HS: Trong số các công điện bị rò rỉ mà Wikileaks công bố trên mạng, có những báo cáo về tình trạng "con ông cháu cha" ở VN, đặc biệt là 3 người con của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài tóm lược các công điện của Hà Giang, qua sự trình bày của Tây Sơn.
Nhiều công điện do Wikileaks tiết lộ cho thấy, không chỉ cá nhân những nhân vật lãnh đạo cao cấp của nhà cầm quyền CSVN được Hoa Kỳ chiếu cố, mà cả con cái của họ cũng không thoát khỏi tầm ngắm của bộ ngoại giao Hoa Kỳ.
Trong công điện ngày 26 tháng 12 năm 2006, gởi bộ ngoại giao, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, ông Seth Winnick, đã tóm lược những tin tức thu nhặt được về ba người con của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trích dẫn một nguồn tin đáng tin cậy ở Sài Gòn, công điện cho biết ông Dũng đã giật mình khi Tổng thống George Bush hỏi han về việc học hành của các con ông tại Hoa Kỳ, trong cuộc gặp gỡ ở hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN. Lý do là vì tại Việt Nam, tin tức cá nhân và thân nhân giới lãnh đạo được xem là vấn đề "nhạy cảm."
Thế nhưng các công điện tường trình khá đầy đủ về 3 người con của ông Nguyễn Tấn Dũng, cho thấy những gì mà bộ ngoại giao Hoa Kỳ cần biết thì họ đều biết.
Công điện viết rõ, người con trai đầu của ông Dũng là Nguyễn Thanh Nghị sinh năm 1977, lấy bằng tiến sĩ ngành kỹ sư công chánh từ đại học George Washington, và sau khi tốt nghiệp đã về giảng dạy tại khoa Xây dựng của Ðại học Kiến trúc Sài Gòn. Vợ tương lai của Nghị, một thiếu nữ gốc Hà Nội, cũng theo học tại đại học George Washington, nơi hai người gặp nhau. Họ làm đám cưới sau khi về Việt Nam.
Cậu ấm Nghị được sắp xếp để lãnh đạo một tập đoàn xây dựng quốc doanh tại Sài Gòn, có liên hệ mật thiết với công ty Bitexco chuyên việc xây cất các tòa nhà chọc trời tại Hà Nội và Sài Gòn. Bitexco còn kinh doanh trong ngành đóng chai, dệt may và các công trình thủy điện. Vào những năm 2001 và 2002, Nghị vừa là trưởng phòng giao tế, vừa là giám đốc quản lý dự án của Bitexco.
Người con thứ nhì của ông Dũng là cô Nguyễn Thanh Phượng. Công điện ghi rõ nội dung cuộc phỏng vấn tại tòa Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, khi cô Phượng đến xin visa vào Mỹ. Công điện viết: "Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, Phượng xác nhận nguồn tin là cô đang hẹn hò với một người Mỹ gốc Việt cùng làm việc trong ngành tài chánh tại Việt Nam."
Nguyễn Thanh Phượng sau khi tốt nghiệp tại trường trung học Marie Curie vào năm 1995 thì đậu cử nhân Ðại học Kinh tế Hà Nội vào năm 2001, sau đó học cao học tại Học viện Quốc tế Geneva của Thụy Sĩ, một trường liên kết với đại học Michigan của Mỹ nên sang thăm Hoa Kỳ 2 tuần vào năm 2004 để nhận bằng tốt nghiệp từ đại học Michigan.
Cũng trong buổi nói chuyện trên ở tòa lãnh sự Mỹ, Phượng xác nhận người em trai cô là Nguyễn Minh Triết, sinh năm 1990, hiện đang theo học tại một trường trung học ở Anh và dự định sẽ theo ngành truyền thông.
Tổng lãnh sự Seth Winnick tỏ ra có cảm tình với Phượng. Ông viết: "Phượng giống cha như đúc, và dường như trong ba người con ông thủ tướng, Phượng là người năng động nhất. Trong câu chuyện với chúng tôi, cô tỏ ra cởi mở, tò mò, và chăm chú. Rõ ràng cô là một người có tài".
Ông Winnick cũng cho rằng, sự nghiệp thênh thang rộng mở của các anh em Phượng hiển nhiên là đến từ thế lực của người cha. Ông viết rằng: "Đây là bằng chứng cho thấy cách thức mà giới lãnh đạo Việt Nam bảo đảm cho con cái họ có những vị trí đầy lợi thế về giáo dục, chính trị và cả kinh tế."
Công điện đơn cử một vài ví dụ. Chẳng hạn như năm 2006, khi mới 25 tuổi, Phượng đã là giám đốc đầu tư của công ty Vietnam Holding Asset Management, quản trị một vốn 112 triệu Mỹ kim của Thụy Sĩ. Và cuối năm thì lên làm chủ tịch hội đồng quản trị Ðầu Tư Bản Việt.
Một công điện khác, được xếp vào loại "mật", do tổng lãnh sự Hoa Kỳ Kenneth J. Fairfax gửi về bộ Ngoại giao khoảng đầu năm 2009 cho thấy, không chỉ riêng ba người con của ông Dũng là tầng lớp "con ông cháu cha" tiêu biểu, mà các đứa con của Lê Duẩn, cố tổng bí thư đảng CSVN, cũng nắm các chức vụ béo bở.
Công điện cho biết Lê Kiến Trung, một con trai thứ của ông Duẩn, là tổng giám đốc hải quan Sài Gòn Hồ Chí Minh, một chức vụ được xem là béo bở và được nhiều người thèm muốn nhất.
Và theo công điện này thì Lê Kiến Thành, người con trai lớn của ông Lê Duẩn, từng đưa ra nhận định rằng, với guồng máy cai trị hiện tại, khi chưa có tự do báo chí không có thì khó có thể tiêu diệt được tệ nạn tham nhũng. Thành phát biểu trong một cuộc họp liên quan đến vụ tham nhũng nổi tiếng PCI: "Chức tổng biên tập chẳng ăn nhằm gì cả. Khi cả ngành truyền thông yếu ớt và bị thao túng có hệ thống, và các tổng biên tập của các tờ báo Pháp Luật, Thanh Niên và Tuổi Trẻ đồng loạt bị thay thế, thì điều này cho thấy một bước lùi của nền dân chủ".
Và Lê Kiến Thành, với 31 năm tuổi đảng, đã ra ứng cử độc lập vào quốc hội năm 2007, nhưng trong cuộc họp đảng ủy thì bị thuyết phục để rút đơn.
Thế nhưng vị tổng lãnh sự Mỹ tỏ ra dè dặt khi kết luận: "Nếu chúng ta tin vào những điều Lê Kiến Thành phát biểu, thì có nghĩa là nhiều đảng viên hiện không hài lòng với hướng đi của đất nước".
Hà Giang
No comments:
Post a Comment