Sunday, December 17, 2023

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 17-12-2023

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân: Thưa anh Hướng Dương, Bảo Trân được biết là mức ô nhiễm không khí tệ hại tại Hà Nội đã kéo dài gần một tháng qua và gần đây Hà nôi đã bị xếp vào mức ô nhiễm hàng đầu thế giới phải không thưa anh?

Hướng Dương: Đúng vậy, thưa chị.  Nồng độ bụi mịn tại Hà Nội hiện cao gấp 34 lần giá trị theo tiêu chuẩn không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới.

Báo chí lề đảng vừa qua đăng tải các hình ảnh cho thấy bầu trời Hà Nội mịt mù như trong khói sương, thậm chí kéo dài đến tận trưa khi có nắng lên. Người dân thủ đô Hà Nội đang bị ảnh hưởng bởi mức bụi gấp năm lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Báo chí lề đảng trích dẫn phân tích của các chuyên gia về môi trường cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí này là do khí thải từ phương tiện giao thông.  Tuy nhiên, nguyên nhân chính là nạn phá rừng, sự tàn phá môi trường để đổi lấy lợi nhuận thương mại từ chủ trương của nhà cầm quyền đã không được đề cập.

Bảo Trân: Nói đến việc đàn áp nhân quyền tại VN Bảo Trân cũng được biết bản báo cáo của CIVICUS, một Liên minh Dân sự Toàn cầu đã xếp Việt Nam chỉ đạt 13 trong thang 100 điểm về các quyền tự do dân chủ. anh có thể cho quí thính giả biết thêm chi tiết về vụ việc này không thưa anh? 

Hướng Dương: Vâng thưa chi, Bản Báo cáo của CIVICUS - Liên minh Dân sự Toàn cầu được công bố hôm 6/12, đánh giá các điều kiện ở 198 quốc gia và vùng lãnh thổ về không gian dân sự từ thang điểm từ “Mở” đến “Bị Đóng Kín” dựa trên mức độ chính quyền vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp của người dân. Không gian dân sự được định nghĩa là sự tôn trọng luật pháp, chính sách và thực tiễn đối với các quyền tự do lập hội, nhóm họp và biểu đạt ôn hòa cũng như mức độ mà nhà nước bảo vệ các quyền cơ bản này.

Thưa chị và quí thính giả, mức điểm mà Việt Nam bị đánh giá còn sau Cuba với 14/100 điểm. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam bị liệt vào “danh sách đen” kể từ lần đầu tiên xếp hạng vào năm 2018.

Tổ chức này cũng lên án những điều luật mơ hồ, tùy tiện như “Tuyên truyền chống nhà nước”, “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” để bỏ tù những người thực thi các quyền chính trị và dân sự. Gần đây, điều luật “Trốn thuế” đã được áp dụng một cách phổ biến hơn để bỏ tù những nhà hoạt động môi trường.

Hiện còn hơn 100 nhà bảo vệ nhân quyền đang bị giam cầm và danh sách sẽ tăng lên vì Hà Nội vẫn duy trì sự đàn áp.

Bảo Trân: Có tin là nhiều tổ chức phi chính phủ vừa lên tiếng yêu cầu bạo quyền Việt Nam phải trả tự do cho các nhà hoạt động vì môi trường bị bỏ tù và bảo đảm cho hoạt động của xã hội dân sự trước khi thỏa thuận tài trợ chuyển đổi năng lượng với các nước Tây phương, chi tiết về vụ việc ra sao thưa anh?

Hướng Dương: Vâng thưa chị và quí thính giả, mạng báo Mongabay chuyên về lãnh vực môi trường loan tin vào ngày 8/12 về cuộc họp báo hai ngày trước đó, bên lề Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước của LHQ về biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Dubai.

Vấn đề chính được nêu ra tại cuộc họp báo do nhóm có tên 350.org tổ chức là làm thế nào khoản tài trợ 15 tỷ rưởi Mỹ kim có thể thực sự “công bằng” khi mà bạo quyền Hà Nội trong hai năm qua đã bỏ tù 6 nhà hoạt động lên tiếng cho nguồn năng lượng sạch và từ bỏ điện than.

