Thursday, July 5, 2012

THẾ NÀO LÀ ĐỘC TÀI TÒAN TRỊ


Thứ Ba ngày 03.07.2012     

Lời dẫn: Một dân tộc phải sống dưới chế độ độc tài đã bất hạnh vì phải hy sinh hạnh phúc của bao thế hệ. Nhưng sống dưới chế độ độc tài toàn trị sự bất hạnh còn tệ hại hơn nhiều. Viêt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, Liên Bang Xô Viết và các chư hầu Đông Âu đang và đã trải qua thảm kịch này.
Tuy nhiên thảm kịch nào rồi cũng đến lúc phải hạ màn. Sự cáo chung của chế độ CS toàn trị không còn xa và sẽ khởi đầu kỷ nguyên ánh sáng cho toàn nhân loại. Mời quý thính giả nghe phân tích của Đà Giang qua sự trình bày của Vân Khanh.
Tại sao các dân tộc Nga Sô và Đông Âu chỉ có thể thoát khỏi độc tài sau 70 năm dài, mặc dù các dân tộc liên hệ từ lâu đã chứng kiến sự tụt hậu tang thương của đất nước họ khi so sánh với Tây Âu?
Và rất nhiều người cũng không hiểu tại sao CSVN đã cai trị đất nước ta suốt 6 thập niên, phạm biết bao lỗi lầm nghiêm trọng như nhượng đất, biển và hải đảo cho Trung Quốc, mãi quốc cầu vinh trắng trợn thế mà vẫn tiếp tục nắm quyền lực trong tay? Tại sao dân tộc Việt vẫn dung túng cho một tập đoàn tham nhũng tận răng, từ Vinashin đến Vinalines trong một đất nước băng hoại nghèo xơ xác? Thật sự dân Việt có phải là một dân tộc hèn nhát không?

