Monday, July 31, 2023

Nhanh chóng ngăn chặn thủ đoạn tàn độc của Putin

Bình Luận

Quyền lực tuyệt đối sẽ đưa đến tàn ác tuyệt đối. Hầu bảo vệ quyền lực của mình, nhà độc tài Putin sẵn sàn gậy tội ác trong nhân dân Nga lẫn toàn thể nhân loại.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Nhanh chóng ngăn chặn thủ đoạn tàn độc của Putin sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân 

Các nhà độc tài, để nắm giữ quyền lực, thường không từ bất kỳ thủ đoạn tàn độc nào đối với tha nhân. Bằng lệnh tấn công vào các cơ sở xuất cảng lúa mì của Ukraine và cắt đứt con đường vận chuyển lương thực tới các nước nghèo ở Châu Phi, Tổng Thống Vladimir Putin của Nga đang phạm tội ác chống loài người. 

Đầu tuần này, Nga đã đơn phương rút khỏi Sáng Kiến Ngũ Cốc Hắc Hải – tức là thỏa thuận mở một hành lang an toàn cho các tàu chở ngũ cốc đi qua Hắc Hải, từ Ukraine đến các thị trường tiêu thụ ở Châu Phi, Trung Đông, và một phần Châu Á. Thỏa thuận có hiệu lực từ Tháng Bảy năm ngoái, do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, có sự tham gia của cả Nga và Ukraine nhưng không liên can tới Mỹ và Liên Âu. Mục đích của thỏa thuận là bảo đảm nguồn cung cấp lương thực cho các nước nghèo không bị gián đoạn, ngăn chặn việc tăng giá ngũ cốc trên thị trường. Trước chiến tranh, cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất cảng nhiều lúa mì, ngũ cốc, phân bón hóa học và nhiều nông phẩm khác, có vai trò rất quan trọng trong chuỗi lương thực toàn cầu. 

Việc Nga rút khỏi thỏa thuận khiến cho việc vận chuyển ngũ cốc bằng đường biển không còn an toàn nữa, tàu thuyền có thể bị quân Nga tấn công bất cứ lúc nào. 

Không chỉ như vậy, trong bốn ngày qua, Nga liên tục tấn công các cơ sở xuất cảng lương thực của Ukraine và leo thang bắt giữ các tàu thuyền qua lại Hắc Hải.

Một nguồn tin khác của báo chí Anh cho biết trong bốn ngày qua đã có 60,000 tấn lúa mì và ngũ cốc của Ukraine bị phá hủy trong các cuộc không kích bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga. 

Các cuộc tấn công được Moscow biện hộ là nhằm trả thù cho cuộc tấn công của Ukraine vào cây cầu Kerch do Nga xây dựng nối lãnh thổ Nga với bán đảo Crimea – bán đảo ở Hắc Hải của Ukraine bị Nga chiếm giữ bất hợp pháp vào năm 2014. Moscow cáo buộc Ukraine sử dụng hành lang trên biển để thực hiện “các cuộc tấn công khủng bố.” 

Đi xa hơn, Nga cho biết hạm đội Hắc Hải của họ đã thực hành bắn hỏa tiễn vào “các mục tiêu nổi” và Nga coi tất cả các tàu hướng tới vùng biển Ukraine đều có thể mang theo vũ khí và có thể bị Nga đánh chìm. Kiev đã đáp lại bằng một cảnh báo tương tự về các tàu hướng đến Nga.

Về mọi phương diện, việc tấn công các kho lương thực và các tàu thuyền chở lương thực là một tội ác ghê tởm, đe dọa gây ra nạn đói ở Châu Phi và đẩy giá lương thực toàn thế giới lên cao. Ông Putin sẽ đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhưng hành động của ông mấy ngày qua chỉ đánh dấu thêm một tội ác chiến tranh khủng khiếp nữa vào danh sách ngày càng tăng các tội ác chống nhân loại của nhà độc tài Nga. 

Theo truyền thông quốc tế, hơn 50 triệu người khắp Somalia, Kenya, Ethiopia, và Nam Sudan đang cần viện trợ lương thực do nhiều năm liên tiếp mất mùa. Hàng ngàn, có lẽ hàng chục ngàn người, có thể sẽ chết khi nguồn cung cấp ngũ cốc từ Ukraine bị cắt đứt. 

Nhưng dường như ông Putin chẳng những không quan tâm mà còn cố gây ra những cái chết như vậy để nhắm tới các mục tiêu chính trị đáng sợ. Nạn đói ở Châu Phi chắc chắn sẽ thúc đẩy một cuộc khủng hoảng di cư trầm trọng tới lục địa Châu Âu. Hàng triệu người đói sẽ cố vượt qua Địa Trung Hải, tới Liên Âu tìm miếng ăn và sẽ tạo ra bất ổn cho các đồng minh của Ukraine ở châu lục này. 

Đến lúc đó, khủng hoảng di dân, bất ổn xã hội và giá lương thực tăng sẽ khiến các chính phủ Liên Âu (EU) phải suy nghĩ lại chính sách viện trợ tối đa cho Ukraine. Sự thống nhất ủng hộ Ukraine mà NATO và EU đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius ở Lithuania tuần trước có thể sẽ bị rạn nứt, nhất là khi phần lớn các nước EU sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay và năm tới. 

Áp lực của cử tri do bất ổn xã hội và khủng hoảng di dân sẽ buộc các lãnh đạo EU tìm cách chấm dứt cuộc chiến tranh Ukraine bằng giải pháp thương lượng với Moscow, theo các điều kiện của Nga và đây chính là mục đích chính của ông Putin sau khi ông biết chắc không thể tiếp tục cầm cự trên chiến trường. 

Lẽ ra NATO nên nhanh chóng ra tuyên bố bảo vệ hành lang an toàn cho các tàu thuyền chuyên chở ngũ cốc đi qua Hắc Hải theo đúng Sáng Kiến Ngũ Cốc Hắc Hải đã thực hiện từ năm ngoái đến nay và theo Công Ước Montreux 1936. 

Công ước này do 10 cường quốc Á-Âu ký kết tại Thụy Sĩ vào Tháng Mười Một, 1936 và giao cho Thổ Nhĩ Kỳ quản lý hai eo biển Dardanelles và Bosphorus nối Hắc Hải với Địa Trung Hải. Khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm chiến hạm của tất cả các nước ra vào Hắc Hải từ ngày 28 Tháng Hai, 2022. Các nước ven bờ Hắc Hải phải báo trước cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tám ngày, còn các nước ngoài Hắc Hải phải báo trước 15 ngày nếu muốn đưa chiến hạm đến vùng biển này. Hàng không mẫu hạm, tàu ngầm và khu trục hạm có trọng tải trên 15,000 tấn đều bị cấm ra vào Hắc Hải. 

Trong số các nước ven bờ Hắc Hải, ngoài Ukraine và Nga còn có Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Bulgaria và Romania. Ba nước thành viên NATO này hoàn toàn có đủ tư cách và thẩm quyền để điều động hải quân của họ vào nhiệm vụ bảo vệ tuyến vận chuyển lương thực thiết yếu của thế giới đi và đến các hải cảng Ukraine trên vùng biển quốc tế ở Hắc Hải. Hải Quân Nga chắc chắn sẽ không dám gây hấn với đội chiến hạm của ba nước nếu không muốn lao vào một cuộc chiến tranh toàn diện với 31 quốc gia NATO. 

Vấn đề là ba nước nói trên cần được Liên Hiệp Quốc và NATO ủy quyền để thực hiện một chiến dịch bảo vệ hòa bình và nhân đạo. Thời gian không còn nhiều để các nhà lãnh đạo NATO tính toán hơn thiệt, phải nhanh chóng chặn đứng bàn tay nhuốm máu của ông Putin. 

Người xưa từng nói, điều kiện duy nhất để cái ác chiến thắng cái thiện là người tốt không làm gì cả. Nếu phương Tây tiếp tục lúng túng trước hành động tàn bạo của nhà độc tài Nga thì kết cục chắc sẽ rất bi thảm.

No comments:

Post a Comment