Sáu trường hợp các nhà hoạt động về môi trường khí hậu bị Việt Nam bắt bớ và bỏ tù được nệu ra là các bà Ngô Thị Tố Nhiên, Hoàng Thị Minh Hồng, Ngụy Thị Khanh cùng các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương.

 Bảo Trân: Có tin là bạo quyền CSVN đã không ngừng đàn áp tôn giáo, bức hại những nhà đấu tranh và TNLT trong nước bao gồm việc kết án 8 năm tù giam đối với tín đồ Phật giáo Hoà Hảo Nguyễn Hoàng Nam, việc an ninh CS ép buộc TNLT Trịnh Bá Phương nhận tội để được giảm án và việc kết án bà Phan Thị Thanh Nhã 6 năm tù với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ”, anh có thể cho quí thính giả biết thêm chi tiết của các vụ việc nay không thưa anh?

Hướng Dương:  Thưa chị, trước hết là tin về việc tín đồ Phật giáo Hoà Hảo Nguyễn Hoàng Nam.  Đây là lần thứ nhì ông Nguyễn Hoàng Nam 41 tuổi bị kết án tù vì các hoạt động đấu tranh đòi tự do tôn giáo và quyền con người. Vào tháng 2 năm 2018, ông bị tuyên án 4 năm tù giam cùng với năm tín đồ Phật giáo Hòa Hảo khác, với cáo buộc "gây rối trật tự" và "chống người thi hành công vụ".

Lần này vào hôm 11/12 bạo quyền CS tỉnh An Giang lại vừa kết án 8 năm tù giam đối với ông Nam trong một phiên toà chỉ diễn ra 2 tiếng đồng hồ và không có luật sư bào chữa.

Ông Nguyễn Hoàng Nam bị cáo buộc “tuyên truyền chống phá chế độ CSVN”. Bà Lâm Thị Yến Trinh, vợ ông Nguyễn Hoàng Nam, cho biết là chỉ có hai vợ chồng có mặt trong phòng phiên tòa bỏ túi và rừng rú này.

Theo cáo trạng, từ tháng 7 năm 2021, ông Nguyễn Hoàng Nam đã xử dụng 4 trương mục để thực hiện các hành vi tuyên truyền chống phá chế độ. Ông còn bị cáo buộc về nhiều lần livestream để châm biếm và xúc phạm nhà cầm quyền quyền địa phương.

Thưa chi về việc an ninh CS ép buộc TNLT Trịnh Bá Phương nhận tội để được giảm án thì phát biểu vào chiều ngày 12/12, bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Trịnh Bá Phương, cho biết là vào ngày 29/11, phía an ninh đã cử hai cán bộ tên là Bích và Vũ đến trại tù An Điềm với mục đích thuyết phục ông nhận tội để được giảm án. Trước khi tới trại tù, phía an ninh cũng đã tiếp cận gia đình và đề nghị người thân khuyên ông này nhận tội nhưng gia đình đã từ chối.

Ngoài việc hứa hẹn giảm án, phía an ninh còn xử dụng các quyền lợi khác để dẫn dụ ông Trịnh Bá Phương nhận tội, trong đó có việc được phép gặp vợ một cách riêng tư, nhưng ông Phương vẫn cự tuyệt.

Thưa chị về việc bạo quyến CS bắt giam bà Phan Thị Thanh Nhã bị thì trong phiên xử sơ thẩm vào hôm qua 12/12, bà Phan Thị Thanh Nhã 39 tuổi bị bạo quyền tỉnh Tiền Giang kết án 6 năm tù với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ”.

Bà Phan Thị Thanh Nhã bị công an tỉnh Tiền Giang bắt giam vào ngày 17/3 với cáo buộc như trên. Theo cáo trạng, từ cuối năm 2018, bà Nhã đã theo dõi nhiều bài viết bị cho là “phản động” trên mạng.

Cũng theo cáo trạng của công an, sau khi tham gia tổ chức nói trên vào năm 2021, bà Nhã đã đăng và chia xẻ 25 bài viết và video clip có nội dung đươc cho là “phản động”.

No comments:

Post a Comment