Monday, December 11, 2023

Tin Tức: Thứ Hai 11.12.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Hà và Miên Dương trình bày sau đây

1/ TRUNG CỘNG BỊ CÁO BUỘC TIÊU DIỆT VĂN HÓA TÂY TẠNG.

Người lãnh đạo chính quyền Tây Tạng lưu vong, ông Penpa Tsering, vào hôm qua 10/12 lên án Trung Cộng đã “từ chối những quyền con người căn bản nhất” của người dân Tây Tạng, với việc Bắc Kinh tiếp tục tiến hành các chiến dịch tiêu diệt bản sắc và văn hóa Tây Tạng.

Tổng thống Tây Tạng Penpa Tsering đưa ra các cáo buộc nói trên từ Dharamshla, ở miền bắc Ấn Độ, nhân kỷ niệm 34 năm ngày lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đức Đạt lai Lạt ma được trao tặng giải Nobel Hòa bình.

Vào tháng trước, Trung Cộng công bố chính sách về vùng Tây Tạng, với khẳng định là dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Hoa, đất nước Tây Tạng đã “có những bước đột phá thần kỳ về mặt phát triển”, cả khu vực bước vào một giai đoạn hiện đại với nền kinh tế thịnh vượng, ổn định về xã hội và môi trường được bảo vệ tốt.

Trung Cộng đang xây dựng nhiều hệ thống đường sắt cao tốc và xa lộ giúp phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên Tổng thống Tây Tạng cho rằng bên cạnh những thành tựu mà Trung Cộng khoe khoang thì “đảng cộng sản Trung Hoa đã nhồi sọ về tinh thần yêu nước và đẩy mạnh tiến trình Hán hóa đạo Phật theo truyền thống của người Tây Tạng, bắt dân cư trong vùng phải học tiếng Tàu và phát triển những giá trị của mô hình xã hội chủ nghĩa”.

Cần nhắc lại là đức Đạt lai Lạt ma định cư tại Dharamshala từ năm 1959. Năm nay đã 88 tuổi, vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng luôn luôn bị Trung Cộng cáo buộc tội “kích động công luận đòi ly khai, tách rời vùng đất này khỏi quyền kiểm soát của Trung Cộng”.

2/ TÀU PHILIPPINES VÀ TÀU TRUNG CỘNG ĐỤNG ĐỘ NHAU Ở BIỂN ĐÔNG.

Trong một vụ tranh chấp mới nhất, tàu Philippines và tàu Trung Cộng đã va chạm nhau gần một rặng san hô ở Biển Đông.

Philippines cho biết Trung Cộng đã quấy rối, chặn đường và thực hiện các hành động nguy hiểm. Biến cố mới diễn ra một ngày sau khi Philippines cáo buộc Trung Cộng dùng vòi rồng cản trở 3 tàu của họ.

Philippines vào hôm Chủ nhật 10/12 cho biết Trung Cộng đã nhắm mục tiêu vào các tàu tiếp tế  của Philippines ở Bãi Cỏ Mây mà Trung Cộng gọi là Rạn Nhân Ái, thuộc quần đảo Trường Sa, điểm nóng giữa hai nước.

Một trong hai chiếc tàu chở hàng đã bị tàu tuần duyên Trung Cộng "đâm" vào, theo tuyên bố của Lực lượng Biển Tây Philippines. Lực lượng này cũng cáo buộc Trung Cộng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho động cơ một chiếc tàu khi dùng vòi rồng phun vào nó.

Tuy nhiên, Lực lượng Tuần duyên Trung Cộng cáo buộc ngược lại là chiếc tàu Philippines "cố tình va chạm" với tàu Trung Cộng sau khi xem thường nhiều cảnh báo nghiêm khắc của họ.

Trong một diễn biến liên quan, một đoàn tàu dân sự dự định chuyển quà Giáng sinh và đồ dùng cho ngư dân và quân đội Philippines ở Biển Đông đã hủy chuyến đi do các tàu Trung Cộng "liên miên theo dõi".

Nội vụ diễn ra sau khi Philippines cáo buộc Trung Cộng cản trở ba tàu của họ vào hôm thứ Bảy 9/12, với chính phủ Philippines cáo buộc là những hành động bất hợp pháp và hung hăng.

Vào tháng trước, Philippines đã thực hiện hai cuộc tuần tra chung trên không và trên biển riêng rẽ với Hoa Kỳ và Úc vài ngày trước đó.

3/ XE TĂNG DO THÁI TIẾN VÀO THÀNH PHỐ KHAN YOUNIS Ở MIỀN NAM GAZA.

Xe tăng Do Thái vào hôm qua 10/12 đã tiến vào trung tâm thành phố Khan Younis trong một cuộc tấn công mới lớn lao vào phía nam Dải Gaza, trong khi các cơ quan y tế ở Gaza của phe Hamas cho biết là khoảng 18 ngàn người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Người dân cho biết xe tăng Do Thái đã tiến đến con đường bắc nam của Khan Younis, sau trận giao tranh dữ dội suốt đêm, khiến bước tiến của Do Thái từ phía đông bị chậm lại. Có những tiếng nổ liên tục và những cột khói trắng dày đặc bốc lên trên thành phố đông đúc và tràn ngập những người phải di dời từ những nơi khác ở Gaza.

Khi trời sáng, gần một đồn cảnh sát ở trung tâm thành phố, người ta có thể nghe thấy tiếng súng máy bắn liên tiếp. Tại đầu kia của Dải Gaza, ở các khu vực phía bắc nơi Do Thái trước đó cho biết lực lượng của họ đã hoàn thành phần lớn nhiệm vụ, người dân cũng mô tả một số cuộc giao tranh khốc liệt nhất trong cuộc chiến cho đến nay.

4/ UKRAINE ĐẨY MẠNH CHIẾN DỊCH THÁO BỎ TƯỢNG ĐÀI THỜI SÔ-VIẾT.

Các quan chức Ukraine đã xúc tiến chiến dịch dỡ bỏ các tượng đài thời Sô-viết vào cuối tuần qua khi chính quyền ở thủ đô Kiev của Ukraine tháo dỡ bức tượng của một chỉ huy hồng quân khỏi một đại lộ trung tâm.

Cần biết là Ukraine đã tăng cường nỗ lực xóa bỏ mọi dấu vết về sự cai trị của Nga trong bối cảnh quân đội Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện đã đến gần 2 năm qua.

Các nhân viên thành phố Kiev đã nhấc bức tượng khổng lồ của Mykola Shchors, một chỉ huy chiến trường của Liên bang Sô-viết ra khỏi bệ đài. Công trình này đã chiếm một vị trí nổi bật trên trục đường huyết mạch trung tâm được đặt theo tên nhà thơ quốc gia của Ukraine.

Những người đi đường dừng lại để xem và chụp ảnh khi một cần cẩu khổng lồ hạ bức tượng ông Shchors cưỡi ngựa xuống một chiếc xe tải. Nghị viên hội đồng thành phố, ông Leonid Yemets, cho biết là bức tượng sẽ được chuyển đến một viện bảo tàng.

Giới chức trách ở thành phố cảng Odessa bên bờ Hắc Hải của Ukraine cũng tháo dỡ bức tượng Catherine Đại Đế vào năm ngoái sau một chiến dịch kéo dài nhiều tháng của giới hoạt động.

Hàng ngàn đường phố và khu định cư ở Ukraine cũng đã được đổi tên trong những năm gần đây như một phần của chiến dịch “phi cộng sản hóa”, được phát động sau cuộc Cách mạng Maidan năm 2014, lật đổ một nhà lãnh đạo thân Nga.

No comments:

Post a Comment