Câu trả lời nghiêm chỉnh cho các vấn nạn của những quốc gia trên là các dân tộc này không hèn nhát, nhưng bởi họ là nạn nhân của một hệ thống độc tài toàn trị.
Thế nào là độc tài toàn trị? Độc tài toàn trị khác với độc tài không toàn trị chỗ nào? Chính trị học phân loại nhiều chế độ độc tài khác nhau như: -
- Độc tài quân chủ chuyên chế tại Vương quốc Saudi Arabia hiện nay và trên khắp thế giới thời xa xưa.
- Độc tài cá nhân trị tại Ý dưới chính quyền Phát-Xít của Mussolini, hay tại Đức dưới thời Hitler và đảng Quốc Xã.
- Độc tài quân phiệt tại Miến Điện, hay Ai Cập dưới thời Hosni Mubarak và Nasser, hay Thái Lan và Nam Dương trước khi chuyển mình sang dân chủ.
- Độc tài giáo phiệt tại Iran dưới sự lãnh đạo của các giáo sĩ Hồi Giáo cực đoan.
- Độc tài cộng sản tại Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Liên Xô và các nước Đông Âu trước khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ.
Không phải chế độ độc tài nào cũng toàn trị. Muốn được gọi là toàn trị phải đạt một số tiêu chuẩn rõ rệt. Một chế độ độc tài bình thường chỉ chú trọng đến việc nắm giữ quyền lực chính trị. Những lãnh vực không thuộc quyền lực chính trị như chính quyền thì họ không thể kiểm soát được. Trong khi đó, một chế độ toàn trị không những kiểm soát quyền lực chính trị mà còn kiểm soát mọi khía cạnh cá thể của con người, bao gồm các lãnh vực như cơm ăn áo mặc, đời sống tâm linh tôn giáo, khuynh hướng nghệ thuật, tư tưởng chính trị và đạo đức cá nhân.
Danh từ toàn trị được dịch từ anh ngữ là "totalitarianism". Theo Wikipedia thì tư tưởng gia người Áo là ông Franz Borkenau trong cuốn sách "Cộng sản Quốc tế" (The Communist International) năm 1938 cho rằng, danh từ này thực sự là mẫu số chung của chế độ độc tài Xô Viết và Đức Quốc Xã. Ngòai ra tư tưởng gia Isabel Paterson, trong tác phẩm "Thượng đế của Máy móc" (The God of the Machine) năm 1943, đã sử dụng danh từ này để diễn tả về Liên Bang Xô Viết và Đức Quốc Xã.
Điều này cho thấy, không những chế độ CS Liên Xô và Đức Quốc Xã coi nhau như kẻ thù không đội trời chung, mà Stalin và Hitler là 2 nhà độc tài khát máu nhất của lịch sử nhân loại cũng không thể cùng cộng sinh trên trái đất này. Họ quyết tâm tiêu diệt lẫn nhau không phải vì một bên có tính thiện và bên kia có tính ác, hay một bên vì chính nghĩa còn bên kia thì chủ trương bạo tàn. Họ không thể đội trời chung bởi vì 2 cọp không thể sống chung trong một khu rừng. Stalin thẳng tay tiêu diệt hơn 20 triệu nông dân hữu sản và trí thức Nga. Hitler giết sạch 6 triệu người Do Thái trong phạm vi kiểm soát của mình. Stalin và CS Liên Xô chủ trương đấu tranh giai cấp. Còn Hitler và Đức Quốc Xã thì chủ trương đấu tranh chủng tộc.
Có thể kết luận rằng trong các hệ thống độc tài nêu trên, các chế độ quân chủ chuyên chế và phần lớn các chế độ quân phiệt và giáo phiệt tại Iran đều chưa đủ tiêu chuẩn để gọi là những chế độ toàn trị. Nguyên do vì nhiều khiá cạnh của xã hội và đời sống của người dân nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền. Trong khi các chế độ như Phát-Xít và Đức Quốc Xã nhất là các chế độ CS đều đạt đến tiêu chuẩn độc tài toàn trị. Muốn chứng minh rõ điểm then chốt này, không gì hiển nhiên bằng xét lại những từ ngữ được sử dụng trong điều 4 hiến pháp của nước CHXHCNVN. Điều 4 hiến pháp quy định:
"Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội."
Cụm từ quan trọng trong điều 4 là: "Đảng CSVN..... là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội". Khái niệm về "nhà nước" tức chính quyền thì tương đối dễ hiểu. Nhưng thế nào là "xã hội" trong điều 4 hiến pháp theo Karl Marx?
"Xã hội" trong điều 4 là chữ viết tắt của "xã hội dân sự". Karl Marx định nghĩa "xã hội dân sự" là tất cả những gì không thuộc chính quyền. Một định nghĩa tham lam và bao quát như thế cho phép các đảng CS kiểm soát mọi khía cạnh xã hội, các tập thể trong xã hội cũng như các cá nhân cấu tạo các tập thể, từ hành động đến tư duy sâu kín nhất. Kết quả, điều 4 hiến pháp đã đem lại quyền lực tuyệt đối cho đảng CSVN, như tư tưởng gia Lord Acton từng tuyên bố "Quyền lực đem lại tham nhũng, quyền lực tuyệt đối đem lại tham nhũng tuyệt đối ". Đảng CSVN chính là một lực lượng tham nhũng. Khi đảng lãnh đạo nhà nước thì nhà nước tham nhũng. Khi đảng lãnh đạo xã hội dân sự theo định nghĩa của Marx, thì toàn bộ xã hội dân sự cũng tham nhũng thối nát đó là lẽ đương nhiên.
Trước quyền lực tuyệt đối, người dân bị truất đi quyền sở hữu tư sản cũng như quyền tư duy cá thể, thế nên mọi sự chống đối đều vô hiệu lực. Chính vì thế, các dân tộc Nga và Đông Âu mới thực sự là những người dân hào hùng, bởi họ đã can đảm đứng lên lật đổ bạo quyền CS. Nếu có so sánh, thì chiến thắng của họ đáng ngợi khen hơn chiến thắng của nhân dân Hoa Kỳ và Ấn Độ đã đánh đuổi đế quốc Anh. Hay dân Nam Dương đánh đuổi thực dân Hòa Lan, và dân Việt đánh đuổi thực dân Pháp. Vì tuy các chế độ này là thực dân độc tài nhưng không toàn trị như các chế độ CS.
Với trào lưu dân chủ bất khả vãn hồi. Với cuộc cách mạng thông tin điện tử trong thiên niên kỷ mới, các chế độ độc tài toàn trị dù ngoan cố đến đâu cũng phải thoái trào và chui vào sọt rác của lịch sử. Lịch sử đã chứng minh dân tộc Việt không phải là một dân tộc hèn nhát. Chúng ta đã từng viết lên những trang sử oai hùng trong quá khứ, thì việc đạp đổ độc tài toàn trị CSVN cũng không còn bao xa.
Đà Giang
24/6/2012

No comments:

Post a Comment