Saturday, October 1, 2011

CƯỠI BÈ BĂNG QUA HỒ ĐỂ ĐẾN TRƯỜNG

Ngày 30.09.2011
 
HS: Trong khi người dân chưa hết ngậm ngùi và đang chung góp tiền bạc để xây một chiếc cầu treo ở xã Trọng Hóa tỉnh Quảng Bình nhằm chấm dứt cảnh học sinh bơi qua sông đến trường, thì tại tỉnh Đắc Nông cũng có cảnh học sinh phải băng qua lòng hồ bằng một chiếc bè mong manh. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả câu chuyện đắng lòng này, qua sự trình bày của Như Giang.
Từ đầu năm nay, gần một trăm học sinh ở bản Đắc Moan thuộc thị xã Gia Nghĩa trong tỉnh Đắc Nông đang theo học tại trường trung tiểu học Bế Văn Đàn phải vượt gần 100 thước trên mặt hồ thủy điện Đắc Tít bằng chiếc bè ván mong manh để đến trường.

Lý do là sau khi đập thủy điện Đắc Tít ngăn dòng tích nước, con đường đến trường của các học sinh ở bản Đắc Moan bị ngập và bị chia cắt. Để đến trường, các em phải tìm cách băng qua hồ thủy điện, nếu không muốn đi vòng cả chục cây số đường lầy lội và trơn trượt. Không đành lòng để con em mình bỏ học, người dân đã có "sáng kiến" làm chiếc bè gỗ để giúp học sinh băng qua hồ.
Chiếc bè rộng khoảng 5 thước vuông được làm bằng 4 chiếc thùng phuy và những tấm ván mỏng. Ở hai bên bờ được lắp hai chiếc ròng rọc cố định, có một cuộn dây cước chạy qua 2 ròng rọc và gắn vào bè. Người qua sông phải dùng sức kéo dây cước để bè di chuyển qua phía bên kia.
Vào chiều 23/9, chúng tôi có mặt tại hồ và chứng kiến cảnh học sinh băng qua hồ trên chiếc bè này. Sau khi tan học, các nam học sinh nhanh chân chạy đến trước, cùng nhau kéo mạnh cuộn dây cước để đưa bè từ bờ bên kia qua bờ bên này. Khi chiếc bè vừa chạm bờ, gần 20 học sinh nhảy lên, chen chúc nhau đứng và cùng hợp sức kéo chiếc bè đi.
Những ngày bình thường, để vượt qua gần 100 thước mặt hồ, các em mất từ 10 đến 15 phút mới có thể qua bờ bên kia. Nhưng vào hôm nay, có sóng to gió mạnh, kèm theo mưa, khi chiếc bè ra giữa dòng thì bị sóng gió đẩy xuống phía dưới, tạo thành một đường vòng cung kéo căng dây cước, khiến chiếc bè tròng trành, lắc lư, các em phải rất vất vả mới có thể kéo được chiếc bè di chuyển sang bên kia bờ.
Điểu Kiên, một học sinh lớp 7, cho biết: “Từ đầu năm học đến nay, ngày nào em cũng qua sông đến trường trên chiếc bè này. Mỗi khi đi học hay tan trường về là chúng em lại chờ nhau để cùng nhau kéo bè. Hôm nào đông quá chúng em kéo hai lượt. Có hôm tan học muộn và trời mưa tối khiến chúng em rất sợ". Còn em Dương thì kể: "Em không biết bơi nên thời gian đầu đi học rất sợ phải đi bè, nhất là khi bè ra giữa lòng hồ bị sóng to gió mạnh và các bạn nam đùa nghịch. Thế nên mỗi khi qua hồ, em thường ngồi bám vào tay vịn của bè”.
Trong thời gian qua, trời thường xuyên có mưa nên vào buổi sáng, khi phần lớn học sinh tiểu học đi học, để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, người dân trong bản thường xuyên thay phiên nhau bỏ công việc nương rẫy để đưa đón học sinh qua sông.
Điểu Wai, ở bản Đắk Moan cho biết: “Có lần học sinh qua sông bị lật bè. Nhưng nhờ ở gần bờ và có nhiều người dân đi làm gần đó kịp thời đến cứu nên may mắn không xảy ra trường hợp đáng tiếc. Từ đó, sáng nào con rể tôi đi làm rẫy thì tôi thay nó đưa hai cháu đi học. Sáng cứ 6 giờ sáng là đưa các cháu đi, 10 giờ rưởi lại có mặt ở bờ hồ để đưa các cháu về".
Không chỉ có đưa đón, ông Điểu Wai và những người dân khác còn có nhiệm vụ đến sớm để canh chừng không cho học sinh lên bè quá đông, hay đùa nghịch trên bè. Anh Điểu Nhan có 4 con học tại trường lo lắng nói: “Rất nhiều học sinh trong bản không biết bơi nên việc đi học qua bè khiến phụ huynh lúc nào cũng đứng ngồi không yên, nhất là trong mùa mưa này".
Ông Bùi Ngọc Đương, hiệu trưởng của trường, cho biết là trường có 248 học sinh đang theo học thì có 87 học sinh ở bản Đắk Moan phải đi học bằng bè gỗ, băng qua hồ thủy điện Đắk Tít, trong tình trạng không có áo phao. Trong số đó có nhiều học sinh không biết bơi nên rất nguy hiểm.
Ông Đương cho biết thêm là trường đã gửi thư đề nghị các cơ quan hữu trách đầu tư xây dựng một chiếc cầu treo, cầu bê tông hay một cầu phao để học sinh có thể đến trường. Nhưng đến nay chưa thấy ai trả lời.

No comments:

Post a Comment