Thursday, July 27, 2023

THAM NHŨNG DƯỚI CHẾ ĐỘ CS

Bình Luận

Độc tài CS là nguyên nhân của tham nhũng. Chỉ có dân chủ hóa guồng máy chính quyền và giải thể độc tài, mới có cơ hội trong sạch hóa và đưa đất nước đi lên.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Trần Trung Đạo với tựa đề: “THAM NHŨNG DƯỚI CHẾ ĐỘ CS” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Trần Trung Đạo

Dưới chế độ CS tham nhũng mang tính đảng. Tính đảng là gì?

 Nói một cách dễ hiểu, tính đảng là những đặc điểm mang tính bản chất gắn liền với sự ra đời, phát triển và mất đi của ý thức hệ CS mà đại diện là đảng CS. 

 “Chuyên chính vô sản”, “nền tảng lý luận và tư tưởng của đảng CS đặt cơ sở trên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử”, “vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng CS trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội” v.v.. là những tính đảng. Các tính đảng đó cùng tồn tại với đảng CS và trong lòng cơ chế CS. 

“Tính đảng độc tài chuyên chính” đẻ ra “tính đảng tham nhũng thối nát” và vì thế “tính đảng tham nhũng thối nát” không thể nào bị ngăn chặn hay xóa bỏ khi nào “tính đảng độc tài chuyên chính” còn tồn tại. 

Đó là quan hệ nhân quả giữa “chuyên chính” và “tham nhũng”, và quan hệ đó tồn tại suốt chiều dài của đảng CS. 

Câu hỏi thường được đặt ra liệu tham nhũng có thể được ngăn chặn hay xóa bỏ dưới chế độ CS hay không, câu trả lời đúng theo quy luật xã hội là “không”. 

Câu trả lời đó không phải võ đoán mà dựa theo “cơ sở  lý luận kinh điển” của hệ tư tưởng CS và thực tế xã hội tại các nước cựu CS từ LX cho tới Đông Âu. 

Nhìn lại tình trạng tham nhũng tại Liên Xô.

Lenin xem tham nhũng là kẻ thù số một của chế độ nhưng không diệt được tham nhũng. Nửa thế kỷ sau, Nikita S. Khrushchev cũng thề sống chết với tham nhũng nhưng cuối cùng, một trong những nguyên nhân chính và sâu xa nhất đã nhận chìm chế độ CS Liên Xô chính là tham nhũng. 

Lý do đơn giản. Một khi toàn bộ đời sống đất nước đặt trọn trong tay một nhóm người nắm giữ mọi quyền sinh sát, nhóm người đó sẽ lạm quyền, sẽ tham ô, sẽ tham nhũng, sẽ băng hoại và sẽ thối nát.

Ngoài nguyên tắc tam quyền phân lập, kiểm soát và thăng bằng (check and balance) giữa các ngành, sức mạnh của người dân qua các tổ chức xã hội dân sự tại các nước dân chủ đã đóng góp phần quan trọng trong việc trong sạch hóa không ngừng xã hội. 

Các nước CS không có những đặc điểm đó. 

Lịch sử cho thấy  nếu tham nhũng có thể ngăn chặn được thì Liên Xô đã không sụp đổ  năm 1991. 

Một thước đo được quốc tế công nhận để đo lường các chính sách chống tham nhũng và sự trong sạch của bộ máy công quyền tại một nước là tính minh bạch của chính phủ nước đó. 

Muốn Liên Xô tồn tại, đảng CS phải thực hiện những thay đổi tận gốc rễ của chế độ và trước hết là minh bạch. Chính từ lý do đó, một trong những trọng điểm của chương trình Glasnost (Cởi mở) mà Gorbachev phát động vào năm 1986 là để gia tăng mức độ minh bạch trong chính phủ. 

Gorbachev chủ trương tạo một không khí tranh luận giữa chính phủ và người dân về tất cả các vấn đề của đất nước, và điều này cũng có nghĩa giới hạn quyền kiểm soát của trung ương như đã có trước đây. Nhưng những cố gắng của Gorbachev đến quá trễ và trở thành con dao hai lưỡi, chặt đứt chế độ mà ông ta nỗ lực để cứu vãn. 

