các vùng đất xa lạ hoang vu.
Như thế quyền sỡ hữu đất đai là một sáng kiến từ thời phong kiến. Đặc biệt, nhờ biện pháp ban thưởng cho những người có công khai phá đất hoang, mức sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng và bờ cõi ngày càng được mở mang thêm.
Sau khi thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, đất nước bị chia đôi. Tại Miền Nam, từ năm 1955, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đẩy mạnh kế hoạch hữu sản hóa nông dân. Các đại điền chủ chỉ được phép giữ lại tối đa là 115 ha, số còn lại phải bán cho người khác hoặc chính phủ mua lại theo thời giá. Đến năm 1970, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đề ra kế hoạch hữu sản hóa nông dân với chương trình "Người Cày Có Ruộng". Nhờ đó, đời sống của nông dân Miền Nam ngày càng sung túc, cải thiện rất nhiều.
Trong khi đó, tại Miền Bắc, nhà cầm quyền Hà Nội thực hiện kế hoạch cải cách ruộng đất, chấm dứt quyền tư nhân sở hữu đất đai. Hiến Pháp Cộng Sản năm 1980 đã quy định đất đai là sở hữu của toàn dân và do nhà nước quản ly. Từ đó, tất cả ruộng đất đều phải giao cho hợp tác xã và các nông trường khai thác. Vì thế, nông nghiệp tại Miền Bắc ngày càng suy yếu đến nỗi nông thôn có nhiều nơi bị nạn đói hoành hành.
Nhà nước phải xem vụ Tiên Lãng như một hồi chuông cảnh báo cho sự tồn vong của Đảng CSVN. Nếu quyền sở hữu đất đai không được giải quyết nhanh chóng tận gốc rễ một cách công bằng và hợp tình hợp lý, tình trạng cán bộ địa phương lộng hành cưỡng chế đất đai để làm giàu cho mình sẽ gây ra vô số vụ Tiên Lãng khác. Sự phẫn nộ của quần chúng sẽ có ngày nổ lớn làm sụp đổ chế độ vì lúc đó không ai còn gì dể sợ. Họ sẽ muôn người như một đứng lên đạp đổ độc tài tham nhũng, phản dân hại nước để tự cứu mình và dân tộc mình./.
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment