Monday, November 28, 2016

Donald Trump và Trung Quốc

BìnhLuận

Các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ thường không thay đổi chính sách ngoại giao; vì đại đa số cử tri chọn lá phiếu dựa trên các vấn đề trong nước. Đối với ông Donald Trump thì hơi khác, vì cả thế giới đang sửng sốt và không biết ông sẽ thay đổi chính sách ngoại giao của Mỹ như thế nào. Điều khiến mọi người lo lắng nhất là ông Trump đã nói nhiều điều khác hẳn những quan điểm “truyền thống” của đảng Cộng Hòa. Ông chống tự do mậu dịch; muốn giảm bớt những cam kết an ninh của Mỹ trên thế giới từ Châu Âu tới Đông Bắc Á Châu; ông còn khen Vladimir Putin và cả Saddam Hussein là những nhà lãnh đạo tài giỏi mà không chê họ vi phạm nhân quyền. Ngay sau khi ông Trump đắc cử, một cố vấn gần gũi nhất của Vladimir Putin là Sergei Glazyev nói với hãng thông tấn Itar-Tass rằng chắc chính phủ Trump sẽ bãi bỏ chính sách của ông Obama cấm vận kinh tế Nga.
Nhưng bang giao quốc tế không phải là điều tổng thống tân cử Donald Trump quan tâm nhất. Khi gặp gỡ hai vị lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Quốc Hội ông chỉ nêu lên ba điểm ưu tiên của chính quyền sắp tới: Hệ thống bảo hiểm y tế, di dân và tạo công việc làm. Không nói gì tới vai trò của Mỹ trên thế giới.
Nhưng các nước ở miền Đông Châu Á như Việt Nam và đặc biệt là Trung Quốc, thì đang hồi hộp chờ coi chính sách ông Trump sẽ thi hành. Hồi hộp, vì không ai có thể đoán chắc ông sẽ làm gì! Trước khi “nhảy dù” vào tranh cử tổng thống năm 2016 ông không làm chính trị, không bao giờ phải bàn chuyện thế giới. Trong một năm tranh cử thì ông chỉ nói đến việc tăng thuế nhập cảng hàng Trung Quốc và không muốn vay tiền của nước này. Ông cũng phản đối Cộng sản Trung Quốc bành trướng thế lực ở Biển Đông, nhưng đồng thời lại tỏ ý không muốn quân đội Mỹ phải gánh chịu việc bảo vệ an ninh tại các nước đồng minh, từ khối NATO đến Nhật Bản, Nam Hàn, nếu các nước đó không chia sẻ chi phí như ông muốn.
Điều người Việt Nam quan tâm nhất là vị tổng thống Mỹ tương lai có thay đổi chính sách “chuyển trục qua Châu Á” của đương kim Tổng Thống Obama hay không? Chủ trương này cộng với Hiệp Ước Hợp Tác Châu Á Thái Bình Dương (TPP) là hai quyết định chiến lược của nước Mỹ có ảnh hưởng tới Việt Nam. Ông Trump đã dọa xóa bỏ TPP, nhưng còn chuyển trục thì sao?
Một sự kiện làm mọi người ở Châu Á kinh ngạc là sau khi ông Trump nói những lời gay gắt nhất chống Trung Cộng về “âm mưu” cướp công việc làm của công nhân Mỹ, thì một cố vấn thân cận của ông là James Woolsey lại nêu lên ý kiến nước Mỹ nên tham gia vào Ngân Hàng Châu Á Phát Triển Hạ Tầng (AIIB) do Trung Quốc sáng lập. Mỹ và Nhật Bản là hai nước duy nhất trong nhóm G-7 không vào AIIB. Chính quyền Obama coi đó là một âm mưu bành trướng ảnh hưởng của Trung Cộng qua đường đem tiền cho vay. Đồng tiền chung của các nước góp vốn nhưng Trung Cộng sẽ dùng để ban ơn phát huệ, xâm nhập và mở rộng thương mại.
Chưa biết ông James Woolsey sẽ đóng vai trò nào trong chính phủ Trump sắp tới.
Một điều ai cũng biết là ứng cử viên Donald Trump đã hứa với các cử tri rằng ông sẽ tăng thuế nhập cảng trên hàng Trung Quốc lên 45%, và sẽ giảm bớt vay nợ nước Tàu để khỏi bị bắt chẹt. Hai lời hứa này ông sẽ thực hiện hay không?
Những lời ông Donald Trump đả kích Trung Cộng đều nhắm vào mục tiêu là các cử tri tin rằng hàng nhập cảng, từ các nước nói chung, khiến công nhân Mỹ thất nghiệp. Lời hứa hẹn đánh thuế hàng Trung Quốc lên 45% được cử tri vỗ tay hoan hô không thua gì lời hứa sẽ xây bức trường thành trên biên giới Mexico dài 3,100 km, sẽ tốn $25 tỷ.
Các chính phủ Mỹ từ 40 năm nay vẫn đặt nhân quyền làm một trọng tâm trong bang giao với các nước khác (và đang bị một đồng minh là Phillipines đòi đoạn giao), nhưng Donald Trump chưa bao giờ đặt ra vấn đề đó. Ông đã từng nói về cuộc tàn sát ở Thiên An Môn năm 1989 như một cuộc “dẹp loạn”. Ông tuyên bố: “Tôi không ủng hộ chuyện đó. Tôi chỉ nói rằng đây là một chính quyền dũng mạnh đã dám sử dụng sức mạnh của họ. Và họ đã dẹp yên đám nổi loạn (the riot)”.
Dù ông Trump có tăng thuế hàng Tàu hay không, một lời hứa của ông được Bắc Kinh hoan nghênh nhiệt liệt là việc xóa bỏ TPP, Hiệp Ước Hợp Tác Châu Á Thái Bình Dương; trong đó có Việt Nam, Australia, Malaysia, Nam Hàn… mà không mời Trung Quốc. Ông Trương Triết Hân thuộc Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Quốc Tế ở Thượng Hải nói rằng hành động đó sẽ cho Trung Quốc thêm cơ hội tiến hành các kế hoạch liên kết mậu dịch với các nước trong vùng Đông Á mạnh hơn./.
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment