Monday, July 16, 2012

Thời Sự Trong Tuần Chủ Nhật ngày 15.07.2012


HS: Mời qúy thính giả của đài ĐLSN theo dõi mục Thời Sự Trong Tuần với Tây Sơn sau đây. Chào anh Tây Sơn, xin anh cho biết những sự kiện đáng ghi nhận trong tuần qua tại Việt Nam
TS: Kính chào thính giả của đài ĐLSN và anh Hải Sơn. Trong tuần qua chúng ta nghe nói đến chuyến đi Hà Nội của ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, chuyện Trung Quốc một lần nữa bắt giữ ngư dân Quảng Ngãi và tàu cá Việt Nam tại Biển Đông,

nhưng tình trạng an ninh côn đồ đánh đập người vô tội đang là đề tài nóng bỏng nhất. Khi nói về chuyến đi của ngoại trưởng Hillary Clinton, ngoài chuyện hợp tác làm ăn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, điểm nổi bật trong chuyến đi này phải nói đến cuộc gặp gỡ với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nguời mà Hoa Kỳ cho rằng vẫn giữ lập trường bảo thủ, chống lại những cải tổ chính trị, và không muốn xích gần lại với Hoa Kỳ. Quan chức Hoa Kỳ cho biết ông Nguyễn Phú Trọng đã tỏ ra tức giận khi ngoại trưởng Clinton nêu lên những vụ chà đạp nhân quyền tại Việt Nam. Khi nói đến mức quan hệ đang gia tăng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, bà Clinton lo lắng cho tình trạng thiếu tự do trên mạng cùng các vụ bắt giam phóng viên, blogger, luật sư và các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Ngoại trưởng Clinton cho biết Hoa Kỳ quan tâm đến vụ bắt giam các blogger thuộc Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do như các ông Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, Phan Thanh Hải, tức Anh Ba Sài Gòn và bà Tạ Phong Tần. Bà Clinton cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ ký kết hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương trước cuối năm nay để giảm hàng rào thương mại cho Việt Nam, nhưng một số điều kiện trong hiệp định cũng có thể gây khó khăn cho nhà cầm quyền Hà Nội như tự do trao đổi tư tưởng và giới lao động được quyền thành lập công đoàn. Vào tuần trước, lần đầu tiên số tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị Trung Quốc bắt giữ nhiều nhất khi đánh bắt cá tại Hoàng Sa. Hiện nay Trung Quốc vẩn còn giữ 3 tàu cá và cùng ngư cụ và hải sản trị giá hơn 4,1 tỉ đồng. Hoàn cảnh của ngư dân Quảng Ngãi thật bi đát khi tàu cá bị tịch thu, nợ nần chồng chất, không còn phương tiện sinh sống. Tình trạng nhà cầm quyền dùng côn đồ hoặc công an chìm tấn công đánh đập người dân vô tội đang gây phẫn nộ trong lòng người dân quan tâm đến đất nước. Vào tối chủ nhật tuần trước, nhóm côn đồ tụ họp tại nhà ông Mai Xuân Kỳ, tổ trưởng dân phố tổ 13 phường Giáp Bát, đã dùng dao và ổ khóa xông vào nhà Blogger Nguyễn Hữu Vinh và đánh anh ngay trong nhà. Đến chiều thứ năm, khoảng 20 tên côn đồ đã vào nhà nông dân tại xóm Một, xã Xuân Quan và đánh một số người bị thương phải đưa đi bệnh viện. Một nhân chứng kể lại bọn côn đồ đã dùng chai bia, gậy gộc, đánh đập người dân, đa số lớn tuổi không thể chống trả. Trong bản tin hôm nay, chúng ta được biết đến vụ an ninh côn đồ ngang nhiên đập kính xe và hành hung các blogger ngoài đường phố mà không ai can thiệp. Đây là hình thức đe dọa dân lành nghiêm trọng của nhà cầm quyền, cần phải được toàn dân và thế giới lưu tâm. Một nhà nước không bảo đảm được an toàn cho người dân thì không còn lý do để cầm quyền. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược cần có thêm những biểu ngữ chống nạn cường hào ác bá và đòi nhà nước phải bảo vệ an toàn cho người dân.
HS: Anh Tây Sơn có ghi nhận gì thêm về việc lần đầu tiên trong 45 năm, một hội nghị giữa các ngoại trưởng ASEAN đã không có một bản tuyên bố chung ?
TS: Đây là một thất bại lớn cho khối ASEAN vì không thể hiện được tính hợp nhất. Vào thứ hai sau khi buổi thảo luận đầu tuần chấm dứt, ngoại trưởng Cam Bốt Kao Kim Hourn cho biết các nước ASEAN đã đồng ý với nhau về quy tắc ứng xử tại Biển Đông và ASEAN bắt đầu thảo luận với Trung Quốc mặc dù chi tiết của bản văn chưa được công bố. Tuy nhiên đến ngày thứ năm thì có tin hội nghị ASEAN kỳ này không đưa ra được một bản tuyên bố chung vì nước chủ nhà Cam Bốt chống lại việc đưa việc tranh chấp tại Biển Đông vào bản dự thảo khi 9 nước thành viên khác trong ASEAN tỏ ra nhân nhượng với Phi và Việt Nam. Nhìn chung chúng ta thấy nhiều nước trong khối ASEAN đang lo cho quyền lợi riêng của nước mình và không muốn làm buồn lòng Trung Quốc. Hiện nay Phi Luật Tân là nước có phản ứng mạnh mẽ nhất đối với Trung Quốc về thái độ xâm lấn chủ quyền trong vùng Biển Đông. Việt Nam cũng lên tiếng cho có lệ nhưng không ra mặt ủng hộ người dân xuống đường biểu tình thể hiện lòng yêu nước. Nhiều nước chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc từ nhiều thập niên trước như Cam Bốt, Lào, đang được Bắc Kinh viện trợ giúp đỡ nên không muốn dính vào cuộc tranh chấp tại Biển Đông. Hoa Kỳ tuy lên tiếng yểm trợ một quy tắc ứng xử tại Biển Đông, nhưng không muốn tạo một liên minh rõ rệt chống lại Trung Quốc nên các nước trong vùng càng thêm dè dặt. Tóm lại Trung Quốc đang thắng thế vì có các nước tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông phải thương lượng riêng với Bắc Kinh theo như ý định của Trung Quốc một khi khối ASEAN không chứng tỏ được sự thống nhất, hợp quần gây sức mạnh. Cam Bốt là nước hội viên cuối cùng của khối ASEAN, nhưng với vai trò chủ tịch ASEAN, chính quyền Hun Sen đang làm vai trò của khối ASEAN trở thành vô nghĩa và giúp Trung Quốc dễ dàng thực hiện ý đồ xâm lược tại Biển Đông.
HS: Về tình hình thế giới, xin anh cho biết trong tuần qua có gì đáng chú ý ?
TS: Tình hình tại Syria còn bế tắc, nhưng nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền đang bỏ hàng ngũ tham gia phe đối lập chống lại tổng thống Assad. Khi cựu đại sứ Nawaf Fares kêu gọi binh sĩ Syria quay súng lại chống nhà độc tài Assad vì cho rằng người lính không còn danh dự khi sát hại dân mình thì chúng ta có thể thấy ngày cáo chung của chế độ Assad không còn xa. Hiện nay Nga là nước chống lại một giải pháp quân sự cho Syria cho dù số người dân bị sát hại tập thể từ bom đạn đang gia tăng. Phe nổi dậy có thể đang được các nước tây phương yểm trợ vũ khí chống lại quân đội Syria, nhưng tình hình Syria đang làm thế giới lo ngại khi có tin tình báo cho hay nhà cầm quyền Assad đang tẩu tán vũ khí hoá học là hơi độc sarin. Tin tình báo về vũ khí nguyên tử trong thời tổng thống Bush đã là yếu tố quyết định để Hoa Kỳ đánh Iraq và lật đổ chế độ Hussein. Việc ra đi êm thắm cho nhà độc tài Assad có lẽ không còn là một giải pháp thích hợp.
HS: Vì thời gian có hạn, xin chấm dứt phần Thời Sự Trong Tuần nơi đây và hẹn gặp lại anh trong tuần tới.

No comments:

Post a Comment