Học bài học Liên Xô, Đặng Tiểu Bình và các thế hệ lãnh đạo Trung Cộng sau y đã chọn lựa ban cho người dân cơm áo nhưng siết chặt xã hội Trung Quốc bằng một chế độ hà khắc về đời sống tinh thần không khác gì Tần Thủy Hoàng hai ngàn hai trăm năm trước. 

Lãnh đạo Trung Cộng ngăn cấm sử dụng internet ngoài giới hạn cho phép. Các mạng thông tin xã hội quen thuộc với phần lớn nhân loại như Facebook, Twitter hay Youtube bị chặn. Mọi đường thông tin ra ngoài Trung Quốc đều do Đề án Lá chắn Vàng (Golden Shield Project) thuộc Bộ An ninh kiểm soát. Để trấn áp dân chúng trong lãnh vực thông tin, Bộ An ninh Trung Cộng tuyển dụng một lực lượng an ninh mạng khoảng 2 triệu nhân viên. 

Họ Đặng đã làm mọi cách để gia tăng tổng sản lượng bất chấp những tai họa do các chính sách đó gây ra. 

Đầu năm 2015, trước áp lực quốc tế và sức phản kháng của người dân như mạch nước ngầm đang chuyển động, Tập Cận Bình lo lắng và tuyên bố sẽ minh bạch hơn trong các chính sách kinh tế, quốc phòng và đẩy mạnh chính sách chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hành động của họ Tập chỉ nhằm mục đích thanh trừng các phần tử chống đối và củng cố quyền lực cá nhân hơn là gia tăng minh bạch trong chính phủ.

CSVN, về bên ngoài, đang đối diện với con quái vật Trung Cộng đang ăn tươi nuốt sống từng phần thân thể, và bên trong, là một chế độ toàn trị tồn tại bằng tuyên truyền lừa bịp và nhà tù. 

Người dân trong nước có vẻ phấn khởi, vui mừng khi một số cán bộ tham nhũng bị bắt và bị khởi tố. Nhưng một tầng lớp cán bộ tham nhũng vào tù sẽ có một tầng lớp cán bộ tham nhũng khác lên thay và nếu bị lộ họ sẽ vào tù. Họ có thể nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu trước tòa nhưng sẽ mỉm cười chiến thắng lúc một mình.  Chính trị dưới chế độ CS là sòng bạc quyền lực. Nếu phải ở tù vài năm với tiêu chuẩn đảng viên cao cấp mà giấu được nhiều triệu dollar họ vẫn còn lời to. 

Bản chất giống nhau thì hậu quả không thể khác dù đó là ở LX trước đây hay TC và CSVN hiện nay. 

Các tính đảng “độc tài chuyên chính” và “tham nhũng thối nát” có quan hệ hữu cơ và do đó sẽ dẫn tới hậu quả giống nhau không tránh khỏi. 

Người dân bình thường có lý do để vui mừng vì hút máu dân lành là một trọng tội nhưng đừng quên những kẻ đáng tội hơn không phải Đinh La Thăng, Tất Thành Cang, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long v.v.. mà  là cơ chế CS.

Cơ chế chính trị CS đã bắc thang cho các cán bộ CS leo lên đài danh vọng và tạo cho họ cơ hội làm giàu trên sự chịu đựng của nhiều triệu dân nghèo, của hàng ngàn học sinh mỗi ngày phải lội sông, lội suối đến trường, của hàng vạn trẻ thơ không áo ấm mùa đông. Nước mắt chảy thành sông trên quê hương Việt Nam giữa tiếng cười của lớp người cai trị suốt gần nửa thế kỷ qua và sẽ chảy cho đến ngày  chế độ độc tài sụp đổ. 

Tham nhũng tại Việt Nam là một loại cỏ độc ăn sâu trong đất, không thể cắt, không thể nhổ mà phải thay bằng đất mới. 

No comments:

Post a Comment