Sunday, December 10, 2023

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 10-12-2023

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân: Thưa anh Hướng Dương, đã 5 năm qua sự việc chấn động của Vườn Rau Lộc Hưng vẫn chưa nguôi ngoai và đến bây giờ thì bạo quyền đã kết thúc việc này. Xin anh cho quý thính giả hiểu rõ hơn các chi tiết về chuyện trên

Hướng Dương: Vâng thưa chị, diễn tiến của sự việc trên là như sau:

Sáng ngày 6 tháng 12, lực lượng an ninh chìm nổi đã tràn tới Vườn rau Lộc Hưng tại phường 6, quận Tân Bình, Sài Gòn. Một người dân oan Vườn rau Lộc Hưng cho biết, từ đêm ngày 5/12, các xe chở vật liệu xây dựng đã đổ gạch cát để chuẩn bị cho việc khởi công công trình vào ngày 12 tới như báo chí quốc doanh đã loan tin vào hai hôm trước. Xe cứu thương, xe chữa cháy và xe phá sóng được giấu ở hai trường học gần khu đất Vườn rau Lộc Hưng. Các ngả đường vào khu VRLH đều bị canh gác và công an kiểm soát mọi sự đi lại, di chuyển của người dân tại khu vực này. Nơi ở của những người dân oan bên ngoài khu đất VRLH đều bị canh gác và nhiều người bị cấm ra khỏi nhà.

Tất cả các ngả đường đều bị công an chốt chặn, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Nơi ở của những người dân có đất tại VRLH đều bị canh gác. Riêng gia đình ông Cao Hà Chánh, Cao Hà Trực, bà Nguyễn Thị Phượng hay những người không ký giấy nhận đền bù rẻ mạt, đều bị hàng chục công an chốt chặn ngay tại cửa. Việc liên lạc hoặc đưa tin ra ngoài rất khó khăn vì đường truyền Internet bị phá sóng. Công an cũng bắt ông Bảo, một trong những chủ sở hữu đất tại VRLH. Ông cho biết, ông bị đưa đến phường 15 quận Tân Bình và bị giam giữ trái phép suốt 12 tiếng. Ông bị công an chửi bới, đe dọa và ép ký vào biên bản cam kết không đi đấu tranh, không đi khiếu kiện. Nhưng ông khẳng định, đất đai của cha mẹ ông sở hữu từ năm 1954 để lại cho con cái đến nay và vì quyền lợi chính đáng của gia đình, ông vẫn tiếp tục đấu tranh để đòi lại.

Tháng 1 năm 2019, đúng dịp giáp Tết cổ truyền, nhà cầm quyền huy động một lực lượng hùng hậu mang súng, dùi cui, chó nghiệp vụ và nhiều xe ủi đến phá hủy toàn bộ 503 căn nhà, đẩy hàng trăm con người vào cảnh tang thương không nhà không cửa. Vụ việc đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.

Khu đất VRLH thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà con nơi đây từ năm 1954 đến nay. Hơn 60 năm qua, người dân vẫn sử dụng khu đất này một cách liên tục, ổn định và không tranh chấp với cá nhân, đoàn thể hay tổ chức nào. Theo quy định của luật pháp, họ đương nhiên được cấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã dùng luật rừng để từ chối cấp giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con.

Tính đến thời điểm này, gần 5 năm trôi qua, nhà cầm quyền địa phương chưa một lần có sự tiếp xúc chính thức và thiện chí với người dân để giải quyết.

Chiều ngày 7/12, nhà cầm quyền đã rào xong khu đất. Việc xây dựng trường học tại khu Vườn rau Lộc Hưng là hoàn tất quá trình cướp đất của người dân lương thiện mà bạo quyền đã tính toán trong nhiều năm.

Bảo Trân: Vâng cám ơn anh, quay sang vấn đề VN tiếp tục siết chặt không gian dân sự trong năm 2023. Đây là vấn đề quan trọng trong đời sống sinh hoạt tự do của người dân. Vậy bạo quyền đã làm những gì, thưa anh.

Hướng Dương:Thưa quý thính giả, tinh thần của người dân VN bị đàn áp nặng nề qua việc bạo quyền đã mạnh mẽ kết án tù nhiều nhà hoạt động dân sự, bịt miệng các tiếng nói đối lập trong khi nhiều nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang gia tăng việc đàn áp xã hội dân sự, nhà báo và blogger.

Một báo cáo của tổ chức nhân quyền ở Nam Phi là CIVICUS Monitor vào hôm 6/12 được công bố, theo đó Việt Nam tiếp tục bị xếp vào danh sách các nước có không gian dân sự bị đóng chặt cùng với các nước khác bao gồm Afghanistan, Trung Cộng, Hồng Kông, Bắc Hàn, Miến Điện, Lào và Bangladesh.

Tổ chức CIVICUS trong báo cáo mới về tình hình Việt Nam đã liệt kê một số trường hợp đàn áp nhân quyền điển hình ở Việt Nam trong năm 2023, bao gồm việc kết án từ các nhà hoạt động Trương Văn Dũng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước và Nguyễn Lân Thắng.

Báo cáo cũng nhắc đến trường hợp của nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, người vừa bị kết án tù vào tháng 9 năm nay với cáo buộc “trốn thuế”, nhưng theo nhận định của các tổ chức nhân quyền quốc tế việc kết án này nằm trong một loạt các hoạt động đàn áp của bạo quyền Hà Nội nhắm vào các nhà hoạt động môi trường trong thời gian qua.

Theo báo cáo, hiện có hơn 100 người đấu tranh cho nhân quyền đang bị cầm tù với các cáo buộc chủ yếu liên quan đến tuyên truyền chống nhà nước và lợi dụng các quyền tự do dân chủ.

Theo báo cáo, trên toàn cầu, khoảng hơn 30% dân số thế giới hiện sống ở các quốc gia có môi trường dân sự bị đóng. Đây là mức cao nhất kể từ khi tổ chức này tiến hành theo dõi môi trường này từ năm 2018 đến nay.

Chỉ có khoảng 2% dân số thế giới hiện sống tại các quốc gia có môi trường dân sự mở, tức tự do và được bảo vệ, theo báo cáo.

No comments:

Post a Comment